Tiêu điểm

Tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với mọi người

(Tapchinongthonmoi.vn) - Tôi nhớ vào một ngày vào năm 1990, Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Bùi Duy Tân gọi tôi sang phòng để nhờ một việc. Cụ nói: “Em biết anh Nguyễn Phú Trọng chứ! Em ra mời anh ấy về dạy cho sinh viên khoa Văn chuyên đề Báo chí. Xưa nay khoa ta mời Nhà báo lão thành Quang Đạm dạy nhưng cụ vào Sài Gòn thăm thân chắc lâu mới ra. Anh Phú Trọng có viết quyển Nghiệp vụ viết báo tử tế và có nghề lắm. Cố gắng nhé”.
TIN LIÊN QUAN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chào hỏi bạn bè đồng môn trong buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 55 năm ngày ra trường của lớp Văn khóa VIII niên khóa 1963-1967 (Đại học Tổng hợp Hà Nội), tổ chức vào tháng 6 năm 2022. Ảnh Báo Nhân Dân

Tôi đi ra Tạp chí Cộng sản và xin gặp anh. Anh hào hứng nhận lời: “Ồ, được về phục vụ sinh viên khoa ta thì còn gì bằng. Nói với thầy Tân là học trò xin đáp ứng. Vinh dự quá!”.

Sau khi bàn lịch dạy, đến việc đi lại. Anh nói: “Coi như việc tớ về khoa dạy là chuyện cá nhân, tớ tìm cách đi, không sử dụng ô tô cơ quan”.

Tôi biết khi đó, anh đã là Phó Tổng Biên tập Tạp chí, hàm tương đương Thứ trưởng, có chế độ xe công. Tôi dè dặt: “Này, hay là em chở anh bằng xe đạp, em chỉ có xe đạp thôi!”. Anh bảo: “Thế thì tốt quá! Còn hơn thời sơ tán Thái Nguyên! Nhà mình cũng chỉ một con xe máy, bà ấy đi làm”.

Thế là theo lịch tôi ra chở anh vào Thượng Đình dạy. Đi xe đạp nhưng chân tôi ngắn, muốn anh ngồi trước thì phải ghé xe sát hè, chống chân đã. Anh bảo cứ lên xe đi, tớ chạy theo nhảy lên sau.

Trên đường vào trường, anh em tâm sự, biết hoàn cảnh tôi một vợ, một con, vợ đi làm, con gửi trẻ nên buổi trưa cơm nguội. Anh mời cứ 11 giờ, ra phố Nguyễn Thượng Hiền đợi anh rồi sang nhà anh ăn cơm. “Cán bộ giảng dạy, tớ lạ gì hoàn cảnh nữa”. Từ đó, vào ngày dạy, tôi lên tầng 3 tập thể nơi anh ở, ăn cơm chị Mận nấu. Rau muống, nước mắm và mươi lát thịt ba chỉ thái khéo, mong mỏng. Chị như một người chị ân cần, thường đẩy đĩa thịt gần về phía tôi và nói: “Thầy giáo xơi cơm!”.

Thế rồi sau đó, tôi nhận được tin nhắn nhận quà. Đạp xe ra nhà thơ Vũ Duy Thông, bạn khóa 8 Văn khoa Tổng hợp với anh Phú Trọng. Thấy một gói giấy báo, mở ra là chiếc áo vest cũ, xanh rêu. Anh nói là Phú Trọng gửi tặng vì thấy vừa người mày. Cũ nhưng mặc tốt. Tôi biết mặc vest từ đó. Khoác vào thấy nó đàng hoàng con người hơn hẳn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bạn bè đồng môn trong buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 55 năm ngày ra trường của lớp Văn khóa VIII niên khóa 1963-1967 (Đại học Tổng hợp Hà Nội), tổ chức vào tháng 6 năm 2022. Ảnh Báo Nhân Dân

Chuyện thứ hai là năm 2001, tôi nhận điện thoại của anh là đợi trước ngõ 160 Lương Thế Vinh, xe bạn đến đón, ta về Vạn Thọ, Thái Nguyên, thăm chỗ khoa ta sơ tán hồi chống Mỹ, em đi cho vui. Thế là vài chiếc ô tô lên đường. Xong việc thăm hỏi, chiều về, các chị đề xuất chơi thêm một đêm bên hồ vì lý do là họ đến tuổi hưu cả rồi, cơ hội không còn nhiều.

Đêm đó đốt đống lửa và tôi nghe được chuyện lạ. Mọi người chỉ sang sườn núi phía đối diện mờ ảo trong ánh trăng và kể:

- Chúng mình hồi ấy, nam sinh trèo núi, chặt nứa vào về làm lán học. Hay nghỉ chỗ cái cờn kia. Phú Trọng và Nguyễn Văn Thịnh như 2 ông giáo, gầy yếu hơn nhưng cũng vác 10 cây như anh em, đi mắc ngược mắc xuôi, đến nơi nghỉ muộn. Anh em nhằm vào mà trêu là những “giáo Thứ” với “thư sinh yểu điệu”. Lúc đó có một cụ dân Thái Bình, lên Vạn Thọ định cư trước những 1945 vào xin thuốc lào vì cụ đi rừng thuốc ướt bẹt.

Cụ nghe mọi người trêu cười liền đứng dậy chỉ vào Nguyễn Phú Trọng nói: -“Các anh đừng trêu. Đó mới là Vua, các anh chỉ là dân thôi”.

Rồi cụ quay sang anh Văn Giang, người Quảng Ngãi tập kết, nói giọng quê, to khỏe. Chúng tôi gọi là “Giăng Van Giăng” vì khi điểm danh, anh thưa “Giăng Giăng có mặt!”. Cụ nói:- “Còn anh này sẽ là anh hùng trận mạc…nhưng…”. Cụ ôm vai Văn Giang lắc lắc.

Đúng vậy, đến 1968, “Giăng Van Giăng” của chúng tôi đi chiến trường làm phóng viên và hy sinh. Còn bây giờ thì quá đúng, Phú Trọng là Bí thư Thành ủy, chúng mình giờ đây là dân Thủ đô cả.

Anh Trọng chỉ ngồi im, tủm tỉm cười và dựng lại những thanh củi lăn ra ngoài.

Là người ham viết báo thấy chuyện lạ, tôi về phới thành bài luôn, hy vọng kiếm vài đồng tiêu. Nhưng tính cẩn trọng, tôi xách bài hỏi liền mấy anh K8 với anh Phú Trọng. Lại anh Vũ Duy Thông khuyên: “Chuyện thật này thì lớp anh ai chả biết. Nhưng em đừng in. Em không sợ người người ta cho em là nịnh cấp trên à”. Anh Duy Thông lúc đó làm việc ở Ban Văn hóa Tư tưởng, phụ trách mảng và Báo chí xuất bản nên tôi theo lời anh khuyên, dù thấy tiêng tiếc một kỷ niệm lạ lùng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các thầy cô và bạn bè lớp Văn khóa VIII chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên Báo Nhân Dân.

Chuyện thứ ba gần đây là việc đón tro cốt Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn từ Nga, theo di nguyện của thầy là về quê Thanh Chương. Anh Phú Trọng biết và nhắn vào: “Cụ Cẩn là thầy cậu nhưng cũng là thầy tôi đấy. Cho lịch để tôi gửi lẵng hoa kính viếng”.

Ngày đón, tôi cũng quên nhắc. Một đoàn xe đi từ Hà Nội về theo đường mòn Hồ Chí Minh. Đến địa phận Nghĩa Đàn thì ban tổ chức gọi cho tôi là sao chưa thấy hoa của Tổng Bí thư. Trên xe, tôi gọi điện cho anh. Anh nói: “Xong em ạ! Xe đang từ Vinh lên”. Té ra anh nhớ hơn mình. Xe về đến vườn hoa Đô Lương nghỉ chút thì nghẹ điện thoại là hoa đã lên, chạy nhanh về.

Có người hỏi tôi thấy Tổng Bí thư là con người như thế nào trong ứng xử đời thường, Tôi chỉ nói ở phương diện cá nhân thôi. Đó là một bậc đàn anh hiền hậu, giàu lòng thương người, cảm thông với mọi người. Thứ hai là nghiêm túc và tận tụy với công việc, nhìn những bút tích còn để lại thời sinh viên được lưu trữ thì thấy nét chữ đúng là nết người. Thứ ba là người vững tin vào chính kiến của mình, rất nguyên tắc trong công việc nhưng đặt nguyên tắc đó trong sự phức tạp của tình thế vận động mà uyển chuyển. Thứ tư là hết lòng vì việc chung, lấy hiệu quả công việc làm chính mà riêng mình thì ẩn nhẫn, không tô vẽ, không “làm màu”. Thứ năm là sự kiên dũng trong tâm khảm, tư duy rốt ráo để vào cuộc với quyết tâm rất cao. Thứ sáu chắc chắn là, đó là một chính khách trong sạch theo tinh thần “khắc kỷ phục lễ”. Tổng Bí thư là người hành động 62 năm không ngơi nghỉ, trọng “tài” nhưng luôn đặt chữ “tâm”, chữ “tình” lên trước.

Cũng là chuyện riêng, khi là Bí thư Thành ủy Hà Nội, qua Giáo sư Phùng Hữu Phú, anh bảo tôi ra Thành ủy làm việc, tôi từ chối vì mình không đủ tầm và không sắc sảo, đủ rộng về tư duy để nhận việc. Tôi nói: “Các thầy ta giữ em lại trường là để nghiên cứu và giảng dạy. Em gần 50 tuổi rồi, chuyển việc ngại lắm”. Anh nói luôn qua điện thoại: “Thế anh bắt đền em. Em giới thiệu cho anh một người”. Và tôi đã giới thiệu thành công, đó là Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Yến.

Tôi nghĩ rằng, mỗi người một nghề. Chính trị cũng là một nghề. Làm chính khách là vô cùng gian nan vất vả, kể cả hiểm nguy. Mình khác nghề, nhận xét về nghề khác thường phải hết sức thận trọng và trân trọng.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác