Thủ tướng thăm "thung lũng Silicon" của châu Âu, đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng Brainport tại Hà Nội
Tại đây, Thủ tướng đã nghe giới thiệu về BIC, khu công nghệ cao và đổi mới sáng tạo lớn nhất châu Âu, nơi được coi là "thung lũng Silicon" của châu lục này; cũng như về tỉnh Bắc Brabant, một trong ba tỉnh có nền công nghiệp phát triển nhất Hà Lan, trong đó, thành phố Eindhoven được coi là thành phố thông minh và trung tâm công nghệ lớn của châu Âu, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm kinh tế, nghiên cứu và giáo dục đại học lớn nhất của Hà Lan, cái nôi của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Philips, Daf Trucks, Brabantia, SendCloud… cùng hàng nghìn công ty đa quốc gia và nhà nghiên cứu.
Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã nghe phía Hà Lan chia sẻ về bài học kinh nghiệm để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đồng thời, đề xuất những giải pháp để tăng cường hoạt động hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước trong thời gian tới, cùng nhau tạo cơ hội mới, giá trị mới và động lực tăng trưởng mới trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID-19.
Thủ tướng và các đại biểu cũng tham dự hội thảo bàn tròn "Đổi mới sáng tạo và sản xuất công nghệ cao" với các CEO của 5 doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Khu Brainport.
Phó Thống đốc tỉnh Bắc Brabant, ông Martijn van Gruijthuijsen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thích ứng biến đổi khí hậu, với vai trò của sự hợp tác "ba nhà": Doanh nghiệp, viện-trường và Chính phủ.
"Chúng tôi không thể làm điều đó một mình. Đổi mới đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Một mình bạn có thể đi nhanh hơn, nhưng cùng nhau chúng ta có thể tiến xa hơn. Chúng tôi luôn hướng ra ngoài biên giới khu vực của mình, tới các đối tác tiềm năng ở châu Âu và ngoài châu Âu", ông Martijn van Gruijthuijsen cho biết.
Năm 2023 đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hà Lan. Ông Martijn van Gruijthuijsen khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia được Hà Lan quan tâm nhất, vì Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và hai bên cùng có nhiều lĩnh vực có thể hợp tác thành công.
Ông Martijn van Gruijthuijsen nhắc lại, cuối tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan, bà Liesje Schreinemacher, đã đến dự Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh tại TPHCM. Tại đó, Hà Lan nhất trí hợp tác với Việt Nam hướng tới nền kinh tế xanh, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nông nghiệp bền vững, logistics và năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại đây, Thủ tướng cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, cởi mở, chân thành dành cho đoàn đại biểu Việt Nam trong ngày Chủ nhật và bày tỏ, có thể nhìn thấy sự hợp tác suôn sẻ giữa hai bên trong thời gian tới.
Thủ tướng cho biết, hiện có một số xu thế lớn trong phát triển: Xu thế phát triển nhanh, bao trùm, bền vững; ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp mạnh mẽ hơn phù hợp với từng quốc gia, dân tộc; xu thế thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh; đối diện, giải quyết các thách thức toàn cầu mà không ai có thể đứng ngoài cuộc.
"Không quốc gia nào, không ai có thể giải quyết một mình tất cả những xu thế, những vấn đề này, do đó, Việt Nam có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương. Những xu thế này cũng liên quan tới mọi người dân, nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, hướng tới mọi người dân và đem lại lợi ích cho họ", Thủ tướng cho biết.
Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao". Để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao…, Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý, lẽ phải, vì lợi ích của toàn cầu, của đất nước và của toàn dân để hành động.
Thủ tướng đánh giá quan hệ Việt Nam – Hà Lan đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực, đặc biệt là đã trở thành đối tác chiến lược về ứng phó biến đổi khí hậu. Hai nước càng hợp tác càng có thêm kinh nghiệm, cùng nhiều mô hình hợp tác hiệu quả giữa các địa phương của hai nước, như giữa thành phố Eindhoven, tỉnh Bắc Brabant với tỉnh Bình Dương, tỉnh An Giang…
Thủ tướng đánh giá cao hợp tác chặt chẽ giữa thành phố Eindhoven với tỉnh Bình Dương, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thành phố thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, thương mại, đầu tư, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuỗi giá trị cung ứng…
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với các mô hình của Hà Lan như Seaport (cảng biển), Airport (cảng hàng không) và mô hình Brainport tại BIC với tinh thần "không gian truyền cảm hứng cho đổi mới sáng tạo mở". Mặt khác, Hà Lan đã phát triển từ một nước nông nghiệp trở thành một nước có nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, dịch vụ thông minh.
Đây là những mô hình, cách làm, bước đi khôn ngoan, đúng đắn mà Việt Nam – với nhiều điểm tương đồng - cần tham khảo, học tập kinh nghiệm. Thủ tướng nhắc tới triết lý như của bóng đá Hà Lan là "phòng ngự và tấn công tổng lực", vừa phát huy sức mạnh dân tộc, vừa phát huy sức mạnh của thời đại, của thế giới với sự giúp đỡ của các nước, trong đó có Hà Lan.
"Nhìn vào những gì chúng ta đã, đang làm, đã và đang nói, có thể thấy chúng ta đã thống nhất về ý tưởng", Thủ tướng phát biểu. Đi vào cụ thể, Thủ tướng đề nghị Hà Lan hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với bước đi cụ thể và đạt hiệu quả qua từng năm tháng.
Thủ tướng cũng đề nghị Hà Lan hỗ trợ xây dựng một Brainport tại Hà Nội theo mô hình Brainport tại Eindhoven với quy hoạch, cơ chế, chính sách phù hợp, phát huy vai trò của "ba nhà" (nhà nước, viện – trường và doanh nghiệp), huy động các nguồn lực, trong đó có sự chung tay của các doanh nghiệp lớn từ châu Âu.
Thủ tướng gợi mở, Brainport tại Hà Nội cần đặt trọng tâm vào thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, đi đúng hướng vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn; đồng thời giải quyết các vấn đề của Việt Nam như định hướng phát triển nông nghiệp, các vấn đề liên quan tới đồng bằng sông Cửu Long, xóa đói giảm nghèo… bằng các thành quả đổi mới sáng tạo.
"Vấn đề cuối cùng, có ý nghĩa quyết định là vấn đề con người, do đó, hợp tác giữa hai bên phải có nội dung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Brainport này", Thủ tướng nói.
Thủ tướng hy vọng sau chuyến thăm này, hai bên sẽ đưa mối quan hệ lên tầm cao mới, bao trùm, bền vững, xuyên suốt hơn, trong đó có quan hệ giữa BIC với các đối tác phía Việt Nam.
"Như huấn luyện viên đội tuyển bóng đá quốc gia Hà Lan Louis van Gaal đã nói: Chúng ta có thể đi đến hồi kết, nhưng chúng ta đi đến hồi kết để bắt đầu chứ không phải để kết thúc", Thủ tướng phát biểu.
Theo Chinhphu.vn