Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp: "Không chủ quan trước những hình thái thời tiết cực đoan, trước, trong và sau bão số 3"
“Các địa phương tránh tâm lý chủ quan; chủ động các phương án, kịch bản ứng phó với bão số 3, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và cơ sở hạ tầng” là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại cuộc họp trực tuyến diễn ra chiều 4/9 tại Hà Nội với sự tham gia các Bộ, ngành liên quan và 11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trả lời phỏng vấn phóng viên về diễn biến và các giải pháp ứng phó cơn bão này.
Phóng viên: Xin ông cho biết nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về bão số 3 cũng như những diễn biến tiếp theo của cơn bão này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Bão số 3 là cơn bão rất mạnh, chúng ta đều hy vọng bão sẽ giảm cấp. Nhưng đến thời điểm bày các mô hình dự báo của các quốc gia trên thế giới dự báo về cơn bão này đều khẳng định đây là cơn bão mạnh và sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam khoảng 14 - 15 giờ trưa ngày thứ 7 tuần này. Đây là cơn bão mạnh và di chuyển rất nhanh, đồng thời phạm vi ảnh hưởng rất rộng, ảnh hưởng cả trên biển, đất liền, đồng bằng và miền núi trong thời điểm triều cường dâng cao. Trên đất liền và trên biển đang có hiện tượng thời tiết nóng, vì vậy rất quan ngại các hình thái thời tiết trước bão và ngay sau bão.
Trước bão hình thái thời tiết này thì có thể gây ra giông lốc rất lớn bắt đầu vào ngày thứ 6 tuần này có khả năng xảy ra dông, lốc trên đất liền, đó là lốc xoáy, lốc mạnh và có thể xảy ra những trận mưa cực đoan. Khi bão chuẩn bị vào đất liền vào ngày thứ 7 (7/9) có thể nói các hình thái của bão hiện nay ngoài gió lớn và phạm vi ảnh hưởng rộng thì có thể gây mưa rất lớn. Lượng mưa có thể lên đến 500mm đến 600mm, gây ngập úng ở các khu vực đô thị và một số khu vực vùng trũng, thấp.
Phóng viên: Trên cơ sở dự báo về cường độ và hướng di chuyển của bão số 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý như thế nào đối với các địa phương trong việc ứng phó với bão, thưa ông?
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Ứng phó với cơn bão này cần có bản tin dự báo 48 tiếng để có độ chính xác cao hơn, lúc đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ báo cáo Chính phủ quyết định phương án và các hình thức theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai. Mức độ thiên tai cấp 4 như hiện nay thì Chính phủ sẽ thành lập Sở chỉ huy tiền phương, từ đó sẽ chỉ đạo các địa phương từ Quảng Ninh cho đến Nghệ An để ứng phó với cơn bão này.
Đối với các địa phương kịch bản ứng phó với các loại hình thiên tai đã có ngay từ đầu năm, ứng với mỗi cấp độ bão, các địa phương phải chủ động với những kịch bản sẵn có, đặc biệt là phương châm “4 tại chỗ”, trong đó việc sơ tán dân, di chuyển lồng bè, thu hoạch lúa, chằng chống nhà cửa, đảm bảo các đồ đạc được kê cao chống úng ngập đã có sẵn các kịch bản kể cả dự trữ nhu yếu phẩm. Các địa phương căn cứ vào các bản tin dự báo bão, đặc biệt là các bản tin 48 tiếng được dự báo vào chiều mai (5/9) và bản tin 24 tiếng vào 14 giờ ngày thứ 6 (6/9) để có những chỉ đạo quyết liệt và cụ thể với diễn biến của cơn bão này.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Triển khai công việc theo tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng'
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11
- Tổng Bí thư: Mục tiêu cao nhất của dân vận giai đoạn cách mạng mới là vì dân
- Còn nhiều băn khoăn quanh việc tăng thuế suất 5% cho mặt hàng phân bón