Thừa Thiên Huế: Nông dân áp dụng mạ khay, máy cấy vào thâm canh lúa
Trong những năm gần đây, cùng việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh lúa, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất.
Theo Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế, trong những năm gần đây, cùng việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh lúa, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sản xuất. Tỉnh Thừa Thiên – Huế bắt đầu tổ chức triển khai thử nghiệm sản xuất mạ khay máy cấy từ năm 2016 với quy mô là 10ha ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền). Đây là xã tiên phong áp dụng mạ khay máy cấy của tỉnh, đến nay đã cho hiệu quả khả quan.
Gieo thẳng là phương pháp trồng lúa đơn giản, dễ cơ giới hoá. Vì vậy những nơi nào có điều kiện tự nhiên thuận lợi thì tiến hành gieo thẳng mà không cấy. Khác với gieo thẳng, cấy là phương pháp trồng lúa phức tạp hơn. Sản xuất mạ và cấy lúa là công đoạn hết sức vất vả, nặng nhọc, chiếm khoảng 30% tổng công lao động trong việc canh tác lúa.
Ngoài ra, việc làm mạ và cấy lúa mang tính chất thời vụ cao, người nông dân phải tập trung lao động để đảm bảo kịp thời vụ ngay cả khi thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, việc chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác ngày càng tăng. Vì vậy, cần thiết đưa cơ giới hoá vào khâu làm mạ và cấy lúa. Góp phần giải quyết được khâu cơ giới hoá trong sản xuất mạ và cấy lúa đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề như tăng năng suất lao động, giảm bớt sự căng thẳng về thiếu nhân công thời vụ, giải phóng sức lao động cho người nông dân. Đồng thời, lúa được cấy bằng máy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khâu cơ giới hoá khác như chăm sóc và thu hoạch.
Việc sản xuất mạ khay tập trung có điều kiện chủ động với thời tiết khắc nghiệt (đặc biệt vụ đông xuân), giảm diện tích làm mạ (một 1m2 mạ có thể cấy được 150 m2 ruộng), tiết kiệm giống, phân bón và nước tưới so với mạ dược, dễ dàng phòng trừ sâu bệnh, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây lúa, giảm chi phí công lao động và đặc biệt là thay đổi tập quán “nhà nhà làm mạ” sang hình thức dịch vụ làm mạ kiểu công nghiệp.
Áp dụng mạ khay, cấy máy làm thay đổi mạnh mẽ tập quán canh tác mạ dược cấy tay của nông dân, tạo ra vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tăng thu nhập cho người sản xuất, khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng ngày càng nhiều do sản xuất lúa kém hiệu quả.
Việc chuyển giao ứng dụng sản xuất mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa tại tỉnh Thừa Thiên Huế giúp các tổ hợp tác dịch vụ chuyên cung ứng dịch vụ về mạ khay và cấy máy hoạt động hiệu quả, tạo tiền đề hình thành các tổ hợp tác dịch vụ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động thủ công, khắc phục tình trạng thiếu lao động thời vụ, đồng thời tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp chuyển dịch từ sản xuất thủ công kém hiệu quả sang cơ giới hóa, hiện đại hóa.
Về hiệu quả kinh tế, việc ứng dụng mạ khay, cấy máy giảm được các chi phí như giảm 43% lượng giống, giảm chi phí cấy 840.000 đồng/ha, giảm chi phí chăm sóc lúa, năng suất lúa cao hơn so với lúa cấy tay thông thường, vì vậy hiệu quả kinh tế tăng hơn 7,3 triệu đồng/ha so với lúa cấy tay thông thường.
Sử dụng máy cấy có thể giảm được chi phí lao động thủ công, góp phần đảm bảo kịp thời vụ, đảm bảo chất lượng cấy đồng đều, thẳng hàng, tăng năng suất lúa. Đặc biệt đối với Thừa Thiên Huế, thay đổi hình thức canh tác lúa gieo thẳng bằng cấy mạ khay có thể tránh được sự phá hoại của ốc bươu vàng, tăng năng suất và chất lượng lúa.
Kết quả ứng dụng bước đầu tại Thừa Thiên Huế cho thấy rất khả quan, chất lượng cấy đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, máy làm việc ổn định, mật độ cấy đồng đều, cây lúa đứng thẳng, không sót và ít hư hỏng, máy cấy được thiết kế gọn nhẹ, dễ dàng điều khiển và sử dụng nên được bà con nông dân sẵn sàng tiếp nhận để đưa vào phục vụ sản xuất./.
(Theo mard.gov.vn)
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi