Thừa Thiên-Huế: Xây dựng Du lịch Xanh để bảo tồn di sản văn hóa
Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993. Từ đó đến nay, dưới sự hỗ trợ của UNESCO về tài chính, kỹ thuật cũng như vận động quốc tế tài trợ, các di tích đã được trùng tu và phục dựng.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị những di sản này thông qua xây dựng môi trường du lịch xanh, bền vững.
Thực hiện cam kết đối với UNESCO
Nhờ chiến dịch phát động của UNESCO từ những năm 80 của thế kỷ XX, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang bước sang giai đoạn ổn định, phát triển bền vững.
UNESCO đánh giá Thừa Thiên- Huế là địa phương đi đầu ở Việt Nam về bảo tồn di sản. Mặt khác, chủ trương của tỉnh trong việc thực hiện cam kết với UNESCO cũng được đánh giá cao.
Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế khai trương tuyến du lịch xanh, thân thiện môi trường tại khu vực lăng vua Gia Long (xã Hương Thọ, thành phố Huế) - một trong những điểm đến trong quần thể di tích Cố đô Huế.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung, khu vực lăng có không khí trong lành, được phủ nhiều cây xanh rất thích hợp để hướng tới xây dựng trở thành điểm đến di sản xanh theo định hướng phát triển của tỉnh.
Trong hành trình xây dựng tuyến Du lịch Xanh tại đây, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã tích cực trao tặng phương tiện, trồng cây xanh để làm đẹp, xanh hơn cho khu vực di tích.
Đến đây, du khách có thể tận hưởng sự văn minh, không gian thanh bình, hệ sinh thái thân thiện bằng trải nghiệm đạp xe, đi xe điện. “Các phương tiện đưa vào sử dụng giúp khách di chuyển thuận tiện hơn trong hành trình tham quan.
Đặc biệt, phương tiện xanh thực sự rất phù hợp, hài hòa với một nơi bình yên, có nhiều công trình di tích văn hóa, tâm linh như lăng vua Gia Long” - du khách Lê Hương Giang cho hay.
Ngoài ra, các trạm tiếp nước sạch cho khách du lịch cũng đã được vận hành ở một số điểm tham quan thuộc di sản Huế như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng và lăng Đồng Khánh từ tháng 8/2023. Nhờ đó, lượng lớn vỏ chai, rác thải nhựa được giảm đi đáng kể, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách mỗi khi đặt chân đến các điểm di tích.
Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Lê Công Sơn cho biết khuyến nghị của UNESCO đối với các khu di sản là phải hạn chế tối đa tác động bất lợi như tiếng ồn, độ rung, khói bụi đến khu di sản. Vậy nên, việc triển khai tuyến Du lịch Xanh hay việc giảm nhựa sẽ là hành động cụ thể của đơn vị thực hiện cam kết đối với UNESCO đồng thời giúp hình ảnh di tích trở nên thân thiện hơn với du khách.
Chủ trương của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế là xây dựng thành phố Huế trở thành địa điểm tham quan Du lịch Xanh, thông minh. Chính vì thế, tuyến Du lịch Xanh sẽ không chỉ được triển khai tại lăng vua Gia Long mà sẽ sớm có mặt tại nhiều di tích khác trong thời gian tới.
Hài hoà giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản
Đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản luôn được Thừa Thiên-Huế quan tâm đặc biệt. Nhất là khi Nghị quyết 54-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.
Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa luôn được tỉnh thực hiện gắn chặt với quá trình khai thác, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Từ khi quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, ngành du lịch nơi đây bắt đầu “nở hoa”. Nhiều khách du lịch đến và biết về văn hóa Cố đô. Địa phương có thêm nhiều nguồn lực để bảo tồn, phát huy di sản thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế. Di sản trở thành tài sản, đặc trưng riêng đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.
Đi cùng với sự phát triển của “ngành công nghiệp không khói” là mối đe dọa tác động đối với môi trường cũng như di sản. Do đó, du lịch xanh chính là chìa khóa phát triển bền vững cho ngành du lịch Thừa Thiên-Huế, nơi được công nhận là “thành phố Xanh quốc gia”, đang sở hữu riêng 5 di sản được UNESCO công nhận.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đã đồng hành cùng ngành du lịch địa phương triển khai những “nỗ lực” xanh để gìn giữ giá trị của di sản Huế. Điển hình là sự chung tay của dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” do WWF Na Uy tài trợ thông qua WWF Việt Nam.
Lý giải việc lựa chọn các điểm di tích làm nơi triển khai các hoạt động giảm nhựa, Quản lý dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” Hoàng Ngọc Tường Vân cho hay, xây dựng ý thức giảm nhựa đối với du khách nói riêng và ngành du lịch nói chung sẽ không chỉ thúc đẩy hoàn thành mục tiêu giảm nhựa của dự án tại Huế mà còn góp phần giúp mọi người có trách nhiệm hơn với di sản
Dự án cùng Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Ủy ban Nhân dân thành phố Huế đang nỗ lực đẩy mạnh các quy tắc giảm nhựa ở điểm di tích, điểm đến du lịch. Qua đó, xây dựng thành phố Huế trở thành điểm đến du lịch di sản Xanh, thân thiện môi trường.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phúc cho hay, ngành du lịch sẽ tiếp tục xây dựng thêm một số tuyến, tour gắn với Du lịch Xanh, đặc biệt ở khu vực di sản đồng thời mở các khóa tập huấn, vận động các đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch thực hiện Bộ quy tắc giảm nhựa và ứng xử xanh đối với di tích Cố đô Huế để thành phố Huế xứng đáng với giải thưởng “thành phố du lịch sạch ASEAN” vừa được công bố vào tháng 1/2024 tại Lào. Giải thưởng hứa hẹn tạo hiệu ứng tốt cho ngành du lịch địa phương trong thời gian tới.
Du lịch Xanh đang trở thành một xu thế tất yếu. Ngành du lịch Cố đô đang phát triển theo hướng Xanh, bền vững dựa trên những giá trị văn hoá, di sản. Chỉ với một hành động xanh của du khách, giá trị của du lịch và di sản địa phương sẽ được nâng tầm mạnh mẽ./.
Theo Vietnam+