Công tác Hội

Tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho cán bộ Hội

23:01 29/07/2019 GMT+7
Vừa qua, tại TP.HCM, Ban Xã hội, Dân số và Gia đình (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị: “Tập huấn cán bộ Hội Nông dân phía Nam về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Tại Hội nghị, cán bộ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố  khu vực phía Nam

Vừa qua, tại TP.HCM, Ban Xã hội, Dân số và Gia đình (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức Hội nghị: “Tập huấn cán bộ Hội Nông dân phía Nam về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Tại Hội nghị, cán bộ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố  khu vực phía Nam sẽ được cung cấp những thông tin cơ bản về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi hiện nay; những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện an toàn thực phẩm ở nước ta; Lạm dụng thuốc kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi và tác hại đối với con người. Qua đó, nhằm phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội, hội viên Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, vận động, thực hiện và giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi. 

An toàn thực phẩm ngành Chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn

Vấn đề an toàn thực phẩm ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Bảo đảm an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe người dân, phát triển kinh tế xã hội. Sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm có vị trí, vai trò quan trọng trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên hiện nay, dịch bệnh khó kiểm soát, sản xuất, thị trường chưa kết nối, tái cơ cấu, chuyển biến chậm, tích tụ đầu tư thấp.

Thực trạng hiện nay đang là vấn đề nan giải là: Giết mổ, chế biến, chưa quản lý và quy hoạch tốt, tỷ trọng chế biến thấp, hầu hết mới ở giai đoạn đầu; Tổ chức sản xuất còn hạn chế, chi phí sản xuất cao; Chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ, một số chính sách khó đi vào đời sống; Thể chế thiếu hoàn thiện, còn vướng mắc liên quan đến đất đai, tín dụng, bảo hiểm, đầu tư, quy hoạch…Hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị còn yếu. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm ngành Chăn nuôi còn đối mặt rất nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa: Các cửa ngõ lây truyền bệnh. 

Ngoài ra ngành Chăn nuôi còn đối mặt nhiều thách thức lớn như: Dịch bệnh kháng thuốc biến chứng virút, các dịch bệnh mới nổi, khó khăn trong giải quyết. Cạnh tranh tăng, các hiệp định thương mại khu vực và thế giới xóa dần rào cản thương mại mang tính bảo hộ. Chi phí cao và khó khăn trong kiểm soát môi trường, khi chăn nuôi tích tụ với quy mô lớn hơn, ô nhiễm môi trường tăng cao, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn vệ sinh trong chăn nuôi, nhiều trang trại ngừng hoạt động hoặc dịch chuyển ra khu vực khác. Cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, cung sản phẩm thủy sản, gia cầm, bò sẽ tăng, nhu cầu thịt lợn có thể chững lại (do thị hiếu, thói quen ẩm thực thay đổi).

Lạm dụng kháng sinh và chất cấm trong chăn nuôi và tác hại

Dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc mãn tính, tác dụng lâu dài đến sức khỏe con người. Vì vậy, một số giải pháp thay thế kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi ra đời như: Sử dụng các loại thảo dược có hoạt chất kháng sinh, các chất tổng hợp như các loại axit hữu cơ, chế phẩm sinh học (chủng vi sinh vật có lợi, các enzyme tổng hợp)… các chế phẩm giàu kháng thể.

Theo Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn: “Vấn đề lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay rất cao, tại các nước phát triển hàng đầu như Hoa Kỳ được sử dụng với lượng quy định và kiểm tra chặt chẽ, Anh cấm sử dụng tetracyline 1971, Thụy Điển cấm sử dụng 1980s, Đan Mạch cấm sử dụng chất vỗ béo cho heo, các nước châu Á chỉ cho sử dụng một số loại… Tác hại thuốc kháng sinh gây ra kháng thuốc, giảm tác dụng của thuốc khi phải điều trị bệnh bằng kháng sinh trong chăn nuôi, kéo dài thời gian điều trị, hiệu quả điều trị thấp… Gây tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, đi vào cơ thể con người và gây nên kháng thuốc ở người”.

Các chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi: Melamin là chất đạm giả (tăng hàm  lượng đạm trong thức ăn chăn nuôi, đánh lừa người chăn nuôi). Tồn dư trong thực phẩm: Gây tác hại về sinh sản, sỏi bàng quang hoặc thận, có thể gây ung thư bàng quang. Beta – Agonist (tạo nạc), là chất kích thích sinh trưởng, tăng tỷ lệ thịt nạc, thường dùng trong lợn thịt, bò thịt, gà thịt. Vật nuôi lớn nhanh, nhiều thịt nạc. Tồn dư trong thực phẩm gây ra tim đập nhanh, hồi hộp và có thể gây ung thư.

Tình hình dịch bệnh hiện nay diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ, yêu cầu chất lượng thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thức ăn chăn nuôi khi lưu thông trên thị trường là không có chất cấm, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố ghi trên nhãn. Phù hợp và được gắn dấu CR trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo. Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, hạn chế sử dụng kháng sinh, sử dụng kháng sinh theo đúng quy định, hướng dẫn của nhà sản xuất trong quá trình nuôi. Không sử dụng các loại hóa chất chưa được công nhận làm thực phẩm.

Đối với vật nuôi bị nhiễm bệnh, bị chết nhân viên phụ trách lấy mẫu bệnh phẩm phải được đào tạo đầy đủ về chuyên môn, tuân thủ đầy đủ quy trình sát trùng, bảo quản mẫu bệnh phẩm. Vật nuôi bệnh phải được cách ly khu vực riêng biệt, được giám sát chặt chẽ, chẩn đoán chính xác để có biện pháp trị bệnh hiệu quả. Vật nuôi chết phải được tiêu hủy đúng quy định, tuyệt đối không được vứt ở sông suối, nơi công cộng. Vật nuôi cùng đàn với vật nuôi bệnh hoặc chết vì bệnh phải được theo dõi, có biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Sử dụng loại thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thực hiện quy trình thực hành tốt trong chăn nuôi.

                                                                                                                                                   Vân Nguyễn

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác