Tiêu thụ thuận lợi, sản phẩm na Đông Triều được giá
Tiểu thương thu mua na tận vườn. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)
Thị xã Đông Triều là vùng sản xuất nông nghiệp lớn của tỉnh Quảng Nninh. Với nhiều nông sản nổi tiếng, được thị trường nhiều nơi biết đến; trong đó, có quả na - thương hiệu OCOP của địa phương.
Dù vụ na năm nay sản lượng có giảm hơn so với năm trước, tuy nhiên người nông dân phấn khởi vì na cho chất lượng, mẫu mã đẹp nên được giá và không còn lo giãn cách xã hội gây khó khăn trong lưu thông, thị trường tiêu thụ thuận lợi.
Giá bán tăng cao
Vụ na mùa năm 2022 của thị xã Đông Triều cho thu hoạch muộn hơn khoảng một tháng so với năm ngoái, sản lượng giảm khoảng từ 10%.
Nguyên nhân là do thời tiết thất thường; cùng đó, do có nhiều diện tích na đã canh tác trên cùng một thửa đất lâu năm, chưa chuyển đổi và cây na già cỗi nên ít nhiều đã ảnh hưởng đến quá trình cho quả và sản lượng của na.
Chị Nguyễn Thị Trà, thuộc Hợp tác xã na VietGAP thôn Khê Thượng xã Việt Dân, thị xã Đông Triều, cho biết gia đình chị trồng hơn 1ha na, từ đầu vụ đến nay thu hoạch được hơn 1 tấn quả, giá bán na tuyển đạt khoảng 50.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm 2021.
Năm nay không ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thương lái đến tận vườn thu mua ổn định, giá cả phụ thuộc thị trường, ở thời điểm hiện tại giá khá cao. Năm ngoái thu hoạch được gần 10 tấn, năm nay chắc giảm khoảng 30%, chị Trà thông tin thêm.
Là cây chủ lực của thị xã Đông Triều, hàng chục năm qua cây na đã giúp đổi thay diện mạo vùng nông thôn, mang lại đời sống kinh tế xã hội ổn định cho người nông dân. Anh Nguyễn Văn Khoa người dân xã Việt Dân chia sẻ, so với các loại cây khác cây na dễ chăm sóc, lại có thể tự ươm giống tại nhà nên chi phí không cao.
Những năm gần đây nhờ tham gia trồng na VietGAP nên nông dân được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, có thể chủ động thời gian ra hoa, cho quả. Na được thu hoạch theo mùa, na gối và na chiêm, sản lượng các vụ không chênh lệch nhiều vì người dân áp dụng khoa học công nghệ.
Anh Khoa phấn khởi cho biết năm nay không còn giãn cách xã hội, không còn phải lo lắng đến đầu ra, quả na được thương lái đến tận vườn thu mua, nếu bán xô thì giá hiện tại khoảng 25.000 đồng/kg, na tuyển thì từ 40.000 đồng/kg, tùy vườn và chất lượng na.
Hàng chục năm nay, nhờ có cây na mà người dân có điều kiện cho các con học hành, như nhà anh có hai con đi du học ở Hàn Quốc, nhà cửa khang trang, đời sống ở vùng quê yên bình, ổn định, xã cũng đạt nông thôn mới kiểu mẫu từ rất sớm.
Giữ vững thương hiệu OCOP
Trên địa bàn thị xã Đông Triều có gần 900 ha na; trong đó, có gần 400 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và chủ yếu là na dai, được trồng nhiều ở các xã An Sinh, Việt Dân,Tân Việt, Bình Khê…
Cây na trồng tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN)
Vốn là cây trung niên, nên cây na chỉ khai thác hiệu quả trong vòng 20 năm trở về, vì vậy, để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiện nay các hộ dân đã bắt đầu cải tạo, thay thế cây trồng mới khoảng 1/3 vườn na đang có. Với hình thức trồng xen canh gối vụ, đảm bảo sẽ cho thu hoạch 3 vụ 1 năm.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch xã An Sinh, thị xã Đông Triều, cho biết xã có 450ha na, cũng là địa phương có diện tích trồng na lớn nhất tỉnh, để bảo vệ thương hiệu na Đông Triều nói chung và của xã nói riêng, hiện nay địa phương đang hướng bà con cải tạo vườn bằng việc thay thế trồng giống na mới có năng suất cao hơn.
Ngoài việc tiếp tục xây dựng na VietGAP, năm vừa qua xã đã thí điểm 3ha na hữu cơ và cơ bản cho thu nhập cao. Hiện nay, xã xây dựng mô hình trồng na Thái Lan và na Đài Loan, đánh giá tổng kết cho thu nhập cao và tiến tới khuyến khích người dân chuyển đổi các giống na này vì ưu điểm chống chịu sâu bệnh tốt hơn cây na bản địa.
Trung bình 1ha trồng na áp dụng quy trình VietGAP hiện cho sản lượng trên 10 tấn quả/vụ, doanh thu khoảng 300 triệu đồng, tăng hơn 2 tấn quả/vụ và gần 70 triệu đồng so với trồng na theo phương thức truyền thống.
Với ưu điểm vượt trội, na dai Đông Triều vẫn giữ là cây chủ lực, nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân nơi đây.
Anh Nguyễn Văn Khoa, người dân xã Việt Dân, cũng mong muốn tiếp tục khắc phục kỹ thuật trồng na, đồng thời sẽ thực hiện sản xuất tập trung để nâng cao năng suất, chuyên nghiệp hóa sản xuất nông nghiệp, tạo thành chuỗi sản xuất chất lượng cao, duy trì đầu ra hiệu quả.
Ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Đông Triều, cho biết vụ na năm nay chín muộn và trong khoảng 1 tháng sẽ tiêu thụ hết khoảng 9.000 tấn na chín rộ với nhiều thị trường từ các tỉnh miền Trung trở ra. Đối với na VietGAP cũng được đưa vào các siêu thị lớn trên địa bàn.
Để nâng cao chất lượng và bảo vệ thương hiệu na Đông Triều, tới đây địa phương này có kế hoạch mở rộng diện tích na VietGAP đã đạt tiêu chuẩn đối với các xã xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thiện quy trình kỹ thuật để na có năng suất chất lượng cao nhất.
Đồng thời, địa phương cũng khuyến cáo các chủ vườn na có tuổi đời trên 20 năm, già cỗi thì nên thay thế, chuyển đổi giống na và chuyển đổi cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Theo Vietnam+