Thanh Hoá thúc đẩy số hoá trong xây dựng nông thôn mới thông minh
Thúc đẩy số hóa nông thôn, thi đua xây dựng nông thôn mới thông minh
Gần 1 năm nay, khi đến Trạm Y tế xã Đông Khê, huyện Đông Sơn khám chữa bệnh, người dân chỉ cần mang thẻ căn cước, quét mã QR Code, máy tính sẽ tích hợp mọi thông tin cần thiết, thực hiện hệ thống tiêm chủng trẻ em trên địa bàn. Đáng chú ý, từ đầu năm 2023, Trạm Y tế xã còn liên kết với các Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội khám bệnh từ xa cho người dân có nhu cầu. Trạm y tế còn đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại đáp ứng tốt việc khám sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Được biết đây là 1 trong những đơn vị được xã Đông Khê lựa chọn thực hiện điểm trong chuyển đổi số.
Cùng với chuyển đổi số trong y tế, đến nay hơn 90% người dân xã Đông Khê đã sử dụng điện thoại thông minh, từ đó người dân cũng đang dần quen với cách mua bán giao dịch trên mạng xã hội giúp kích cầu tiêu thụ nâng cao giá trị sản phẩm.
Cán bộ Trạm Y tế xã Đông Khê khám bệnh cho người cao tuổi trên địa bàn. Ảnh Tô Hà
Đến thôn 4 - thôn thông minh đầu tiên của xã NTM kiểu mẫu Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa), ngoài cảnh quan nông thôn sạch đẹp, ai cũng ấn tượng bởi mức độ số hóa trong cuộc sống nơi đây. Hệ thống camera an ninh đã phủ khắp thôn, từ trục đường chính đến từng hộ dân. Nhà văn hóa thôn rộng 50m2 được lắp đặt mạng Wifi tốc độ cao phục vụ học tập, tra cứu thông tin, học hỏi mô hình làm ăn… mọi thông tin có thể chuyển tải đến người dân qua nhóm Zalo; tình hình giao thông, an ninh trật tự trong thôn cán bộ đều nắm được qua hệ thống camera. Đến nay, tỷ lệ sử dụng mạng Wifi của các hộ dân đạt 90%.
“Dám nghĩ, dám làm, hết lòng vì sự phát triển của thôn” - Đó là lời nhận xét của mọi người với ông Nguyễn Xuân Giao, Trưởng thôn 4, xã Thiệu Trung. Ngay từ khi Thiệu Trung triển khai xây dựng xã NTM nâng cao, thôn NTM kiểu mẫu, ông Giao đã gương mẫu đi đầu vận động bà con hiến đất, mở rộng lòng đường, chỉnh trang cảnh quan nông thôn theo hướng đồng bộ, hiện đại và văn minh. Nhân dân trong thôn đã đóng góp để trải nhựa các tuyến đường trong thôn; thống nhất, đồng loạt xây dựng một mẫu tường rào cho từng tuyến, tạo nên nét đẹp riêng cho từng ngõ, từng xóm; đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống văn minh, hàng ngày vệ sinh quét dọn đường làng, ngõ xóm. Thôn 4 cũng là thôn đầu tiên của huyện Thiệu Hoá xây dựng thôn thông minh.
Nhân dân xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa hiến đất làm đường giao thông. Ảnh Nguyễn Tâm
Mặc dù công nghệ số là lĩnh vực mới, nhưng ông Giao đã nhạy bén tiếp thu cái mới, học hỏi tiếp cận để sử dụng thành thạo các ứng dụng trên điện thoại thông minh trong việc quản lý, điều hành công việc trong thôn. Ông đã cùng thành viên Tổ Công nghệ số của xã đến tận hộ gia đình hỗ trợ cài đặt các tài khoản thanh toán điện tử, đưa các sản phẩm của gia đình lên các sàn thương mại điện tử để bán… Ông Giao cùng các hộ dân đóng góp kinh phí lắp đặt camera an ninh tại các điểm dân cư, lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh, tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin.
Ông Ngô Xuân Thư- Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyễn, huyện Thiệu Hóa cho biết: “UBND xã đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh và các ngành liên quan để thành lập các Tổ Công nghệ số cộng đồng hướng dẫn cho người dân các thôn thực hiện các nội dung của chuyển đổi số như: Thanh toán không dùng tiền mặt, lắp hệ thống camera an ninh, triển khai thực hiện Đài truyền thanh thông minh cùng với 1 số nội dung khác”.
Để xây dựng xã NTM thông minh, ngoài thôn thông minh, một trong những nội dung quan trọng là thực hiện chuyển đổi số trong điều hành chính quyền địa phương. Vì thế, thời gian qua, các đơn vị trong tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cơ bản về chuyển đổi số cho cán bộ xã, thôn và nhân dân. Đồng thời xây dựng hệ thống phần mềm ứng dụng trong điều hành quản lý phục vụ công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, mỗi xã NTM kiểu mẫu đều có 1 phòng họp trực tuyến kết nối với hệ thống hội nghị trực tuyến của huyện, của tỉnh và trung ương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành xây dựng chính quyên điện tử, hướng tới chính quyền số cấp xã.
Người dân trực tiếp thụ hưởng kết quả của chuyển đổi số
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hoá có 15 xã có mô hình Thôn thông minh đạt chuẩn. Cùng với đó là hàng trăm thôn, làng được lắp đặt hệ thống camera an ninh giám sát, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đa phần cán bộ cấp thôn đã sử dụng điện thoại thông minh, thiết lập nhóm Zalo để trao đổi, kết nối với cán bộ xã; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng điện thoại và ứng dụng trên các nền tảng Internet ngày càng cao.
Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, xã Định Long, huyện Yên Định phấn đấu xây dựng và đề ra các giải pháp trong cái cách hành chính (CCHC), thực hiện tốt công tác chuyển đổi số tại cơ sở. Hiện nay 100% số thôn trên địa bàn xã có cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho chuyển đổi số tốt; Trên 95% hộ dân sử dụng điện thoại thông minh hoặc thiết bị kết nối Internet. Xã đã lắp camera an ninh và nhiều hộ dân đã chủ động lắp đặt camera an ninh; Hàng hóa nông sản địa phương được quảng bá, rao bán trên sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội; Trình độ dân trí trên địa bàn xã được nâng lên, đa số nhân dân có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ thông tin; 100% số thôn trong xã thành lập Tổ Công nghệ số cộng đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số và giúp người dân đăng ký tài khỏan định danh điện tử. Hiện các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn huyện thu hút số lượng lớn lao động làm việc, do đó đa số người dân đều có tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong xây dựng NTM thông minh, các địa phương tỉnh Thanh Hoá cũng đặc biệt chú trọng đến chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, sinh thái, hiệu quả. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đã ứng dụng cộng nghệ tự động hóa để theo dõi, giám sát, truy xuất, sử lý dữ liệu giúp giảm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Chỉ cần 1 nhân công thực hiện bật công tắc chung, hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel sẽ tưới tự động cho 15.000m2 trồng dưa kim hoàng hậu của Công ty Công nghệ cao Thiên Trường 36 (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn). Việc áp dụng công nghệ này giúp Công ty tiết kiệm được 30% chi phí thuê nhân công lao động, tiết kiệm nước. Công ty còn lắp đặt hệ thống camera ở tất cả các nhà lưới để theo dõi hoạt động sản xuất của người lao động qua điện thoại thông minh, đã đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử, trang mạng xã hội để giới thiệu quảng bá, kết nối khách hàng. Nhờ đó sản phẩm dưa kim hoàng hậu của Công ty sản xuất đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó.
Ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh trong sản xuất lúa tại xã Định Liên, huyện Yên Định. Ảnh Nguyễn Tâm
Ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị đã định hướng cho các địa phương ngay từ khi bắt đầu xây dựng NTM, NTM nâng cao đã xây dựng các tiêu chí của NTM thông minh chứ không chờ đến lúc xây dựng NTM kiểu mẫu mới xây dựng NTM thông minh. Các tiêu chí, chỉ tiêu mà gắn được với chuyển đổi số, hiện đại hóa, gắn với công nghệ thông tin phải bắt tay vào làm ngay. Ví dụ như ứng dụng công nghệ vào sản xuất từ khâu chăm sóc, bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông nghiệp đến các vấn đề an ninh trật tự trong thôn, xã.
Cùng với các sở, ban, ngành trong tỉnh, các cấp Hội Nông dân Thanh Hóa đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ hội viên nông dân thi đua ứng dụng chuyển đổi số. Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai hơn 90% nội dung tuyên truyền trên không gian mạng, nhiều HTX đã ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quá trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của khách hàng. Bên cạnh đó, Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu ban đầu sẽ vận động khoảng 4.000 hộ sản xuất kinh doanh nông lâm nghiệp, thủy, hải sản để bán và giới thiệu sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử của Bưu điện.