Thời sự trong nước

Thiếu tướng Phan Văn Lai: "Người công an phải luôn nghĩ đến quyền lợi của dân"

07:48 19/08/2023 GMT+7
Thiếu tướng Phan Văn Lai, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an nhận định: Lực lượng công an ở Việt Nam là công an của nhân dân, "vì nước quên thân, vì dân phục vụ".

Cách đây 78 năm, vào ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội. Cùng với việc đập tan các lực lượng đàn áp của địch và thiết lập chính quyền Cách mạng, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã ra đời. Nhân dấu mốc lịch sử này, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an.

thieu tuong phan van lai nguoi cong an phai luon nghi den quyen loi cua dan hinh anh 1
Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. (Ảnh: Trọng Phú)

PV: Thiếu tướng có suy nghĩ thế nào về “kim chỉ nam” của lực lượng Công an nhân dân: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ?

Thiếu tướng Phan Văn Lai: Chỉ có 8 chữ “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” nhưng đây là di sản tinh thần rất thiêng liêng đối với mỗi cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân. Cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân cũng là những người đi làm Cách mạng. Đi làm Cách mạng thì phải có lý tưởng. Nếu không có lý tưởng thì không có định hướng, niềm tin vào hoạt động của mình.

8 chữ “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” phải ăn sâu vào trong tư tưởng của mỗi cán bộ chiến sĩ. Làm cán bộ công an ở Việt Nam là phải “vì nước, vì dân”. Như Bác Hồ nói: Công an của Việt Nam là Công an nhân dân. Như thế nghĩa là, làm người cán bộ công an lúc nào cũng phải nghĩ đến quyền lợi của người dân, phải làm gì để đáp ứng sự mong mỏi, sự tin cậy của người dân với lực lượng. 

Làm người Công an nhân dân, lúc nào cũng phải nhớ 8 chữ “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Vì như thế, trong hoạt động của mình mới đáp ứng được lý tưởng và sự kì vọng của nhân dân.

PV: Trong cuộc đời hoạt động của mình, kỷ niệm nào làm Thiếu tướng ấn tượng nhất?

Thiếu tướng Phan Văn Lai: Tôi có may mắn đi hoạt động từ năm 16 tuổi, năm nay đã 94 tuổi rồi. Nên đã trải qua những cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, rồi thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước. 

Để xã hội phát triển như ngày nay thì phải nhờ có Đảng, có Chính phủ. Có rất nhiều những kỷ niệm để lại trong cuộc đời của tôi. Nhưng có một việc đến nay tôi không thể quên được. Đó là lòng dân, tinh thần Cách mạng, sự gắn kết giữa cán bộ và người dân.

Đó là thời kỳ hoạt động ở Thừa Thiên Huế, tôi nằm ở cơ sở. Sau đợt Tết Mậu Thân năm 1968 thì địch truy quét cán bộ ta rất ráo riết. Khi đó tôi nằm ở dưới hầm nhà ông Hoàng Sa. Địch đến tra khảo ông Hoàng Sa rất dã man. Trước sau ông chỉ có một lời: Nhà tôi không có hầm bí mật, nhà tôi không nuôi Việt Cộng.

Nếu ông Hoàng Sa không chịu được mà khai ra, thì giờ này tôi cũng đã hi sinh rồi. Nhưng như thế để lại trong lòng tôi ân nghĩa với người dân. Khi Cách mạng thắng lợi, tôi cũng đã quay lại thăm và cảm ơn ông Hoàng Sa. Sau này khi đi trao đổi, tôi cũng nói lại với thế hệ trẻ Công an nhân dân rằng: Nhân dân Thừa Thiên Huế thương yêu cán bộ lắm. 

thieu tuong phan van lai nguoi cong an phai luon nghi den quyen loi cua dan hinh anh 2
Lực lượng Công an nhân dân luôn đi đầu trong việc bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân. (Ảnh minh họa)

PV: Thiếu tướng có suy nghĩ thế nào về trách nhiệm của người chiến sĩ Công an nhân dân trong thời bình và thời chiến?

Thiếu tướng Phan Văn Lai: Trong thời chiến, muốn bám trụ lại ở chiến trường thì phải chấp nhận sự vất vả, cực khổ. Ở ngoài thì địch chặn tiếp tế, ở trong thì phun chất độc hóa học. Chúng tôi có lúc không còn gì ăn. Phải xuống suối câu con tôm, con tép, hái rau rừng mà ăn. Nếu không chịu đựng được thì không tiếp tục chiến đấu được, không hoàn thành trách nhiệm của mình.

Sau đợt Tết Mậu Thân năm 1968, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ Công an từ năm 1953 - 1980) thấy anh em cán bộ công an chịu đựng gian khổ nên đã gửi thư động viên. Bộ trưởng viết: Các đồng chí tin tưởng vào Cách mạng ở Việt Nam nhất định thắng lợi, Đảng và Nhà nước chúng ta nhất định giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. 

Đó là nguồn động viên tinh thần lớn giúp chúng tôi tiếp tục bám trụ. Không ai xin ra Bắc cả mà tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Dù phải chấp nhận cuộc sống “lấy đất làm giường, lấy hầm làm nhà”.

Hiện nay, ở thời bình nhưng cũng vẫn có nhiều vấn đề căng thẳng, phức tạp. Trong lực lượng công an hiện nay, mỗi năm có hàng chục đồng chí hi sinh, hàng trăm đồng chí bị thương. 

Các loại tội phạm bây giờ rất manh động. Đặc biệt là tội phạm ma túy thì sẵn sàng nổ súng nếu bị phát hiện. Anh em bị thương và hi sinh cũng không ít. Thứ hai là cán bộ, chiến sĩ hi sinh trong khi cứu dân, cứu hỏa. Ai cũng sợ khói lửa, nhưng những người chiến sĩ cứu hỏa vẫn sẵn sàng xông vào để cứu nhân dân.

Các cán bộ cảnh sát giao thông giữa trời nắng nóng 40 độ vẫn phải đứng giữa trời để điều tiết giao thông. Chúng ta cứ thử ra đứng một ngày thì sẽ biết vất vả như thế nào. Trách nhiệm của người công an cao lắm. Ai không có được lý tưởng đó thì khó xông vào những trận địa khó khăn, gian khổ. 

PV: Trước thực trạng hiện nay có một số cán bộ trong lực lượng tha hóa, vi phạm pháp luật và bị khởi tố, xét xử, Thiếu tướng  có tâm tư suy nghĩ gì?

Thiếu tướng Phan Văn Lai: Đất nước chúng ta đã trải qua hòa bình nửa thế kỷ rồi, chúng ta cũng thấy là lực lượng công an đã bảo vệ an ninh trật tự xã hội tốt như thế nào. Đặc biệt là chặn đứng các âm mưu gây khủng bố, bạo loạn. 

Một cuộc chiến đấu lâu dài thì đôi khi cũng có sơ hở. Nhưng việc đó không phải là nhiều và chúng ta đã có những chấn chỉnh ngay. Một số trường hợp cũng có suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức. Nhưng đó là số ít thôi, không phải nhiều. Lực lượng công an vẫn là lực lượng trung thành tuyệt đối với Đảng, lực lượng nòng cốt và mẫu mực về đạo đức, dám xông vào nguy hiểm để bảo vệ người dân. 

So với các nước trên thế giới, người nước ngoài cũng phải tôn trọng, ghi nhận Việt Nam là một đất nước bình yên. Hiện nay, ta đang lấy 6 điều Bác Hồ dạy và một cuộc vận động, học tập 6 điều Bác Hồ dạy trong Công an nhân dân. Như thế là một cuộc giáo dục, phổ biến rất sâu rộng trong lực lượng.  

Trong công an, có hai lực lượng quan trọng là cơ quan kiểm tra và thanh tra. Thường xuyên theo dõi các hoạt động của lực lượng và tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên đề. Phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ xa các sai phạm nghiêm trọng.

PV: Vâng, xin cảm ơn Thiếu tướng Phan Văn Lai.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác