Du lịch

Thúc đẩy du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới tại địa phương

Bùi Ánh - 08:26 19/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Du lịch sinh thái đang là mối quan tâm của nhiều ngành trong việc phát huy giá trị của cảnh quan tự nhiên. Hiện nay, loại hình này đang được đánh giá là loại hình du lịch bền vững hướng đến sự tôn trọng với thiên nhiên và bảo vệ hệ sinh thái khỏi sự ảnh hưởng và tác động của con người. 

Vừa qua, Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) đã tổ chức Hội thảo Thúc đẩy Du lịch Sinh thái Vườn quốc gia Pù Mát nhằm kết nối các đơn vị du lịch lữ hành tiềm năng. Với sự tham gia của gần 40 đại biểu đến từ Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch tỉnh Nghệ An, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An, cùng 20 đơn vị lữ hành từ khắp nơi trên cả nước, chương trình Hội thảo là tiền đề cho dự án Thúc đẩy du lịch sinh thái đang được triển khai bởi Vườn quốc gia Pù Mát và Trung tâm Save Vietnam’s Wildlife.

Toàn cảnh buổi Hội thảo Thúc đẩy du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Bùi Ánh

Du lịch sinh thái là một kiểu du lịch đòi hỏi ý thức trách nhiệm của người đến trải nghiệm đối với các khu vực tự nhiên được lựa chọn để bảo tồn, mang lại sự hài hòa giữa các cộng đồng và duy trì cuộc sống của người dân địa phương. Việc thúc đẩy du lịch sinh thái sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực nếu người đến tham quan tôn trọng hệ hình nguyên bản của tự nhiên.

Trước hết du lịch sinh thái nó sẽ mở ra nhãn quan cho con người về thế giới thiên nhiên đa dạng và phong phú. Đồng thời, mang lại lợi ích kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường cho cộng đồng địa phương. Quan trọng hơn, du lịch sinh thái có thể hỗ trợ bảo tồn và quản lý môi trường nếu được thực hiện đúng cách. Qua đó, nâng cao nhận thức về môi trường và giáo dục chính bản thân mỗi người về bảo tồn thiên nhiên, môi trường.

Mục đích hướng đến của Hội thảo là kết nối các đơn vị du lịch lữ hành với tiềm năng thiên nhiên tại Vườn quốc gia Pù Mát, thông qua việc giới thiệu về các nguồn tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đa dạng, hùng vĩ của đại ngàn Pù Mát, cùng với những nét đẹp văn hoá đa sắc tộc của người dân trên địa bàn huyện Con Cuông. Hội thảo mong muốn đem lại một góc nhìn mới mẻ về du lịch Pù Mát để tìm kiếm các nhà đầu tư tiềm năng có thể mang đến những sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là thúc đẩy phát triển sinh kế của cộng đồng vùng lõi, vùng đệm Vườn quốc gia Pù Mát.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát nhấn mạnh: “Hội thảo hôm nay là một sự kiện quan trọng, thể hiện nỗ lực vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển ngành Du lịch của tỉnh Nghệ An nói chung và của Vườn quốc gia Pù Mát nói riêng trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, đồng thời cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm của các bên liên quan đối với việc bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã thông qua việc phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương”.

Ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bùi Ánh

Vườn Quốc gia Pù Mát nằm ở sườn Đông của dãy Trường Sơn, phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, có diện tích 94.750.9 ha trải dài trên 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Một trong những đặc điểm của vườn chủ yếu là rừng hỗn giao với thảm thực vật phong phú. Theo thống kê, vườn có 2.691 loại thực vật được xác định trong đó có 75 loài nguy cấp, quý hiếm nằm trong danh sách đỏ của Việt Nam và 189 loài nằm trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP và nhiều loại động vật quý hiếm. Hơn nữa, ngay tại vùng đệm của vườn có nhiều di tích lịch sử, cũng tại đây du khách có thể tìm hiểu nét văn hóa bản địa của các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú, Ở Đu,…

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho rằng: Du lịch nông thôn là một xu thế tất yếu và đáng khuyến khích. Bởi lẽ tiềm năng về cảnh quan nông thôn (núi, rừng, sông suối…) của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều dư địa để khai thác. Bên cạnh đó là sự đa dạng về thành phần đồng bào các dân tộc cùng sống xen kẽ lẫn nhau đã tạo nên những đặc trưng văn hóa vùng miền khác biệt. Vườn quốc gia Pù Mát sở hữu tất cả những tiềm năng này, và đây là những chất liệu phong phú để du lịch nông thôn tại nơi đây sẽ ngày càng  phát triển.

Tham quan khu vực trải nghiệm học sinh tại Vườn quốc gia Pù Mát - một trong những tuyến điểm mới được giới thiệu tại buổi Hội thảo. Ảnh: Bùi Ánh

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (SVW) - Ông Nguyễn Văn Thái cũng đã chia sẻ thêm về sự cần thiết trong việc tạo ra sinh kế thay thế cho cộng đồng người dân địa phương sống quanh vùng đệm rừng Pù Mát nói riêng và các Vườn quốc gia và khu bảo tồn của Việt Nam nói chung. Ông cũng mong rằng các đơn vị lữ hành sẽ là cầu nối để du khách biết đến Vườn quốc gia Pù Mát cùng với bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số nhiều hơn. Với mục đích hướng đến lan tỏa tình yêu thiên nhiên, thông điệp bảo tồn đến cộng đồng một cách mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn và đặc biệt là sẽ mang lại cho vườn một nguồn thu nhất định nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học sau này. Hơn hết, phát triển du lịch sinh thái sẽ góp phần tạo ra sinh kế thay thế cho người dân sinh sống trên địa bàn từ các dịch vụ du lịch, góp phần giảm thiểu sự tác động tiêu cực của họ tới tài nguyên rừng, qua đó có thể bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã VQG Pù Mát một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Một trong những hoạt động nổi bật tại chương trình Hội thảo chính là giới thiệu các tuyến điểm tham quan, trải nghiệm theo những cung đường chưa từng được đưa vào khai thác thuộc khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát như: các tuyến trekking mạo hiểm xuyên những khu rừng đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt, chinh phục các đỉnh núi thuộc rừng Pù Mát để săn mây, ngắm cảnh quan hùng vĩ của núi rừng nguyên sinh; du lịch trải nghiệm, nghiên cứu về sự đa dạng sinh học của đại ngàn Pù Mát; các tuyến trải nghiệm thực nghiệm, trực quan dành cho học sinh, sinh viên…

Việc thúc đẩy du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát sẽ là sự kết hợp với du lịch văn hóa truyền thống độc đáo tại các bản làng của người đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, việc hình thành loại hình du lịch này sẽ có những đóng góp rất quan trọng cho Chương trình xây dựng Nông thôn mới tại địa phương như tạo cảnh quan sạch, đẹp, tăng nguồn thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn,…

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác