Thực phẩm sạch

Thay đổi tư duy sản xuất để làm giàu

Phạm Khang - 07:06 11/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cũng như nhiều nông dân khác, ông Võ Văn Chiếu (xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) gắn với nghề nông vốn chỉ quen trồng lúa. Nhưng rồi giá lúa bấp bênh, vất vả mà thu nhập không cao khiến nhiều người bỏ ruộng. Nhưng ông Chiếu lại nghĩ khác, vì mê làm nông nên ông trăn trở tìm hướng chuyển đổi cây trồng và mô hình trang trại cây ăn trái theo tiêu chuẩn an toàn đã ra đời giúp gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Võ Văn Chiếu chia sẻ kinh nghiệm trồng mít Thái cho hiệu quả kinh tế cao.

Làm giàu từ trang trại nông sản sạch

Huyện Phụng Hiệp vốn là vùng trồng mía và lúa lớn nhất tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên người trồng mía luôn phải đối mặt với thua lỗ, giá mía bấp bênh. Đối với cây lúa cũng không tránh khỏi cảnh “được mùa, mất giá”. Người nông dân luôn trong cảnh túng thiếu, làm lụng vất vả mà không có tích lũy. Điều này khiến nhiều nông dân bỏ ruộng, đi làm thuê.

Ông Võ Văn Chiếu từng là một cán bộ, sau khi về hưu ông còn tham gia công tác Đảng với vai trò là Bí thư Chi bộ ấp Phụng Sơn A, là hội viên Hội ND xã Tân Long. Dù bận rộn với công tác xã hội, nhưng ông Chiếu vốn đam mê nghề nông. Thấy nông dân bế tắc đến nỗi phải bỏ ruộng ông không khỏi xót xa và quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế, làm giàu từ ruộng vườn.

Ông nhận thấy các phong trào của Hội ND rất hữu ích nhằm trang bị kiến thức sản xuất, vay vốn ưu đãi và đặc biệt là sự liên kết hỗ trợ trong sản xuất kinh doanh. Ông Chiếu cho biết: Hàng năm, tôi luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi do Hội ND phát động. Tôi luôn có ý thức xây dựng tổ chức Hội bằng những việc làm thiết thực như tích cực tham gia các buổi sinh hoạt, tham gia câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, vận động nông dân tham gia tổ chức Hội; tuyên truyền, phổ biến những kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh cho bà con nông dân ở địa phương. 

Từ những kiến thức tích lũy được, ông đã mạnh dạn chuyển đổi lúa sang trồng cây ăn quả với những loại cây như: Mít Thái, sầu riêng, cam sành. Ngoài ra ông còn kinh doanh vật tư nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian đầu do chưa biết kỹ thuật nên thu hoạch chưa cao. Sau đó nhờ năng động tìm tòi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, ông tiếp tục mạnh dạn đầu tư vốn phát triển mô hình của mình, dần dần đi vào ổn định và phát triển tốt.

Được Hội ND hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật sản xuất, tổ chức tham quan mô hình học tập kinh nghiệm ở các nơi, ông mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình của gia đình và đạt được hiệu quả cao. Với tổng diện tích 2,9ha đất sản xuất nông nghiệp, ông áp dụng phương pháp trồng mít Thái, sầu riêng, cam sành xen nhau trong vườn.

Đặc biệt, ông tuân thủ quy trình chăm sóc cây trồng theo hướng sạch, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc sinh học. Bên cạnh đó, ông còn dùng lưới cước Thái để bao trái mít. Lưới cước có thể sử dụng từ 5-7 năm, vừa tiết kiệm chi phí vừa giúp trái nhận được đầy đủ ánh sáng nên bóng đẹp hơn. Tuỳ từng loại cây mà để số lượng trái ít hay nhiều, phun thuốc trừ sâu bệnh và bón phân cân đối để trái mau lớn. Với cam sành, ông kiên trì theo dõi, chăm sóc và xử lý cho trái nghịch vụ để tránh cảnh thu hoạch rộ rớt giá, nhờ vậy bán được giá cao. Còn sầu riêng hiện tại đang phát triển tốt sau 2 năm trồng.

Ông Chiếu bộc bạch: “Trước đây, làm lúa thì theo mùa vụ nhưng khi chuyển qua trồng cam và mít thì tôi cũng có chút lo lắng. Bởi bản thân vừa làm nhiệm vụ Bí thư chi bộ, vừa làm kinh tế sợ cả hai không chu toàn. Tuy nhiên, đi vào thực tế sản xuất thì lại khác, quan trọng là mình biết sắp xếp công việc phù hợp. Hiện nay, những ngày bình thường tôi vẫn bố trí thời gian cho công việc ở ấp, còn thứ bảy, chủ nhật thì sẽ chăm sóc vườn cam. Nhờ vậy mà cả hai công việc đều hoàn thành tốt”.

Với mô hình đa canh hiệu quả, duy trì ổn định được 9 năm, gia đình ông có nguồn thu nhập từ 340 triệu đồng/người/năm. “Có được thành quả như ngày hôm nay gia đình tôi cũng trải qua nhiều thử thách, nhưng với quyết tâm không ngại khó khăn, tìm tòi học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp đã giúp gia đình tôi phát triển kinh tế đúng hướng và bản thân đúc kết được rằng: “Phải cần cù, chịu khó, có ý chí vươn lên, học hỏi, bền lòng, vững chí thì sẽ có sự thành công”, ông Chiếu cho biết thêm.

Mít Thái Phụng Hiệp tham dự Hội thi trái cây ngon tỉnh Hậu Giang năm 2020.

Tận tình chia sẻ với cộng đồng

Không chỉ làm giàu cho mình, khi xây dựng thành công mô hình, ông Võ Văn Chiếu còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho bà con tại địa phương, vận động mọi người cùng thực hiện. Mỗi năm ông nhận hướng dẫn, giúp đỡ từ 10 hộ trở lên/năm về vốn, kỹ thuật, vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, gia đình ông còn hỗ trợ cho bà con trong xã về cây, con giống, bán phân bón với giá thấp. Gia đình nào không có tiền, được ứng trước đến thu hoạch mùa vụ sẽ trả sau, không tính lãi.

Trang trại của ông Chiếu còn tạo nhiều việc làm cho trên 30 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm. 

Các hoạt động này góp phần giúp những hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống, cùng địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

Ngoài giúp đỡ cho bà con nông dân, gia đình ông cũng luôn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội như ủng hộ 50 triệu đồng để sửa chữa cầu, dặm vá lộ giao thông nông thôn; đóng góp cơm, cháo, nước sôi miễn phí cho bệnh viện Thành phố Ngã Bảy (gần Phụng Hiệp); tặng 1.000 quyển vở nhân khai giảng năm học mới cho học sinh nghèo ở địa phương. Đặc biệt trong đợt dịch bệnh Covid-19 gia đình ông đã tặng cho bà con nông dân gặp khó khăn 1 tấn gạo...

Với nỗ lực trong phát triển kinh tế và các hoạt động xã hội, ông Võ Văn Chiếu nhiều năm liền được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ông còn được tặng bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh và huyện về thành tích phát triển kinh tế.

 “Trong thời gian tới, tôi và gia đình sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình xen canh của gia đình, đồng thời tích cực tham gia các phong trào do Hội Nông dân phát động, nhất là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở địa phương” ông Chiếu tự hào cho biết. 

“Phải xác định loại cây trồng phù hợp với vùng đất và có giá trị kinh tế cao; là nông dân nên tích cực tham gia vào tổ chức Hội và quan tâm giúp đỡ những hộ nông dân khác, cùng giúp nhau làm giàu và thoát nghèo, thì việc làm giàu và thoát nghèo mới bền vững” 
 Ông Võ Văn Chiếu
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác