Phát huy 94 năm truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp Nông dân Việt Nam
Bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp Nông dân Việt Nam
Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đỏ đã xuất hiện ở một số địa phương, kêu gọi Dân cày tham gia đấu tranh đòi bỏ thuế người, thuế vườn, thuế chợ, thuế đò, bỏ lệ bắt phu… Tại Hội nghị lần thứ Nhất được tổ chức vào tháng 10/1930 tại Hương Cảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương và thông qua Điều lệ Tổng Nông Hội Đông Dương, trong đó nêu rõ mục đích “Thống nhất hết thảy Tổng Nông Hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa”.
Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp Nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh về của phong trào nông dân. Từ đây, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng, Nông hội khắp nơi trong nước đã phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.
Theo từng giai đoạn cách mạng, với những đổi mới về hình thức, khẩu hiệu hoạt động và các tên gọi khác nhau, tổ chức Hội Nông dân đã tập hợp nông dân từ miền ngược đến miền xuôi tham gia vào các đoàn thể của Mặt trận Việt Minh. Qua phong trào đấu tranh, các tổ chức cứu quốc của nông dân càng phát triển mạnh mẽ, góp sức vào làn sóng khởi nghĩa từng phần đang nổi lên cuồn cuộn trong cả nước, làm tan rã từng mảng chính quyền cơ sở của phát xít, tay sai, đưa cả nước bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình Hà Nội, thay mặt nhân dân cả nước Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể thế giới và quốc dân đồng bào khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng tháng Tám.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành Nông nghiệp dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua ngành Nông nghiệp lần thứ nhất tại Việt Bắc năm 1952 (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 78-CT/TƯ về việc tổ chức Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Đến ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42-QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.
Trong suốt chặng đường 94 năm lịch sử vẻ vang đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã song hành cùng dân tộc, tập hợp, phát huy vai trò lãnh đạo nông dân, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Và ngày nay, toàn thể cán bộ, hội viên nông dân đã và đang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tổ chức Hội và giai cấp Nông dân Việt Nam
Văn bản số 117-HD/HNDTW hướng dẫn một số nội dung tuyên truyền cụ thể về lịch sử và truyền thống của tổ chức Hội Nông dân Việt Nam qua 94 năm hình thành và phát triển; vị trí, vai trò, những đóng góp của giai cấp nông dân, tổ chức Hội Nông dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế
Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lưu ý công tác tuyên truyền cần chú trọng về những hoạt động và kết quả triển khai các nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội 2 NDVN lần thứ VIII và đại hội Hội Nông dân các cấp nhiệm kỳ 2018 – 2023; các hoạt động triển khai và kết quả bước đầu các cấp Hội thực hiện Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; Quyết định số 182/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:
Bên cạnh đó, các cấp Hội cần tuyên truyền về các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kết quả tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; qua đó khẳng định và phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Chú trọng nêu gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong các cấp Hội Nông dân Việt Nam.
Các cấp Hội cũng cần lưu ý lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, như thông qua các cuộc thi tìm hiểu, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi, tập huấn, tổ chức hoạt động truyền thông qua các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử, bản tin... của các cấp Hội. Chú trọng tuyên truyền, lan tỏa thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin, mạng xã hội và các ứng dụng của hệ thống Internet… và các hình thức khác.
10 khẩu hiệu tuyên truyền kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam
Bên cạnh khẩu hiệu tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của địa phương cùng thời điểm; khẩu hiệu chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam cụ thể là:
1) Nhiệt liệt chào mừng 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2024)!
2) Cán bộ, hội viên nông dân ra sức thi đua lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2024)!
3) Cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028!
4) Cán bộ, hội viên nông dân quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới!
5) Xây dựng Hội Nông dân và giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh là trách nhiệm của toàn thể cán bộ, hội viên nông dân!
6) Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh xứng đáng là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới!
7) Cán bộ, hội viên, nông dân cả nước quyết tâm thực hiện phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh!
8) Cán bộ, hội viên nông dân ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng! 9) Cán bộ, hội viên nông dân tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh!
10) Nông dân Việt Nam phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, hợp tác, phát triển vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”!
Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam yêu cầu các ban, đơn vị tổ chức tốt các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, đăng tải các tin, bài, phóng sự về các hoạt động của Hội Nông dân các cấp chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội. Điểm nhấn là Chương trình “Tự hào Nông dân Việt Nam” năm 2024, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân; (Báo Nông thôn ngày nay tham mưu, tổ chức); Lễ Tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” lần thứ V- năm 2024 (Tạp chí Nông thôn mới tham mưu, tổ chức).