Thanh niên huyện nghèo Buôn Đôn giúp nhau khởi nghiệp
Trở lại công việc sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, anh Hồ Thế Mỹ, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực kết nối với các đơn vị tiêu thụ, điểm bán lẻ để mở rộng đầu ra cho sản phẩm măng tây.
Thời điểm này, hơn 10 ha măng tây của công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Nông sản hữu cơ Việt Nguyên (do anh Mỹ làm chủ) và liên kết với nông dân đã đến chính vụ thu hoạch. Mỗi ngày, một héc ta có thể cho thu hoạch khoảng 1 tạ đến 1 tạ rưỡi măng tây tươi, với mức giá bán từ 40.000 đồng/kg trở lên tùy loại.
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, anh Mỹ cho biết, từ cuối năm 2018, anh thuyết phục gia đình mạnh dạn phá bỏ toàn bộ 5 sào cà phê, chuyển sang trồng măng tây. Vừa trồng vừa đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, anh tập hợp những người bạn cùng chí hướng để thành lập công ty, kết nối nguồn tiêu thụ.
Anh Hồ Thế Mỹ kể: "Tôi gặp nhiều thất bại về giống, kỹ thuật thì mình đã xuống các vùng nguyên liệu lớn học tập. Những vùng đất canh tác các loại cây lâu năm bị cằn cỗi thì tôi đưa cây măng tây vào, cải tạo bằng cách chăm sóc hoàn toàn không có sử dụng phân bón hóa học; rồi cây măng tây bắt đầu phát triển. Tôi cùng với 3 người khởi nghiệp đưa công ty Việt Nguyên phát triển, xây dựng rộng rãi hơn mô hình trồng măng tây này. Đưa nó tới bà con, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón, với lại cùng với bà con phát triển nó tại khu vực đất Buôn Đôn".
Mong muốn liên kết để hỗ trợ cùng nhau phát triển, tháng 10/2021, các thanh niên đang khởi nghiệp tại Buôn Đôn, thông qua tổ chức Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên huyện đã lập nên câu lạc bộ khởi nghiệp.
Anh Nguyễn Văn Hải, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết, với mục tiêu giúp cho các bạn khởi nghiệp có hiệu quả, câu lạc bộ đang kết nối với các nguồn lực, nhà đầu tư và những người có nhiều kinh nghiệm để trực tiếp hỗ trợ, tư vấn cho thanh niên.
"Mỗi tháng sẽ có một chương trình cà phê khởi nghiệp, mời được những diễn giả hoặc là những cái người làm start up thực chiến về để trao đổi với cộng đồng khởi nghiệp. Tiếp xúc, trao đổi thông tin giữa các ban, ngành như là Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế - Hạ tầng về những chính sách khuyến nông, khuyến công; công bố thông tin rộng rãi tới những bạn khởi nghiệp trong cộng đồng khởi nghiệp. Thăm quan các mô hình, kết nối các mô hình với những nhà tiêu thụ và những đơn vị truyền thông báo chí để đẩy được đầu ra cho những đơn vì khởi nghiệp", anh Hải nói.
Anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Huyện đoàn Buôn Đôn cho biết, cùng với thành lập câu lạc bộ khởi nghiệp, để phát huy sức trẻ và tinh thần dám nghĩ, dám làm của đoàn viên, thanh niên, thời gian qua, các tổ chức Đoàn, Hội ở huyện đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, như: tổ chức các lớp tập huấn, các buổi diễn đàn về khởi nghiệp. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho thanh niên vay vốn, giải ngân quỹ hỗ trợ khởi nghiệp… với tổng số tiền trên 66 tỷ đồng giúp thanh niên thực hiện các đề án phát triển kinh tế.
Anh Nguyễn Quang Trung chia sẻ: "Chúng tôi cố gắng tạo ra một tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, tạo điều kiện cho các bạn được tiếp cận các nguồn vốn để phát triển, tạo ra các diễn đàn để cho các bạn có thể kết nối, để tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các start up trên địa bàn của mình.
Tôi cũng mong muốn là cấp ủy, chính quyền địa phương hết sức quan tâm đến phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là phong trào khởi nghiệp trẻ trên địa bàn. Các cơ chế chính sách của Chính phủ, của tỉnh thì cần có những cái tập trung rõ ràng và nhất quán, dài hạn hơn và tạo điều kiện nhiều hơn cho phong trào khởi nghiệp nói chung cũng như phong trào khởi nghiệp trẻ nói riêng của địa phương"./.
Theo VOV