Người đưa tỏi Lý Sơn vượt sóng ra thế giới
Xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm
Chàng trai Nguyễn Văn Nhật đã nói với chúng tôi như vậy, trước khi anh kể về hành trình “ăn ngủ” với tỏi, xây dựng thương hiệu tỏi Lý Sơn nói chung và tỏi Phú Sinh nói riêng, kết nối với thị trường trong nước và “chắp cánh” cho tỏi Lý Sơn “bay” ra thị trường quốc tế…
Tốt nghiệp THPT, Nhật không thi Đại học mà chọn lên đường nhập ngũ, để trở thành một quân nhân. “Trải qua môi trường quân đội, khiến tôi trưởng thành hơn, thêm yêu mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc mình, khiến tôi càng quyết tâm phấn đấu, tìm mọi cách để có thể đóng góp xây dựng huyện đảo ngày một lớn mạnh” – Nhật chia sẻ.
Doanh nhân Nguyễn Văn Nhật - Giám đốc Công ty TNHH TM và dịch vụ Phú Sinh giới thiệu các sản phẩm của công ty.
Nhật cho biết, năm 2010 sau khi xuất ngũ, anh theo học ngành công nghệ hàn tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (Đồng Nai) và lựa chọn nghề tư vấn kỹ thuật xây nhà nuôi chim yến tại các tỉnh phía Nam. Những năm đó, như bao nông sản khác, tỏi Lý Sơn luôn trong tình trạng được mùa, mất giá, chưa có thương hiệu nên giá trị rất thấp, thu nhập bấp bênh, khiến đời sống của người dân nơi đây rất vất vả. Phải chứng kiến cảnh gia đình, người dân bán đổ bán tháo tỏi với giá rẻ mạt, khiến đôi mắt Nhật hơn một lần cay xè mặt dù… không ăn tép tỏi nào!
Năm 2014, nhận được tin hai xã đảo An Vĩnh và An Hải sẽ được cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm vượt biển và đã làm đổi thay nhiều thứ ở Lý Sơn. Nhật đã quay về quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. “Tôi muốn làm gì đó để tăng giá trị cây tỏi của quê hương, giúp bà con bán được tỏi thô với giá cao hơn, cuộc sống đỡ khó khăn hơn, quảng bá sản phẩm tỏi Lý Sơn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước” - Nhật bày tỏ.
Để có được ngày hôm nay, doanh nhân Nguyễn Văn Nhật đã phải tra ra nhiều khó khăn vất vả. Những ngày đầu khi từ miền Nam về, anh dành thời gian vừa buôn bán phụ giúp gia đình, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm trồng tỏi, rồi đầu tư máy móc, thiết bị cho nhà xưởng, xây dựng lòng tin với bà con nông dân… Theo anh Nhật, để người dân trồng tỏi ở Lý Sơn có thể sống và làm giàu được với nghề, chỉ có một cách duy nhất đó là xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để có nguồn nông sản sạch, năm 2019, Nhật đã kết hợp với người nông dân trồng tỏi sạch trên diện tích 1.000m2 để thử nghiệm và kết quả ngoài mong đợi. Năm 2021, Nhật quyết định thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phú Sinh (Công ty Phú Sinh).
“Tôi không giấu bà con nông dân bất kỳ bí quyết nào, bởi muốn vượt sóng to phải có con tàu lớn, để doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp phát triển lại càng cần có sự đồng hành, tin tưởng của người nông dân. Tôi áp dụng công nghệ tiên tiến của Phú Sinh, kết hợp với kinh nghiệm lâu đời của người nông dân, loại bỏ những gì không tốt để cùng cho ra những sản phẩm chất lượng” – doanh nhân Nhật cho biết.
Bí quyết là làm nông nghiệp sạch
Hiện nay, huyện đảo Lý Sơn có trên 300ha đất trồng tỏi, cung ứng ra thị trường trên 3.000 tấn tỏi mỗi năm. Công ty Phú Sinh đã xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP từ tỏi Lý Sơn để tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng. Phú Sinh là doanh nghiệp đi đầu trong việc trồng tỏi ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch không hóa chất ở đảo Lý Sơn và chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao, đưa thương hiệu tỏi Lý Sơn vươn xa.
Đến nay, doanh nghiệp đã có 5 sản phẩm OCOP. Sản phẩm tỏi đen nhiều nhánh, rượu tỏi đen, cao tỏi đen đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh; tỏi Lý Sơn thô và tỏi đen “cô đơn” Phú Sinh đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. “Để xây dựng thương hiệu tỏi Lý Sơn vững mạnh, điều quan trọng nhất là hướng về nông nghiệp sạch. Xu hướng của người tiêu dùng hiện nay là quan tâm đến sức khỏe, vì vậy, tôi hướng bà con nông dân trồng tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP… Việc trồng tỏi sạch cũng giúp bảo vệ người nông dân, bởi họ tiếp xúc với cây tỏi mỗi ngày” – Nhật chia sẻ.
Với suy nghĩ đó, Nhật đã mời PGS-TS. Phạm Văn Hiền, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP.HCM về Lý Sơn để hướng dẫn cách cải tạo, xử lý đất nhiễm phèn và bệnh nấm đất đang ngày một phổ biến, khiến cây tỏi nhiễm bệnh vàng lá, nông dân mất mùa. Dưới sự hướng dẫn của PGS-TS. Phạm Văn Hiền cùng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Quảng Ngãi, Công ty Phú Sinh đã liên kết cùng 100 hộ nông dân canh tác tỏi theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP… trên diện tích 50ha.
Cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, Phú Sinh đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, máy móc lên men tỏi đen theo công nghệ Nhật Bản. Các sản phẩm của doanh nghiệp được sản xuất trên quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vượt qua các quy trình kiểm định nghiêm ngặt. Tầm nhìn của Phú Sinh là không đơn thuần phát triển dòng tỏi thô, mà đẩy mạnh chế biến chuyên sâu để gia tăng giá trị. “Nếu 1kg tỏi tươi chỉ có giá 170.000 - 200.000 đồng, nhưng khi được Phú Sinh chế biến chuyên sâu có thể bán với giá 1,3 - 3,5 triệu đồng/kg, tùy loại, để thấy giá trị của củ tỏi và giá trị của công nghệ chế biến không hề nhỏ” – Nhật phân tích.
Người dân huyện đảo Lý Sơn thu hoạch tỏi trong niềm vui được mùa, được giá, không lo đầu ra.
Năm 2023, Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan đã ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn sản phẩm tỏi Lý Sơn với UBND huyện Lý Sơn. Trung bình mỗi năm, Masan sẽ mua khoảng 50 tấn tỏi khô của Lý Sơn để chế biến nước chấm chua ngọt Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn. Sản lượng mua hàng dự kiến tăng theo từng năm. Sự liên kết, hợp tác này được kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập bền vững cho người dân huyện đảo.
Cho đến nay sản phẩm tỏi của Phú Sinh đã phủ khắp các tỉnh trong cả nước. Vừa qua Phú Sinh đã giới thiệu một số sản phẩm với đối tác tại Singapore, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản… “Các sản phẩm được đối tác đánh giá rất tốt, một số đối tác Singapore, Nhật Bản đã đặt hàng, tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường sang Hàn Quốc và lớn hơn nữa là sang thị trường Đông Âu…” – doanh nhân Nguyễn Văn Nhật kỳ vọng.