Thảo luận
14:10 29/05/2022 GMT+7

Để đánh giá về thực trạng chất lượng của giai cấp Nông dân Việt Nam hiện nay, bài viết tập trung phân tích thực trạng về trình độ học vấn, tay nghề; về tính tích cực chính trị; đời sống văn hoá, lối sống của người nông dân.

Về số lượng, cơ cấu:

Thứ nhất, trong tiến trình đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, số lượng và cơ cấu giai cấp Nông dân ở nước ta hiện nay có sự biến đổi phù hợp.

Hiện nay, số lượng dân số sống ở nông thôn nước ta chiếm khoảng 65%, trong đó chủ yếu là nông dân - một lực lượng đông đảo, bao gồm những người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (gồm cả lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp), trực tiếp sử dụng một tư liệu sản xuất cơ bản và đặc thù, gắn với thiên nhiên là đất, rừng và biển để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp, hoặc tham gia sản xuất kinh doanh, dịch vụ của gia đình (đơn vị kinh tế tự chủ hoặc tập thể). Quá trình đô thị hoá, CNH, HĐH đã đưa tới sự giảm đi tương đối (tức là tỷ lệ nông dân trong tổng số dân) và tuyệt đối (tức là số lượng nông dân) trong cơ cấu lao động và cơ cấu dân cư. Sự chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ, tích cực từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác (công nghiệp, dịch vụ…)  nên tỷ lệ lao động nông nghiệp đã giảm khoảng 9% từ 2015 đến nay.  Xét về cơ cấu lao động, giai đoạn 2015-2020 có sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực kinh tế. Cụ thể, trong giai đoạn này có sự chuyển dịch rõ rệt trong cơ cấu lao động giữa các khu vực: Nếu như năm 2015 cơ cấu lao động KV1 (nông, lâm, thuỷ sản), chiếm tới 45,73%; KV2 chiếm 24,19%; KV3 chiếm 30,08%, thì đến năm 2020 tỷ trọng lao động trong các KV1, 2, 3 lần lượt là: 34,78%; 32,65%; 32,57%. Tốc độ giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp những năm sau càng nhanh (khoảng 3%/năm) so với giai đoạn 2005 - 2010 khoảng 1 -1,5%. Đây là xu hướng phù hợp với xu thế tất yếu của quá trình CNH, HĐH cũng như định hướng chuyển dịch cơ cấu ngành của Đảng theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế.

Sự chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ, tích cực từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác (công nghiệp, dịch vụ…)  nên tỷ lệ lao động nông nghiệp đã giảm khoảng 9% từ 2015 đến nay.

Tốc độ giảm tương đối về tỷ lệ và tuyệt đối về số lượng giai cấp Nông dân nước ta sẽ ngày càng tăng nhanh cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung, và quá trình ứng dụng khoa học, kỹ thuật hiện đại, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp nói riêng. Kết quả là lao động tất yếu trong nông nghiệp, nông dân sẽ giảm xuống và dôi ra, trở thành nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, sự dịch chuyển này vẫn còn chậm so với yêu cầu đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp chỉ còn khoảng 30%.

Thứ hai, xu hướng phân nhánh, phân tầng đa dạng hóa trong cơ cấu giai cấp Nông dân.

Cùng với sự hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đa sở hữu, người nông dân cũng có mặt trong các thành phần kinh tế khác nhau: Kinh tế quốc doanh với những nông trường, lâm trường; kinh tế tập thể với các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất; kinh tế tư nhân có những trang trại và kinh tế hộ gia đình... Xu hướng phân nhánh này sẽ tất yếu kéo theo những khác biệt về phương thức lao động, vai trò trong quá trình sản xuất, mức độ hưởng thụ và cơ hội phát triển mọi mặt. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phân tầng theo chiều dọc trong nội bộ giai cấp Nông dân. Do vậy, hình ảnh người nông dân hiện nay đã trở nên đa dạng, không “thuần nhất” như trước đây.

Xu hướng đa dạng hóa ngành nghề trong sản xuất nông nghiệp đã, đang và sẽ đưa tới sự đa dạng hóa trong cơ cấu nội bộ giai cấp Nông dân. Những ngành nghề truyền thống như trồng trọt, chăn nuôi, tiếp tục được phát triển nhưng đã có những thay đổi lớn cùng với sự chuyển đổi về cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sự phát triển về năng suất, chất lượng, số lượng, chủng loại sản phẩm do ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và đáp ứng nhu cầu thị trường hiện đại. Một bộ phận nông dân tiếp tục mở rộng sản xuất các nghề thủ công, các làng nghề truyền thống. Một bộ phận khác chuyển sang hoạt động dịch vụ, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và gắn bó với khu vực nông thôn như: Kinh doanh xăng, dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn gia súc, làm máy xay xát nhỏ, điều hành các tổ xây dựng, tổ nghề mộc... ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vẫn còn một bộ phận nông dân sống theo phương thức tự túc, tự cấp.

Bên cạnh đó, sự phân hoá, nhất là về thu nhập trong giai cấp Nông dân ngày càng rõ nét. Trong quá trình phát triển, một bộ phận nông dân đã giàu lên do biết làm ăn và tranh thủ được cơ hội. Tuy nhiên, một số nông dân do hạn chế về khả năng tiếp cận văn hóa, khoa học, kỹ thuật, gặp hoàn cảnh khó khăn do thiên tai hay sức khỏe hạn chế mà cuộc sống không được cải thiện đáng kể, thậm chí còn nghèo đi. Khoảng cách giàu - nghèo ở nông thôn cũng ngày càng doãng ra, phân hóa nông thôn tiến triển mạnh, chênh lệch thu nhập giữa 20% nhóm hộ giàu nhất và 20% nhóm hộ nghèo nhất trong nông thôn tăng mạnh, từ 7,5 lần năm 2010 lên 8,6 lần năm 2018. Đặc biệt, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (CMCN 4.0) tình trạng dư thừa lao động nông nghiệp, bất bình đẳng giữa nông dân công nghệ thấp với nông dân công nghệ cao sẽ diễn ra phổ biến.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn trao Bằng khen cho những nông dân xuất sắc trong lĩnh vực Phát minh, Chuyển đổi số, Nông thôn mới, Bảo vệ An ninh Tổ quốc tại Lễ Tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.

Về chất lượng của giai cấp Nông dân:

Thứ nhất, về trình độ học vấn, tay nghề của nông dân. Trình độ học vấn, tay nghề của nông dân ngày càng được cải thiện thông qua tỷ lệ lao động ở nông thôn được đào tạo ngày càng tăng. Theo đó, mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề phủ rộng khắp cả nước, với nhiều hình thức, cấp bậc khác nhau. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo ở khu vực nông thôn tăng từ 8.5% năm 2010 lên 16,3% năm 2020. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đã qua đào tạo tăng từ 4,3% năm 2015 lên 4,6% năm 2020(1). Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề mỗi năm đã tạo việc làm cho khoảng 320.000 người; nhiều người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người ở vùng bị chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập.

Mặc dù trình độ của nông dân nước ta có chuyển biến tích cực thông qua tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo được nâng cao, nhưng để đáp ứng với đòi hỏi phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với hội nhập thị trường quốc tế, thì nhìn tổng thể, vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Chất lượng đào tạo nghề chưa đạt mục tiêu nâng cao năng suất xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động của nông dân. Nghị quyết 26-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ đào tạo nghề nông thôn đạt trên 50%. Tuy nhiên, kết quả tổng điều tra năm 2020 cho thấy, nếu tính riêng lao động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản, số người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo là 12,57 triệu người, chiếm 89,97% tổng số lao động(2). Chất lượng đào tạo nghề thấp chưa tạo ra bước đột phá trong tăng năng suất lao động trong nội ngành, chưa góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động sang ngành, lĩnh vực khác.

Đồng thời, năng lực của giai cấp Nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn có một số mặt còn bất cập. Phần đông nông dân chưa đủ năng lực, thói quen tìm hiểu nhu cầu của thị trường để lựa chọn mặt hàng, công nghệ sản xuất, chế biến mà chủ yếu sản xuất theo kinh nghiệm, phong trào. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, dựa trên kinh tế hộ, chính vì vậy, năng suất lao động xã hội thấp. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, ngành nghề phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của nông dân, nông thôn. Năng lực thích ứng với CMCN 4.0 của nông dân nước ta còn hạn chế. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi trình độ của nông dân nước ta còn thấp. Theo số liệu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngành Nông lâm thủy sản giai đoạn 2010 - 2017 chiếm 2,5% tổng quy mô tuyển sinh. Lao động trong ngành Nông nghiệp chiếm hơn 40% lao động toàn xã hội nhưng chỉ có 7,93% đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật, trong đó 3,58% đã qua đào tạo nhưng không có bằng, chứng chỉ; 1,87% sơ cấp nghề; 1,24% trung cấp và trung cấp nghề; 0,69% cao đẳng và cao đẳng nghề và 0,46% đại học trở lên…

Về đời sống văn hoá, lối sống của nông dân, các lễ hội phù hợp truyền thống văn hóa, phần lễ được tổ chức trang trọng, thành kính, phần hội phong phú hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân.

Thứ hai, về đời sống văn hoá, lối sống của nông dân. Trước hết, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đời sống văn hoá của nông dân ngày càng phong phú, lối sống ngày càng văn minh, hiện đại.  Các lễ hội từ lễ hội có quy mô lớn đến các lễ hội có quy mô nhỏ trong phạm vi làng xã, có nhiều chuyển biến rõ nét. Điều này thể hiện ở nội dung lễ hội phù hợp truyền thống văn hóa, phần lễ được tổ chức trang trọng, thành kính, phần hội phong phú hấp dẫn, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm.

Bên cạnh đó, những giá trị truyền thống tốt đẹp được phát huy và những giá trị mới trong lối sống, trong quan hệ ứng xử  (giữa các thành viên trong gia đình, làng xóm…) ngày càng được phổ biến. Đó là việc coi trọng học tập của con cái, nhất là việc học ngoại ngữ; quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, cộng đồng được bình đẳng hơn trước; xu hướng lựa chọn nghề nghiệp…

Nông dân ngày càng thực hiện tốt việc xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá mới: tiết kiệm, văn minh trong thực hiện việc cưới, việc tang (giảm bớt những tủ tục rườm rà, lạc hậu, lãng phí…).

Tuy nhiên còn nhiều bất cập trong xây dựng văn hoá, lối sống của nông dân:

Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa mạnh mẽ đã làm một số vùng nông thôn theo chiều hướng bê tông hóa, làm ảnh hưởng tới các giá trị truyền thống, bản sắc của vùng quê. Công tác xây dựng gia đình văn hóa cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Kết cấu gia đình, sợi dây liên kết truyền thống gia đình biến đổi và rạn nứt, dẫn đến tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn “sống vội”, “sống thử” tăng cao, những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài... đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt đối với gia đình và xã hội. Các giá trị tốt đẹp của gia đình như: Hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên, nhường dưới... đang có biểu hiện xuống cấp. Sự xung đột giữa các thế hệ về lối sống và việc chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Các tệ nạn xã hội đã và đang xâm nhập, tác động xấu vào các gia đình(3).

Thứ ba, về ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn, cải tạo cảnh quan nông thôn. Trước hết, ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn, cải tạo cảnh quan nông thôn của người nông dân ngày càng được nâng cao. Vùng nông thôn nước ta đã tạo nên nhiều miền quê đáng sống, với cảnh quan, môi trường trong lành, sáng, xanh, sạch, đẹp, làm chuyển biến rõ rệt diện mạo mới ở nông thôn. Những năm qua, việc bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở các địa phương được triển khai ngày càng tích cực. Ví dụ như, trong đợt phát động thi đua xây dựng mô hình “Nông dân tham gia bảo vệ môi trường năm 2021”, lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định, từ năm 2015 đến nay, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt, chất thải y tế trên địa bàn đạt 98 - 100%; việc xử lý ô nhiễm nguồn nước thải đạt hiệu quả rõ rệt. Chất lượng môi trường nông thôn tiếp tục được cải thiện đáng kể. Công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương cần tiếp tục được phát huy và lan tỏa những mô hình mới, cách làm hay để môi trường nông thôn Thủ đô ngày càng văn minh.

Tuy nhiên trong cả nước, môi trường khu vực nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, chế biến nông lâm thuỷ sản. Chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các khu, cụm công nghiệp - làng nghề chưa xử lý được. Các mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức (Tỷ lệ số xã đạt chuẩn về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm của Đồng bằng sông Hồng chỉ đạt 87,6%(4)). Tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn (đất chật, người đông, nhiều làng nghề) vẫn là sức ép lớn, gây ra những hệ lụy về môi trường, xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường có xu hướng trầm trọng hơn. Xử lý chất thải, bảo vệ môi trường nông thôn chưa căn cơ, thiếu quy hoạch, nguồn lực, giải pháp đồng bộ. Chính sách chưa đủ mạnh, sự tham gia của cộng đồng chưa đủ mức...

Ở nước ta, nông nghiệp và kinh tế nông thôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Hiện nay, nông thôn là địa bàn sinh sống của 65,6% dân số cả nước với cộng đồng 54 dân tộc, thống nhất trong đa dạng văn hóa; cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho đời sống con người và phục vụ các ngành kinh tế quốc dân; là nơi sản sinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; có vai trò quan trọng đối với an ninh, quốc phòng và giữ gìn môi trường sinh thái... Chính vì vậy, giai cấp Nông dân không chỉ giữ vai trò trung tâm và quyết định đến sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà còn quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước. Vị trí, vai trò chủ thể của giai cấp Nông dân Việt Nam được thể hiện cả ở vị trí chính trị, vị trí kinh tế. Về vị trí chính trị, giai cấp Nông dân Việt Nam cùng với giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức là cơ sở chính trị - xã hội tin cậy của hệ thống chính trị, là chủ thể trực tiếp hiện thực hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở nông thôn, đồng thời là lực lượng đi đầu trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở...

Về vị trí kinh tế, giai cấp Nông dân Việt Nam là chủ thể của ngành sản xuất nông nghiệp, hướng tới phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp sạch, trình độ cao và phát triển bền vững. Giai cấp Nông dân đóng góp một phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, nhất là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và vào việc hình thành mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; đồng thời, góp phần không nhỏ vào hoạt động xuất khẩu nông sản, tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước...

Trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, kinh tế nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng là “tiền đề” cho CNH, HĐH trên các lĩnh vực khác thành công. Trong đó, giai cấp Nông dân đang là chủ lực quân của CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn và đang là lực lượng nòng cốt của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Như vậy, để thấy rằng, vị trí, vai trò của giai cấp Nông dân trong công cuộc đổi mới, trong CNH, HĐH đất nước và trong công cuộc xây dựng CNXH ở nước ta là vô cùng quan trọng.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế và tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, vị trí, vai trò của giai cấp nông dân không hề giảm đi mà vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Những năm qua, nhờ tập trung phát triển “nông nghiệp sạch”, nông nghiệp nước ta đang chiếm lĩnh và cạnh tranh với nhiều quốc gia trên các thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Việt Nam là một trong 50 nước xuất khẩu nông sản, hải sản lớn, có kim ngạch xuất khẩu cao. Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có mặt ở hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đóng góp khoảng gần 30% tỷ trọng xuất khẩu của cả nước. Thành công đó trước hết thuộc về giai cấp Nông dân.

Đồng thời, giai cấp Nông dân Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của toàn xã hội. Hơn 80% lương thực, thực phẩm tiêu dùng trong nước do nông dân nước ta sản xuất. Mối quan hệ giữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp và chất lượng cuộc sống của dân cư trong xã hội được quyết định một phần rất lớn bởi những người nông dân.

Mối quan hệ giữa chất lượng sản phẩm nông nghiệp và chất lượng cuộc sống của dân cư trong xã hội được quyết định một phần rất lớn bởi những người nông dân. Trong ảnh: Đại biểu tham quan các gian hàng nông sản tại Hội chợ OCOP tỉnh Quảng Ninh.

Với vai trò, vị trí to lớn như vậy, nhưng hiện nay, ở nông thôn, một bộ phận dân cư còn khó khăn, chưa được thụ hưởng đầy đủ, xứng đáng với những giá trị, thành quả cách mạng của công cuộc đổi mới, đặc biệt là nông dân các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng. Trong số hơn 6% tỷ lệ hộ nghèo của cả nước thì có gần 70% là các hộ nông dân, trong đó chủ yếu là các hộ vùng sâu, vùng xa - là các địa bàn căn cứ kháng chiến. Do nhiều yếu tố khác nhau (thực lực kinh tế, địa vị chính trị, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn thấp….), nông dân là người yếu thế trong các quyết định quan trọng ở nông thôn. Nông dân đang bị “đứng ngoài lề” các dự án công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, được hưởng lợi từ những thành quả của công cuộc đổi mới còn rất khiêm tốn. Đất nước càng phát triển, quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá diễn ra càng nhanh thì vị thế, vai trò của giai cấp Nông dân có phần càng mờ nhạt. Người nông dân trở thành đối tượng yếu thế, chịu nhiều thua thiệt trong kinh tế thị trường. Không ít nơi, nông dân bỏ ruộng, bỏ quê hương đến đô thị, khu công nghiệp tìm việc làm, tạo ra tình trạng di cư tự do, những bất ổn xã hội.

Như vậy, giai cấp Nông dân Việt Nam đang ngày càng đạt đến sự phù hợp về số lượng và cơ cấu, sự tiến bộ về trình độ, sự văn minh về văn hoá, từ đó ngày càng khẳng định vị thế, vai trò “chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…”(5).

Thứ nhất, yêu cầu nâng cao vị thế chủ thể của nông dân nhưng nhận thức của người dân, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của nông dân còn hạn chế. Vai trò chủ thể của nông dân, sức mạnh chủ động của cộng đồng cơ sở chưa được đề cao. Do chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân, chưa quán triệt và thực hiện tốt phương châm “Nông dân là chủ thể” nên sự tham gia của quần chúng chưa tích cực, có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào đầu tư, dẫn dắt của Nhà nước; có nơi lại có biểu hiện lạm dụng đóng góp, lạm quyền của người dân trong thực hiện các nhiệm vụ công cộng (Điều tra năm 2019 của IPSARD cho thấy chỉ có 68,1% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến vào quy hoạch, kế hoạch, đề án Nông thôn mới của địa phương; chỉ có 55% số hộ cho biết mình có quyền tham gia ý kiến lựa chọn công trình, dự án; 66,9% số hộ cho biết mình có quyền giám sát quá trình thực hiện các dự án Nông thôn mới; có những trường hợp người địa phương được phỏng vấn không biết rằng xã mình đã đạt chuẩn Nông thôn mới…

Thứ hai, mâu thuẫn giữa nhu cầu nâng cao trình độ tay nghề với thực trạng chất lượng của công tác đào tạo còn hạn chế: Về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp đào tạo. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc nâng cao trình độ tay nghề còn hạn chế, dẫn đến sự đối phó, chưa chủ động, tích cực.

Đến nay, nông nghiệp, nông thôn, nông dân nước ta vẫn là lĩnh vực chậm phát triển. Sản xuất còn theo phương thức lạc hậu, manh mún, chất lượng sản phẩm không cao. Hơn nữa, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp còn thấp và chịu tác động trực tiếp của thị trường. Tài nguyên đất đai chưa được khai thác một cách hiệu quả; nguồn nhân lực ở nông thôn chất lượng còn thấp, phần nhiều chưa qua đào tạo; ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng. Sản phẩm của người nông dân làm ra còn chịu nhiều thua thiệt trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Trong rất nhiều nguyên nhân của tình trạng trên có nguyên nhân từ việc chưa phát huy đầy đủ vai trò chủ thể tích cực của nông dân. Do nhận thức hạn chế cũng như do năng lực, trình độ có hạn, nông dân vẫn đang bị động trong cơ chế thị trường, từ việc tổ chức sản xuất, kinh doanh đến tiêu thụ sản phẩm và tổ chức đời sống. Vì vậy, cần đổi mới nhận thức về nông dân và nhận thức của nông dân, đồng thời, nâng cao trình độ, tay nghề cho nông dân để nông dân có thể phát huy vai trò chủ động, tích cực của mình trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.

Thứ ba, mâu thuẫn giữa yêu cầu nâng cao ý thức và hành vi bảo vệ môi trường, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới; kết hợp bảo vệ môi trường với phát triển nông nghiệp bền vững.

Cần nhân rộng những mô hình hiệu quả để nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của người dân sinh sống ở nông thôn.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là nhận thức, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân sinh sống ở nông thôn vẫn chưa được tăng cường; sự tham gia công tác BVMT của người dân và cộng đồng còn rất nhiều hạn chế. Chính quyền và người dân tại các khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa thấy rõ được những nguy cơ ô nhiễm môi trường do hoạt động nông nghiệp, nông thôn sẽ có những tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội và sức khỏe người dân như thế nào. 

(1) Tổng cục Thống kê (2021), Niên giám thống kê 2020, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.164

(2) Thông cáo báo chí về kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 - General Statistics Office of Vietnam (gso.gov.vn)

(3)http://svhttdl.phutho.gov.vn/tin/xay-dung-gia-dinh-van-hoa-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-hien-nay_58.html

(4) Tài liệu Hội nghị tổng kết Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII, NXB.CTQG-ST, H.2021, t1, tr.166

Tin cùng chuyên mục
Tin khác