Đầu tư

Trao đổi hợp tác vùng Đông Nam Bộ

Vân Nguyễn - 08:35 21/10/2023 GMT+7
Chiều ngày 20/10, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ quý III năm 2023.

Tham dự Hội nghị có ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (HCM); ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và lãnh đạo UBND các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai; cùng đại diện các sở, ngành của các tỉnh vùng Đông Nam Bộ…

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: Tại kế hoạch số 4218/KH-UBND TP. HCM về phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam bộ có tổng cộng 12 nội dung phối hợp cấp vùng, trong đó, đến hết quý 3-2023 đã thực hiện được đã và đang triển khai 7 nội dung. Cụ thể, về phối hợp triển khai các dự án đường Vành đai 4 TP. HCM, Sở Giao thông vân tải đã phối hợp các Sở GTVT ở các địa phương thảo luận, thống nhất về quy mô đầu tư giai đoạn 1.

Thời gian qua, TP. HCM đã tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế TP. HCM với 30 chương trình, thu hút hơn 25.000 khách tham quan; triển khai chương trình Kết nối cung cầu giữa TP. HCM và các tỉnh, thành năm 2023; tổ chức hội nghị tổng kết Đề án phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ, khu vực giáp ranh giữa TP. HCM với các tỉnh; tổ chức Hội nghị trực tuyến với Sở Y tế các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Ngoài ra, TP.HCM đã chủ động phối hợp với các địa phương trong vùng 39 nội dung phối hợp song phương về các lĩnh vực vực y tế, du lịch, xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp đã phát sinh một số khó khăn nhất định. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn nhiều khó khăn, các địa phương đang tập trung vốn cho dự án Vành đai 3 và các dự án trọng điểm, chưa cân đối được nguồn vốn bố trí cho các dự án đường Vành đai 4, dự kiến hơn 106 ngàn tỷ đồng/5 dự án. Do đó, các địa phương thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương để thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 – 2030.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số dự án như đầu tư cầu Thủ Biên kết nối tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, hợp tác du lịch, cơ chế đặc thù cho vùng. Đáng chú ý, lãnh đạo Sở Giao thông vân tải TP. HCM và Sở Giao thông vân tải tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có trao đổi về dự án tàu cao tốc TP. HCM – Côn Đảo. Hai bên thống nhất đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất bởi hiện hạ tầng Côn Đảo đã đủ điều kiện để tiếp nhận các tàu từ TP. HCM đến Côn Đảo.

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM đã nêu rõ những vấn đề các địa phương vùng Đông Nam Bộ cần thống nhất để triển khai thực hiện trong tương lai. Các địa phương sẽ cùng tăng tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm; cùng nhau đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Vành đai 3, đảm bảo tiến độ về triển khai dự án đường Vành đai 4 TP. HCM; tổ chức điều phối nguồn vật liệu xây dựng, đảm bảo cung cấp cho các dự án vành đai, cao tốc.

Trong đó, các địa phương sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn ngân sách tham gia dự án cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4, hỗ trợ các địa phương vùng Đông Nam Bộ 50% vốn; Long An từ 80-90% vốn trong bối cảnh thiếu hụt do đang tập trung vốn cho dự án Vành đai 3 và các dự án trọng điểm, chưa cân đối được nguồn vốn dự kiến khoảng 106,89 ngàn tỷ đồng cho 5 dự án thành phần.

Đồng thời, triển khai trình duyệt các chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, hoặc mở rộng cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; các dự án đường sắt liên kết vùng, tăng cường kết nối giao thông đường thủy và các nội dung liên quan Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng. Các địa phương sẽ nghiên cứu để đề xuất, thống nhất các nội dung liên quan đến việc xin cơ chế, chính sách đặc thù vùng Đông Nam Bộ; hoặc hướng thực hiện phối hợp trong các lĩnh vực y tế, quy hoạch, hoạt động thương mại - du lịch, nông nghiệp và môi trường.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác