Thảo luận

Thiêng liêng hai tiếng Việt Nam

Sơn Tùng - 07:02 03/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Câu hỏi tên nước Việt Nam có từ bao giờ đã khiến giới sử gia nước ta tốn bao nhiêu giấy mực và nhiều công trình nghiên cứu. Cũng nhờ những cuộc tranh luận lưu truyền vài trăm năm qua đó, chúng ta có thể hiểu sâu thêm về tên Tổ quốc mình, một điều thiêng liêng trong mỗi trái tim người dân sinh ra và lớn lên trên dải đất mang hình chữ S, Tổ quốc Việt Nam.

Những tấm bia đá biết kể chuyện

Hai chữ Việt Nam xuất hiện đầu tiên từ thời Trần, do Hàn Lâm học sĩ phụng chỉ kiêm Thẩm hình viện sứ Hồ Tông Thốc (1324-1404) viết ngay ở lời đề tựa bộ sử “Việt Nam Thế chí” của ông. Các sử gia đời sau đã rất nhiều lần nhắc tới bộ sử quan trọng này với sự trân trọng bởi nó là bộ sử đầu tiên đưa cả 18 đời vua Hùng Vương vào chính sử. Từ sự dũng cảm này của nhà sử học xứ Nghệ mà các nhà sử học như Ngô Sỹ Liên sau đó cũng đưa 18 triều Hùng nước Việt vào sách sử, để đến nay, chúng ta vẫn mãi tự hào được là con rồng cháu tiên..

Hai chữ Việt Nam được coi là xuất hiện chắc chắn trong các tác phẩm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm {1491 – 1585). Ngay trang mở đầu của tập Sấm Kỳ mang tên Trình Tiên sinh quốc ngữ đã có câu: “Việt Nam khởi tổ xây nền”. Hai chữ Việt Nam còn được Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc tới trong tập thơ mang tên Việt Nam sơn hà hải cương thưởng vịnh (Vịnh về non sông đất nước Việt Nam) và trong một số thư từ qua lại với các thi nhân khác. Điều quan trọng hơn cả là hai chữ Việt Nam đã có mặt trong hàng loạt các tấm bia cổ từ thế kỷ 14, 15, 16. Trong khuôn khổ bài viết, xin chỉ đề cập tới hai tấm bia nổi tiếng là bia Chùa Bảo Lâm 1559 và bia Thủy Môn Đình 1670.

Thác bản (bản dập nội dung in trên bia đá) văn bia Chùa Bảo Lâm được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam

Theo thác bản (bản dập nội dung in trên bia đá) được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, văn bia Chùa Bảo Lâm được viết vào năm 1559, có 494 chữ, trong đó 8 chữ đã mất do mờ và bị đục trước khi in rập. Văn bia ghi rõ người soạn, người viết, người khắc và năm dựng.
Trên mặt bia ghi chữ “Bia trùng tu chùa Bảo Lâm” có đoạn: “Chùa có tên là Bảo Lâm, ở xã Trâu Bộ, huyện Hiệp Sơn, phủ Kinh Môn. Đây là ngôi chùa to và nổi tiếng nước Việt Nam”. Không chỉ nói về thời gian xây dựng, người có công tu sửa ngôi chùa, trong tấm bia còn thông tin chi tiết, cụ thể cảnh quan ngôi chùa: “nhìn toàn cảnh như giấc mộng Hồ Thiên, như thế giới ngọc châu xưa”. 

Đặc biệt trong đó là Bia Thuỷ Môn Đình (1670) ở Đồng Đăng, Lạng Sơn. Tháng 4 năm 1991, nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải đã có bài viết "Tên gọi Việt Nam có từ bao giờ?" đăng trên tạp chí Người đại biểu Nhân dân công bố quá trình nghiên cứu lịch sử tên gọi "Việt Nam". Sau đó một tuần, ông nhận được thư của một độc giả cung cấp cho ông thông tin về tấm bia có hai chữ "Việt Nam" tại Đồng Đăng, tạo tác năm 1670. Ngay sau đó, Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã cùng nhà Sử học Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), chuyên gia Hán Nôm Hoàng Giáp (Viện Nghiên cứu Hán - Nôm) lên Đồng Đăng tìm lại tấm bia. Bia được được phát hiện trong một bụi cây tại sườn đồi Phja Mạt - thuộc khu Vườn Sái, Thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Bia Thuỷ Môn Đình, bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn

Trong văn bia có câu: "Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan", có nghĩa là: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam, là ải quan trấn giữ phương Bắc. Hai chữ "Việt Nam" trong tấm bia này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng chứng minh tên nước Việt Nam đã có từ lâu. Hơn nữa, hai chữ này lại xuất hiện ở ngay phần đầu của tấm bia được dựng bởi Bắc quân Đô đốc Lạng Sơn, Thao Quận công Nguyễn Đình Lộc nên có ý nghĩa hành chính rõ rệt, thể hiện rõ ý nghĩa Quốc gia và danh xưng của tên gọi "Việt Nam". Đây là lần đầu tiên trong bia biên giới khẳng định rõ ràng vùng đất Lạng Sơn xưa là cửa ngõ, yết hầu, là ải quan trấn giữ phương Bắc của nước Việt Nam. Điều này, các sách chính sử trước đó chưa từng ghi chép. Bia Thủy Môn Đình dựng ở nơi cửa ngõ của đất nước (chỉ cách cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay 2 km), là bằng chứng hùng hồn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước với tên gọi Việt Nam ở nơi địa đầu Tổ quốc. Bia Thủy Môn đình là bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn, là niềm tự hào lớn của di sản văn hóa xứ Lạng

Văn bản chính thống năm 1804

Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Nguyễn Huệ lên ngôi và công tác ngoại giao đầu tiên là cử một phái đoàn sang Trung Quốc do Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định làm Chánh sứ, xin phong vương và xin đặt quốc hiệu là Nam Việt.

Nhận được sắc phong, tháng 2 năm Giáp Tý 1804, vua Gia Long ban chiếu đặt quốc hiệu mới là Việt Nam. Trong chiếu chỉ có ghi, dịch Nôm:

“Xuống chiếu cho thần dân trong thiên hạ đều biết:

Trẫm nghĩ, xưa nay các bậc đế vương dựng nước, ắt có đặt quốc hiệu để tỏ sự đổi mới, hoặc nhân tên đất lúc mới khởi lên, hoặc dùng chữ nghĩa tốt đẹp, xét trong sử sách chứng cớ đã rõ ràng. Nước ta: sao chùa Dực, chân, cõi Việt hùng cường. Từ lâu đã có tên Văn Lang, Vạn Xuân còn thô kệch. Đến đời Đinh Tiên Hoàng gọi là Đại Cồ Việt nhưng người Trung Quốc vẫn gọi là Giao Chỉ. Từ thời Lý về sau, quen dùng tên An Nam do nhà Tống phong cho ngày trước. Tuy thế, vận hội dù có đổi thay nhưng trải qua bao đời vẫn giữ theo tên cũ, thực là trái với nghĩa chân chính của việc dựng nước vậy. Trẫm nối nghiệp xưa, gây dựng cơ đồ, bờ cõi đất đai rộng nhiều hơn trước. Xem qua sổ sách, trẫm xét núi sông nên đặt tên tốt để truyền lâu dài… Ban đổi tên An Nam làm nước Việt Nam, đã tư sang Trung Quốc biết rõ”.

Ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Hiến pháp năm 1946 chính thức thể chế hóa Quốc hiệu Việt Nam. Suốt 79 năm dựng nước và giữ nước, quốc hiệu Việt Nam được thế giới công nhận, sử dụng phổ biến với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi trái tim người Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác