Tây Ninh: Thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là ngành Chăn nuôi
Tỉnh Tây Ninh đã và đang kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, những cái tên lớn như Tập đoàn De Heus, CP Group, Dabaco, Masan, Tập đoàn Vinafeed, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam QL… đã xây dựng các trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại Tây Ninh, không chỉ tập trung vào chăn nuôi mà còn phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm từ chăn nuôi.
Trong đó, Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh tại xã Tân Hội, huyện Tân Châu với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng đã chính thức đi vào hoạt động từ giữa tháng 5/2024. Cùng với đó là 7 dự án trọng điểm Tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh đang được triển khai trong giai đoạn 2025 – 2030 do liên doanh Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, mục tiêu của tỉnh là phát triển 22 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trong đó, 12 vùng trồng trọt, 7 vùng chăn nuôi, 3 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi. Mỗi vùng sản xuất được chứng nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hình thành ít nhất 1 chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm góp phần nâng tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 25% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030.
Trong đó, xác định chăn nuôi là lợi thế hàng đầu trong việc thu hút đầu tư vào ngành Nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh đang triển khai nhiều chiến lược chuyển tiềm năng thành động lực hút đầu tư để thu hút dòng vốn “khủng”. Theo đó, tỉnh Tây Ninh đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là trong các dự án chăn nuôi công nghệ cao và quy mô lớn. Các hỗ trợ bao gồm ưu đãi về đất đai, thuế và thủ tục hành chính, giúp doanh nghiệp dễ dàng triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, Tây Ninh đang tập trung mạnh mẽ vào việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đạt chuẩn quốc tế, nhằm phát triển ngành Chăn nuôi bền vững, tăng sức cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi. Việc xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh không chỉ giúp bảo vệ đàn vật nuôi mà còn đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt từ các thị trường quốc tế.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh, tính đến hết tháng 8 năm 2024, tổng đàn gia cầm của tỉnh Tây Ninh khoảng 10 triệu con, tổng đàn heo gần 400 ngàn con. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học. Toàn tỉnh có 2 huyện Dương Minh Châu và Tân Châu được chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi gà, heo, bò được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết: Làn sóng đầu tư hàng ngàn tỷ vào ngành Chăn nuôi tại Tây Ninh đang tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh. Những dự án quy mô lớn này không chỉ giúp tăng cường sản lượng và chất lượng sản phẩm chăn nuôi mà còn đóng góp lớn vào kinh tế địa phương, tạo việc làm và cải thiện cơ sở hạ tầng. Sự phát triển này không chỉ giúp Tây Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực nông nghiệp của khu vực Đông Nam Bộ mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho nền kinh tế.
Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu dài hạn. Giai đoạn 2024 – 2025, Tây Ninh sẽ phấn đấu có 3 vùng cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định Việt Nam, 1 vùng cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới với bệnh cúm gia cầm…; triển khai các chương trình tiêm phòng dịch bệnh diện rộng nhằm bảo vệ đàn vật nuôi khỏi các dịch bệnh nguy hiểm. Chính quyền địa phương phối hợp với các cơ quan thú y tổ chức tiêm phòng định kỳ, kiểm tra sức khỏe và cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các trang trại đạt chuẩn. Điều này không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe vật nuôi mà còn tạo điều kiện để sản phẩm chăn nuôi từ Tây Ninh được xuất khẩu sang các thị trường khó tính.