Đồng hành với nông dân tìm đầu ra cho nông sản
Năm 2022, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thống Nhất đã giải ngân cho gia đình bà Lê Thị Thu Trang ở ấp 2 xã Lộ 25 huyện Thống Nhất vay số tiền 100 triệu đồng. Có vốn gia đình bà Trang đã đầu tư vào sản xuất rau các loại, năng suất sản lượng rau gia đình làm ra đảm bảo chất lượng tuy nhiên giá cả lên xuống bấp bênh khiến gia đình gặp không ít khó khăn. Mong muốn của bà Trang là gia đình có được đầu ra ổn định để gia đình có điều kiện thoát nghèo.
Bà Lê Thị Thu Trang chia sẻ, nhờ vay được vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội gia đình đầu tư vào trồng rau, nhưng giá cả bấp bênh, gia đình mong muốn được các doanh nghiệp thu mua rau của gia đình, có vậy gia đình mới có tiền để trang trải tiền nợ ngân hàng.
Để hỗ trợ bà con nông dân có thể liên kết sản xuất được với các doanh nghiệp, đầu năm 2024, Hội Nông dân huyện Thống Nhất đã liên hệ kết nối với một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần COOKY chuyên kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp bán hàng trên online trên hệ thống APP của công ty. Mới đây nhất Hội Nông dân huyện đã đưa Công ty TNHH thương mại dịch vụ Xuân Điền ở thành phố Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp chuyên thu mua rau, củ quả, gia súc, gia cầm về khảo sát một số hộ dân sản xuất trên địa bàn huyện để có thể ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Qua khảo sát đại diện của công ty đánh giá sản phẩm nông nghiệp của bà con đảm bảo an toàn cung cấp cho công ty.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, đại diện Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuân Điền cho hay, qua Hội Nông dân huyện Thống Nhất, công ty mong muốn có cầu nối để giữa bà con nông dân và Công ty Xuân Điền gặp nhau tại một điểm, thoả thuận thống nhất về giá cả, kế hoạch thu mua cụ thể.
Hiện nay, một trong những khó khăn nông dân huyện Thống Nhất đang gặp phải đó là hầu hết các sản phẩm nông sản sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP có thể sản xuất ra số lượng lớn nhưng sức tiêu thụ lại chậm do chưa cạnh tranh được thị trường. Do tâm lý của đa số người tiêu dùng chọn những nông sản có mẫu mã đẹp, giá thành thấp nên các sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGrap không có chỗ đứng trên thị trường dẫn dến bà con nông dân chưa thực sự mặn mà theo hướng sản xuất này.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thống Nhất cho biết, thời gian qua Hội Nông dân huyện đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, mời họ đến đi khảo sát thực tế các mô hình sản xuất của hội viên, nông dân. Hội làm công tác cầu nối để bà con nông dân trực tiếp bàn bạc hợp tác, thống nhất liên lạc trao đổi với công ty. Công ty sẽ kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con, từ đó sản phẩm làm ra ổn định, đều, chất lượng đảm bảo an toàn về thực phẩm đáp ứng yêu cầu của công ty. Sau buổi làm việc của bà con nông dân với Công ty Xuân Điền, chúng tôi rất hy vọng sản phẩm nông nghiệp của bà con sẽ có đầu ra ổn định và sản xuất của bà con sẽ phát triển.
Có thể nói để sản phẩm nông nghiệp có đầu ra ổn định, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, bà con nông dân cũng cần mạnh dạn thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm để có thể liên kết được với các doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Thống nhất phối hợp với các đơn vị có sàn thương mại điện tử vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Đến nay đã có 16 sản phẩm nông nghiệp của huyện bán trên sàn thương mại của tỉnh (ecdn.vn), sàn Lazada, Tiki, Shopee.vn…
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi
- Nông dân Hiệp Hòa thay đổi tư duy khi tham gia sản xuất lúa “thân thiện với môi trường”