Nông thôn mới

Huyện Trực Ninh đẩy mạnh số hoá trong giải quyết thủ tục hành chính

Nguyễn Phúc Đức - 10:45 23/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Năm 2023, UBND huyện Trực Ninh (Nam Định) cùng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương trong triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số; xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; chuyển đổi số điện tử dựa trên dữ liệu, hướng đến Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính

Từ đầu năm 2023, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đã được huyện Trực Ninh triển khai, thực hiện một cách hiệu quả, đầy đủ các nội dung, đảm bảo kế hoạch đề ra. Chủ động rà soát, niêm yết đầy đủ các thủ tục hành chính, niêm yết hệ thống bảng biểu theo quy định. Các TTHC đã được thực hiện đúng quy định, trình tự từ khâu hướng dẫn, tiếp nhận, chuyển hồ sơ đến trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân do đó các thủ tục hành chính đã được giải quyết, trả kết quả trước hoặc đúng thời hạn, không có hồ sơ quá hạn.

UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị; UBND cấp xã thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ. Các hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết thuộc các lĩnh vực được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện. 

Việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC giúp người dân địa phương nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Thực hiện cập nhật, công khai kịp thời các TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện, đến nay đã có 220 TTHC được niêm yết công khai tại Bộ phận một cửa và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử huyện. Huyện đã hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn công khai kịp thời các TTHC, tại các xã, thị trấn có 101 TTHC được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa và trên trang thông tin điện tử xã.

Trực Ninh đã đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử; số hóa hồ sơ đối với những hồ sơ tái sử dụng, số hóa kết quả giải quyết TTHC; đẩy mạnh việc thanh toán trực tuyến; hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, người dân nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công Quốc gia; nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch của cơ quan hành chính nhà nước.

Để thực hiện chuyển đổi số trong cải cách TTHC, UBND huyện đã cử cán bộ, công chức tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, Chính quyền số; về khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường mạng, giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần. Các nhân sự này cũng được cử tham gia tập huấn về xây dựng, triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh cho các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh, thành viên tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo. Cử cán bộ, công chức tham gia tập huấn về công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước khi được triệu tập. Tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, công chức và người lao động về chuyển đổi số để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nâng cao chất lượng phục vụ trong giải quyết TTHC được huyện Trực Ninh quan tâm, chú trọng.

Bà Nguyễn Thị Oanh (xã Trực Nội) chia sẻ: “Người dân chúng tôi khi thực hiện các TTHC luôn được cán bộ giải thích, hướng dẫn hết sức tận tình, giúp chúng tôi hoàn thiện hồ sơ nhanh gọn, tiện lợi. Thái độ phục vụ vì người dân của cán bộ từ huyện đến xã đều rất chu đáo, thân thiện, chia sẻ làm người dân đều hài lòng”. Tiếp xúc với người dân ở các xã trong huyện, phóng viên nhận thấy mọi người đều bày tỏ sự hài lòng trước cung cách hướng dẫn, phục vụ của cán bộ từ cơ sở đến cấp huyện trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người dân thực hiện và hoàn thành các TTHC. Năm 2023 có một phóng sự được phát trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Nam Định đánh giá tốt về sự phục vụ của UBND huyện Trực Ninh trong việc hỗ trợ người dân chuyển đổi số.

Triển khai xây dựng đài truyền thanh thông minh 

Theo ông Hà Quang Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Trực Ninh, ngay từ  đầu năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn bổ sung kinh phí đầu tư, nâng cấp hạ tầng mạng, hạ tầng kết nối, hạ tầng an toàn thông tin tại cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho việc chuyển đổi số triển khai xây dựng Chính quyền điện tử, chính quyền số.

Huyện Trực Ninh cũng đã nâng cấp hệ thống mạng LAN (nội bộ), mạng internet đảm bảo tốc độ cao ổn định, hệ thống mạng không dây (wifi) tại các cơ quan cấp huyện, UBND xã, thị trấn; rà soát nâng cấp các máy tính cũ, bổ sung các máy tính mới cho cán bộ, công chức đảm bảo. Đến nay 100% cán bộ công chức trong cơ quan, đợn vị, các xã, thị trấn được trang bị máy tính có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng tốc độ đường TSL chuyên dùng bảo đảm tốc độ từ 92 Mbps đến 100Mbps và được bảo mật theo tiêu chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định.

Cũng theo ông Vinh, hiện toàn huyện đã sử dụng có hiệu quả dữ liệu dùng chung để phục vụ cung cấp dịch vụ công, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. 100% văn bản trao đổi giữa UBND huyện với các cơ quan hành chính trong tỉnh và UBND các xã, thị trấn trong huyện được xử lý dưới dạng điện tử. Duy trì 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện được cung cấp dưới hình thực dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần. Duy trì trên 90% hồ sơ công việc của huyện được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Đảm bảo thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh

Cổng thông tin điện tử của huyện đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. 100 % dịch vụ công trực tuyến của huyện được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia ngay sau khi có quyết định công bố. 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh sử dụng mã định danh điện tử. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của huyện đạt 100%. Đảm bảo 100% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết TTHC.

Các dịch vụ công nghệ thông tin của huyện có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; thông tin của người dân, doanh nghiệp được số hóa và lưu trữ tại CSDL của tỉnh, không phải cung cấp lại.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Trực Ninh luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân giải quyết TTHC.

Cùng với đó, UBND huyện đã cử công chức tham gia Tổ giúp việc, tổ nòng cốt chuyển đổi số của tỉnh. Qua đó, tìm hiểu, nắm bắt, chia sẻ các sáng kiến, cách làm hay về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Nam Định tới cán bộ, công chức, viên chức của huyện. Kịp thời cập nhật các văn bản chỉ đạo, triển khai về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của huyện, chia sẻ thông qua các cuộc họp giao ban, sinh hoạt chi bộ, trên nhóm Zalo chung của huyện.

Đến nay huyện đã hỗ trợ đầu tư cho mỗi xã, thị trấn thiết bị phát trung tâm và 1 cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Việc triển khai xây dựng đài truyền thanh thông minh tại các xã, thị trấn đã phát huy hiệu quả trong việc truyền tải tin tức, thông tin tuyên truyền đến người dân, góp phần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở.

Hệ thống truyền hình trực tuyến được lắp đặt tại các phòng họp của Huyện ủy, UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đạt 100%; đảm bảo liên thông 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh, xã, thị trấn. Máy tính kết nối mạng chuyên dùng của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp cấp huyện trang bị 111 máy tính, cấp xã có 393 máy tính được kết nối mạng chuyên dùng phục vụ cán bộ, công chức, viên chức trao đổi công đáp ứng nhu cầu về kết nối, xử lý dữ liệu trên môi trường mạng. Hệ thống truyền hình trực tuyến được trang bị đầy đủ cấp huyện, 21/21 xã, thị trấn. Tính chung, cấp huyện đã tổ chức 22 hội nghị trực tuyến kết nối 21/21 điểm cầu xã, thị trấn.

Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chỉ số cải cách hành chính, tuyên truyền chuyển đổi số năm 2023 trên địa bàn huyện với các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số cũng như thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số. Phòng cũng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các xã Trực Nội, Trực Tuấn, Trực Khang, Trực Đại, Trực Chính, Trực Đạo để tổ chức hội nghị tập huấn, truyền thông phổ biến kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số và năng lực tiếp cận thông tin cho người dân năm 2023.

Năm 2023 xã Trực Tuấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong lĩnh vực Chuyển đổi số của tỉnh Nam Định.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác