Thương hiệu giống cây ăn trái Chợ Lách
Đang vào mùa mưa nên thuận lợi cho việc trồng mới cây ăn trái và cải tạo vườn tạp, vườn kém chất lượng, chuyển sang trồng những loại cây cho kinh tế cao.
Do nhu cầu trồng mới cao, nên hàng loạt cơ sở giống cây ăn trái ở ĐBSCL phải tất bật để kịp cung ứng cho thị trường xa gần.
Hút hàng, giá tăng
Lâu nay, huyện Chợ Lách (Bến Tre) là vựa giống cây ăn trái lớn nhất vùng ĐBSCL; những ngày này, đi từ xã Sơn Định sang Vĩnh Thành, Long Thới, Hưng Khánh Trung B… đâu đâu cũng thấy người dân khẩn trương o bế cây giống để đưa đi các nơi tiêu thụ. Ông Lê Văn Thảo, chủ cơ sở sản xuất cây giống ở xã Long Thới, cho biết: “Nhiều ngày nay, cây giống hút hàng quá chừng, buộc cơ sở phải huy động thêm nhân công làm liên tục để có đủ số lượng giao cho khách. Cũng nhờ khách mua nhiều, nên giá cây giống nhích lên tương đối cao so cùng kỳ năm ngoái”. Ông Thảo tiết lộ, nếu như giống sầu riêng (cao từ 2 tấc trở lên) năm ngoái khoảng 40.000 đồng/cây, nay tăng vọt lên 90.000 – 100.000 đồng/cây; mít Thái siêu sớm 5.000 – 8.000 đồng/cây vào năm trước, nay có giá tới 32.000 đồng/cây (cao hơn 2 tấc); vú sữa bơ hồng từ 15.000 đồng/cây cũng tăng lên 30.000 đồng/cây; chôm chôm giống khoảng 70.000 đồng/cây; dừa dứa 50.000 – 60.000 đồng/cây… tất cả đều tăng mạnh so những năm trước.
Cùng niềm vui trên, bà Nguyễn Thị Hiểu, ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách nói: “Gia đình tôi làm cây giống đã mấy chục năm nhưng năm nay là cây giống hút hàng nhất. Hiện thời không chỉ nông dân các tỉnh ĐBSCL tới mua, mà rất nhiều khách hàng từ các tỉnh ở Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc cũng rất chuộng cây giống của huyện Chợ Lách. Một trong những nguyên nhân quan trọng là cây giống ở đây đảm bảo chất lượng, làm ăn uy tín nên được nông dân các nơi tín nhiệm”. Tại cơ sở sản xuất cây giống Nguyễn Phương, ở ấp Gia Khánh, xã Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc có hàng chục công nhân vận chuyển cây giống ra xe tải để xuất đi các tỉnh phía Bắc. Theo chủ cơ sở Nguyễn Phương, trước đây cơ sở chỉ cung ứng cây giống chủ yếu ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang… gần đây khi đưa cây giống ra miền Bắc giới thiệu và nông dân trồng thử nghiệm thấy đạt chất lượng tốt, nên khách hàng dần tăng cao. Chỉ riêng cuối tháng 6 và đầu tháng 7-2017, cơ sở đã giao 2-3 xe tải loại 20 tấn với nhiều giống cây chất lượng, trong đó nhiều nhất là mít Thái và bưởi da xanh cho nông dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Giang…
Xây dựng thương hiệu, chú trọng chất lượng
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, nhìn nhận, nghề sản xuất cây giống ở huyện Chợ Lách có từ lâu đời và ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Cách nay chỉ vài năm, bình quân toàn huyện sản xuất khoảng 15 triệu cây giống/năm thì đến năm 2017, dự kiến số lượng cây giống cung ứng ra thị trường từ 20 triệu cây trở lên. Thị trường tiêu thụ cây giống của Chợ Lách liên tục mở rộng từ các tỉnh ĐBSCL ra miền Đông, miền Trung, Tây Nguyên, miền Bắc và được xuất khẩu sang Campuchia, Lào… Ngoài những giống cây ăn trái chủ lực đã khẳng định được chất lượng và giống năng suất như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh… thì một số loại cây giống là thế mạnh của Bến Tre nhưng vẫn được nông dân huyện Chợ Lách sản xuất chất lượng như bơ, mãng cầu na… cung ứng cho Tây Nguyên và các vùng khác trồng. Điều này chứng minh tay nghề sản xuất cây giống của nông dân Chợ Lách rất tốt và thích ứng nhanh với nhu cầu thị trường cần. Cũng theo tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, nhờ trước đây vùng Cái Mơn (huyện Chợ Lách) đã có tiếng về nhiều loại trái ngon như sầu riêng hạt lép, sầu riêng Chín Hóa, măng cụt, chôm chôm đường… đã tạo điều kiện thuận lợi cho nghề sản xuất cây giống phát triển, khi nông dân các nơi nghe nói cây giống Chợ Lách là họ tín nhiệm. Tuy nhiên, để nghề này phát triển lâu dài thì huyện chủ trương xây dựng thương hiệu và từng cơ sở sản xuất cây giống phải có địa chỉ, nguồn gốc rõ ràng.
Ông Dương Văn Lợi, chủ cơ sở sản xuất cây giống ở xã Sơn Định bộc bạch: “Trước đây có xảy ra tình trạng một số thương lái mua cây giống của Chợ Lách chở bằng ghe đi các vùng nông thôn ở ĐBSCL tiêu thụ. Nông dân mua giống xoài cát Hòa Lộc, nhưng khi trồng 3-4 năm thì cho trái là xoài ghép chua lè, lúc này mới ngộ ra mua nhầm giống trôi nổi, không chất lượng, không có ghi cơ sở sản xuất. Sau những lần như thế, nhiều năm qua các cơ sở làm giống ở Chợ Lách quyết tâm triệt tiêu giống trôi nổi bằng nhiều cách; trong đó, hầu hết các cơ sở sản xuất đều áp dụng quy trình làm giống công nghệ mới, chất lượng, có bao bì ghi rõ địa chỉ sản xuất, số điện thoại liên lạc và cả quy trình hướng dẫn canh tác”. Theo ông Lợi, nếu so với trồng lúa hay rau màu thì trồng cây ăn trái tốn kém nhiều về chi phí đầu tư, thời gian kéo dài từ 3-4 năm trở lên mới cho thu hoạch. Vì vậy, người sản xuất giống cây ăn trái phải có trách nhiệm và lương tâm khi làm nghề này. Nếu như đưa ra thị trường giống kém chất lượng, nông dân trồng sẽ lãnh đủ, vừa mất tiền mua giống, vừa mất thời gian chăm sóc mấy năm. “Chúng tôi ủng hộ chủ trương của huyện là xây dựng thương hiệu cây giống Chợ Lách và khi sản xuất giống phải lấy chất lượng, uy tín đặt lên hàng đầu. Đây cũng là cách để phát triển bền vững “vương quốc cây giống Chợ Lách”, đã được nhiều người xa gần biết tiếng”, ông Dương Văn Lợi nói.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Dương Văn Huyền, Giám đốc Hợp tác xã cây giống Cái Mơn, cho rằng: “HTX xác định sản xuất cây giống là nghề lâu dài và là niềm tự hào của xứ Chợ Lách, nên HTX luôn yêu cầu các xã viên quan tâm chất lượng và không ngừng tìm tòi lai tạo những giống mới, đột phá, nhằm thay thế một số giống cũ, năng suất kém. Mục tiêu sản xuất cây giống là hướng tới nông dân trồng hiệu quả, chất lượng, năng suất cao… góp phần đưa trái cây Việt ngày càng vươn xa ra thế giới”.
Huỳnh Lợi
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân