Nhà nông cần biết

Trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng yếu thế cần phù hợp với thực tiễn của từng địa phương

Quang Tú - 18:56 18/10/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 18/10/2024, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Sơ kết đánh giá kết quả hoạt động năm 2024 và Tư vấn, hướng dẫn Sổ tay tài trợ phụ” của Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản.
TIN LIÊN QUAN
Ông Đào Quý Lộc – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên trách, Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc.

Chủ trì buổi Tọa đàm có ông Đào Quý Lộc – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên trách, Bộ Tư pháp; bà Vũ Thị Hường – Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Quản đốc Dự án. Tham dự buổi tọa đàm còn có lãnh đạo, cán bộ đại diện các cơ quan như Sở Tư Pháp, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Luật gia tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Nội. 

Tại buổi Tọa đàm, ông Đào Quý Lộc – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên trách cho biết: Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” được thực hiện trong 4 năm (từ 2022-2026) tập trung vào một tỉnh miền núi phía Bắc. Dự án có mục tiêu tổng thể là cải thiện việc cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý (TGPL) và thúc đầy trao quyền pháp lý cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ TGPL. Trong đó tập trung vào nâng cao nhận thức của người dân về TGPL và tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ TGPL của người dân; Nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ TGPL; Tăng cường sự tham gia TGPL của tổ chức xã hội phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

 Dự án có 4 hợp phần, cụ thể như sau:

 Hợp phần 1: Nâng cao khả năng tiếp cận TGPL của người dân ở cơ sở, đặc biệt là nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số và những người dễ bị tổn thương khác ở khu vực miền núi phía Bắc. Hợp phần này tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc hiện nay là người dân chưa sử dụng nhiều dịch vụ TGPL (mặc dù không phải trả phí).

Hợp phần 2: Tập trung vào việc nâng cao năng lực một cách toàn diện (bao gồm các kỹ năng thực hiện TGPL và kỹ năng mềm) của những người thực hiện TGPL và các công chức có liên quan như thẩm phán, công tố viên, điều tra viên,... trong thực hiện TGPL nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự phối hợp, liên kết, qua đó giúp cho các hoạt động TGPL được thực hiện hiệu quả, có chất lượng.

Hợp phần 3: Hướng tới việc thí điểm thực hiện một số hoạt động nhằm nâng cao chất lượng TGPL. Hợp phần này gồm các hoạt động huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội có đủ điều kiện trong thực hiện các hoạt động TGPL gắn với việc cải thiện đời sống của người được TGPL có tính bền vững và đề xuất việc thiết kế một hệ thống kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ TGPL.

Hợp phần 4: Quản lý dự án, hành chính, theo dõi và đánh giá, phổ biến thông tin.

Ông Đào Quý Lộc cũng cho hay: Buổi Tọa đàm nhằm nhận diện, đánh giá những hoạt động đã được triển khai theo Kế hoạch năm 2024. Đây là cơ hội để các đơn vị thực hiện dự án chia sẻ những kết quả đã đạt được, trao đổi những khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Dự án; kiến nghị, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ hoạt động trong quý IV năm 2024. Trên cơ sở đó, đề xuất xây dựng Kế hoạch hoạt động dự án năm 2025 phù hợp với nguồn lực hiện có, bảo đảm tiến độ, tính khả thi và chất lượng, hiệu quả.

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm.

Tại tọa đàm, Ban Quản lý dự án và các đơn vị thực hiện Dự án đã trao đổi về những thuận lợi cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và để xuất nhiều giải pháp, bày bỏ sự cam kết quyết tâm thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch hoạt động 2024 để góp phần  Dự án thành công và đem lại nhiều tác động tích cực cho xã hội.

Chia sẻ những kết quả trong quá trình thực hiện dự án, bà Lê Thị Diệu – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cho biết: Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức 1 cuộc Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý” và một số hoạt động như: Tập huấn kỹ năng khia thác dữ liệu điện tử trong quá trình thực hiện TGPL; Tập huấn kiến thức TGPL, kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ nòng cốt; Tập huấn về tiếp cập TGPL… Ngoài ra, từ ngày 8 – 11/10/2024, Trung tâm đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ cộng đồng tại các huyện Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mưởng Ảnh và Nậm Pồ với 200 đại biệu tham dự. Các buổi tập huấn đã thu hút sự quan tâm, cung cấp kiến thức cần thiết liên quan đến kiến thức pháp luật, góp phần nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền.

Trong thời gian tới, bà Lê Thị Diệu cũng kiến nghị, do Điện Biên có địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn, phương tiên công cộng đến cấp xã chưa có nên việc áp dụng chi theo mức chi của phương tiện công cộng rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, một số chế độ cho cán bộ, đại biểu tham dự cũng chưa phù hợp, đề nghị Ban quản lý dự án có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Bà Lê Thị Diệu – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến.

Cũng là địa bàn thực hiện thí điểm dự án giai đoạn đầu, bà Lương Thị Ngọc Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái chia sẻ: Từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái đã tổ chức 4 hội nghị tập huấn về TGPL ở cơ sở nhằm nâng cao năng lực cho khoảng 200 đối tượng cán bộ cộng đồng có vai trò quan trọng trong quản lý đời sống tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh; tổ chức 3 lớp tập huấn về tiếp cận TGPL cho khoảng 180 người dân trong đó có những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ.

“Từ năm 2022 – 2024, Trung tâm TGPL đã thực hiện TGPL được 1.745 vụ việc cho 1.142 người (trong đó tham gia tố tụng là 1.114 vụ việc, còn lại là tư vấn pháp luật và cung cấp thông tin, giải đáp vướng mắc pháp luật). Năng lực của tổ chức thự chiện TGPL, người thực hiện TGPL được nâng lên rõ rệt, góp phần khẳng định vai trò, ý nghĩa của công tác TGPL đối với đời sống xã hội, sự tin tưởng của những người được TGPL, góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật; góp phần quan trọng trong kết quả của công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương” – bà Phương thông tin.

Để đạt được hiệu quả tốt nhất trong quá trình thực hiện Dự án, bà Lương Thị Ngọc Phương cũng kiến nghị, Yên Bái đang trong thời gian khắc phục hậu quả thiên tai nên có một số hoạt động khó có thể hoàn thành vào cuối năm 2024, chính vì vậy, mong muốn Ban Quản lý kéo dài thời gian hoàn thành sang năm 2025.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm.

Cũng tại buổi Tọa đàm, Ban Quản lý dự án đã tư vấn, hướng dẫn về Sổ tay tài trợ phụ dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế”. Trong đó, tập trung hướng dẫn thực hiện một số hoạt động nhằm nâng cao chất lượng TGPL; huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội có đủ điều kiện trong thực hiện các hoạt động TGPL gắn với việc cải thiện đời sống của người được TGPL có tính bền vững. Như vậy, Sổ tay tài trợ phụ hướng dẫn triển khai thử nghiệm mô hình TGPL với sự liên kết, phối hợp giữa các Trung tâm TGPL với các tổ chức xã hội đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ TGPL và hoạt động tương tự TGPL kịp thời, có chất lượng cho người dân thuộc diện thụ hưởng TGPL, thông qua việc thí điểm thu hút đa dạng các tổ chức xã hội đủ điều kiện được lựa chọn để thực hiện TGPL hoặc các hoạt động tương tự TGPL; tích hợp việc cung cấp các dịch vụ TGPL trong một mạng lưới rộng lớn hơn, các dịch vụ bảo trợ xã hội cho các đối tượng được lựa chọn và thể hiện vai trò của  TGPL đối với việc cải thiện sinh kế cho người dân. Đây là một trong những hoạt động có tính mới đặc thù của Dự án này.

Cán bộ của Ban quản lý dự án đã hướng dẫn cách thức sử dụng Sổ tay tài trợ phụ và hướng dẫn việc chuẩn bị các hồ sơ đề xuất theo yêu cầu. Trong đó, tất cả các đề xuất phải đảm bảo mang lại lợi ích cho người dân và người cung cấp dịch vụ TGPL tại 2 tỉnh thụ hưởng dự án là Điện Biên và Yên Bái, trong đó có ít nhất một trong những nhóm người dễ bị tổn thương sau đây: (a) phụ nữ, (b) đồng bào dân tộc thiểu số (c) người nghèo (hoặc cận nghèo). Đề xuất cần làm rõ, bảo đảm những hoạt động đề xuất sẽ tiếp cận được các đối tượng thụ hưởng này.

Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Đào Quý Lộc khẳng định, trong quá trình thực hiện Dự án, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của các đại biểu Ban Quản lý sẽ xem xét và điều chỉnh cho phù hợp. Đối với việc xây dựng các đề xuất, đề nghị các đơn vị bám sát vào nội dung, yêu cẩu, mục tiêu của Dự án để xây dựng. Tất cả các đề xuất được xem xét dựa trên sự công bằng, minh bạch, đảm bảo đối tượng được thụ hưởng cao nhất là các hộ nghèo và đối tượng yếu thế.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác