Tín dụng chính sách đồng hành cùng nông dân Thái Nguyên phát triển
Chủ động ứng dụng công nghệ thông tin
Ông Lê Văn Hồng – Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Thái Nguyên cho biết: Thời gian qua NHCSXH tỉnh Thái Nguyên và các phòng giao dịch ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tích cực chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số để hỗ trợ thuận lợi nhất về thông tin, nguồn vốn cho bà con nông dân nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo lịch cố định hàng tháng, nhân viên của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) sẽ trực tiếp đến các xã, thị trấn trên địa bàn mang theo máy tính, máy in để triển khai các hoạt động giao dịch như: Giải ngân, nộp lãi, gửi tiết kiệm, làm hồ sơ xin vay vốn… tất cả đều được triển khai nhanh chóng và thuận tiện. Mọi hoạt động đều được giám sát bằng camera đảm bảo về an toàn, an ninh, trật tự.
Theo ông Phạm Thế Vinh – Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Võ Nhai cho biết: Từ khi khai thác những tính năng của CNTT ứng dụng vào các hoạt động của đơn vị, tất cả chương trình, thủ tục, hồ sơ vay vốn khi người dân yêu cầu đều được nhân viên giải quyết gọn gàng, nhanh chóng. So với trước, việc áp dụng CNTT đã giúp tiết kiệm thời gian và công sức đáng kể cho người dân, đặc biệt với các xã nằm ở xa trung tâm, việc đi lại của bà con còn có nhiều khó khăn.
Đồng hành trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động ở các phòng giao dịch tín dụng chính sách, bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) cho hay: Từ ngày 01/3/2023, Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Sông Công đã triển khai dịch vụ Mobile Banking đến khách hàng dưới hình thức ứng dụng trên thiết bị di động, điện thoại di động. Đối tượng là khách hàng đang mở tài khoản thanh toán tại Phòng giao dịch NHCSXH thành phố Sông Công, thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, cán bộ tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác; Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn; khách hàng vay vốn nhà ở xã hội và các khách hàng khác có nhu cầu…
Ứng dụng bao gồm 2 nhóm dịch vụ: Nhóm dịch vụ tài chính và nhóm dịch vụ phi tài chính. Nhóm dịch vụ tài chính (với các hoạt động: Chuyển tiền nội bộ cùng tài khoản, khác chủ tài khoản, Chuyển tiền nhanh ngoài hệ thống: chuyển tiền nhanh 24/7 đến số tài khoản, đến số thẻ; Chuyển tiền thường đến số tài khoản tại Ngân hàng khác; Thanh toán: Thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, vé tàu, vé máy bay, học phí, phí bảo hiểm…Nạp tiền điện thoại, ví điện tử, mua thẻ data, thẻ điện thoại, nộp thuế… QR Pay: thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng VBSP SmartBanking.). Nhóm dịch vụ phi tài chính: Kiểm tra thông tin tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi, tiền vay; Tra cứu lịch sử giao dịch.
Đồng hành cùng chương trình xây dựng nông thôn mới
Những năm qua nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Thái Nguyên đều tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; trong đó chú trọng ưu tiên, tập trung vốn cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vốn vay đã giúp cho các hộ cải thiện cuộc sống, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững, an sinh xã hội… chương trình tín dụng đã góp phần giúp các địa phương hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Huyện Định Hoá (tỉnh Thái Nguyên) là địa phương đang phấn đấu để về đích xây dựng huyện nông thôn mới trong năm 2023, ông Nguyễn Văn Canh – Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Định Hoá cho hay: Những năm qua Phòng giao dịch đã thực hiện tốt công tác tham mưu với Huyện ủy, HĐND-UBND huyện Định Hoá trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững và góp phần xây dựng huyện nông thôn mới.
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Định Hóa đang đảm nhận 18 chương trình cho vay, chất lượng tín dụng được nâng cao hàng năm. Nguồn vốn tín dụng chính sách phần lớn được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chú trọng ưu tiên, tập trung vốn cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… Vốn vay đã giúp cho các hộ cải thiện cuộc sống, từ đó vươn lên thoát nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của huyện.
Cũng giống như ở huyện Định Hoá, huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) cũng đang dồn sức trong xây dựng nông thôn mới, bà Trần Thị Kim Hoà – Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Từ cho biết thêm: Hàng năm, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Từ đã tham mưu cho HĐND-UBND huyện Đại Từ trích từ nguồn ngân sách huyện, ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả. Đến nay đã đạt trên 11,3 tỷ đồng, nguồn vốn tín dụng chính sách được chủ yếu đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, nước sạch nông thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Vốn vay đã giúp cho các hộ cải thiện cuộc sống để vươn lên thoát nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên đại bàn huyện.
Có thể nói các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Thái Nguyên thời gian qua đã và đang là đòn bẩy quan trọng trong thúc đẩy quá trình xoá đói, giảm nghèo; cải thiện đời sống; nâng cao thu nhập cho người dân; đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương và hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.