Trúc sào - Cây thoát nghèo, giúp sức xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng
Trồng trúc sào cho giá trị kinh tế cao và còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái
Trên đường đi đến các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), không khó để nhận thấy cây trúc sào, bởi những năm qua người dân nơi đây đã trồng bạt ngàn những vườn trúc sào trùng trùng điệp điệp nối tiếp nhau từ ngay ven đường quốc lộ đến những thung lũng.
Cây trúc sào là cây gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi của tỉnh Cao Bằng từ bao đời nay; Trúc sào không chỉ cho bà con giá trị về kinh tế mà còn góp phần chống sói mòn, sạt lở đất mỗi khi mùa mưa lũ xảy ra trên địa bàn.
Ông Đàm Văn Cận – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) cho biết: Để phát triển cây trúc sào những năm qua trên địa bàn huyện Nguyên Bình đã có nhiều chương trình, chính sách: Chương trình 327 (giai đoạn 1994 - 2000), Chương trình 5 triệu héc ta rừng (2000 - 2010), chương trình PAM, dự án trồng trúc sào của tỉnh Cao Bằng… bà con nông dân huyện Nguyên Bình đã được hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc trúc sào.
Ông Đặng Văn Chàn ở xã Yên Lạc (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) cho biết: Với sự hỗ trợ của nhà nước về giống, kỹ thuật gia đình đã trồng được 3ha cây trúc sào, cây bắt đầu cho khai thác từ năm thứ 7. Hiện nay từ việc bán cây trúc sào mỗi năm gia đình cùng thu về hơn 100 triệu đồng.
Khác với những cây trồng lâm nghiệp khác trồng 1 lần khai thác 1 lần là lại phải trồng mới. Cây trúc sào trồng 1 lần sau đó chỉ cần chăm sóc khai thác trong vài chục năm, cứ chặt cây đem bán là có tiền.
Ngoài giá trị kinh tế, trúc sào còn bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, giữ đất, giữ nước, bảo tồn và phát triển sự đa dạng các nguồn gen cây trồng bản địa.
Huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) hiện có gần 2.300 ha trúc sào, trong đó hơn 1.800 ha cho thu hoạch. Có 16/17 xã, thị trấn trồng trúc, tập trung nhiều ở các xã Ca Thành, Thành Công, Minh Tâm, Thể Dục, Triệu Nguyên… Năm 2021 từ tiền bán trúc sào nông dân huyện Nguyên Bình thu hơn 30 tỷ đồng.
Cây thoát nghèo, giúp sức xây dựng nông thôn mới
Gia đình anh Triệu Kim Cường ở Xã Huy Giáp (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) cũng có cuộc sống khấm khá từ cây trúc sào, anh Cường cho biết: Cây trúc sào đúng là cây trồng của người nghèo chúng tôi, khác với cây trồng khác là phải chăm sóc, bón phân định kỳ; trúc sào rất dễ trồng, khi cây đã sống thì không mất nhiều thời gian chăm sóc, chỉ cần không để trâu bò vào phá là được. Gia đình tôi hiện đang trồng khoảng 4 ha, 1/2 trong số đã cho thu hoạch ổn định, từ tháng 10 năm ngoái đến nay gia đình đã bán được được 60 triệu tiền trúc sào.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc cho hay: Để phát triển cây trúc sào, huyện Bảo Lạc đã tuyên truyền vận động bà con nông dân tận dụng đất bỏ hoang, đất sản xuất kém hiệu quả để trồng cây trúc sào. Ngoài ra hàng năm huyện Bảo Lạc còn lồng ghép các nguồn vồn như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, chương trình 135… để hỗ trợ bà con nông dân mua giống trúc sào về để trồng.
Cùng với đó các đơn vị chuyên môn của huyện Bảo Lạc như Phòng Nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các xã… cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân trên địa bàn về trồng cây trúc sào.
Với những chủ trương tỉnh Cao Bằng, huyện Bảo Lạc đến này toàn xã Huy Giáp đã trồng được khoảng 1.100ha diện tích cây trúc sào. Từ việc bán trúc sào, mỗi năm xã Huy Giáp có nguồn thu ổn định gần 6-8 tỷ đồng. Nhờ giá trị kinh tế ổn định từ cây trúc sào mang lại mà đời sống bà con nông dân bà con nông dân trong xã có nhiều đổi thay và góp phần đưa Huy Giáp trở thành xã đầu tiên của huyện Bảo Lạc về đích nông thôn mới.
Đến nay, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) có hơn 1.900ha trồng trúc sào, trong đó 1.800ha đang cho thu hoạch. Mỗi năm, Bảo Lạc trồng mới được 20 - 30ha. Diện tích trúc sào tập trung chủ yếu ở các xã Huy Giáp, Sơn Lộ, Hưng Đạo, Đình Phùng... cây trúc đem lại thu nhập trung bình hơn 20 tỷ/năm.
“Đại sứ” của du lịch Cao Bằng
Từ những cây trúc sào thân thuộc đến nay đã có những cơ sở sản xuất kinh doanh, Hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã nghiên cứu, tìm tỏi và phát triển các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: Làm chiếu, đóng bàn ghế, túi sách, ống hút…
Chị Trần Thị Mai (du khách từ Hà Nội) cho biết: "Tôi rất ấn tượng về các sản phẩm từ cây trúc sào ở Cao Bằng, trước chỉ nghĩ là có chiếu trúc nhưng khi lên Cao Bằng du lịch mới thấy được sự sáng tạo từ cây trúc; những vật dụng trang trí trong nhà, những chiếc đèn… hay đến những túi sách đựng đồ rất là độc đáo; Đây đúng là những sản phẩm thân thiện với môi trường".
Từ năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cây trúc sào và chiếu trúc sào tỉnh Cao Bằng, qua đó đã góp phần nâng cao giá trị của cây trúc sào.
Nguyên liệu trúc sào đạt tiêu chuẩn, có nhiều sản phẩm chiếu, bàn ghế và một số đồ gia dụng khác được hoàn thiện và tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí còn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chiếu trúc có đặc điểm mát, thơm, bền màu, không bị thâm, không bị mọt, dùng càng lâu càng bóng và tuyệt đối an toàn.
Trong trang thái bình thường mới, du khách trong và ngoài nước đang bắt đầu trở lại du lịch ở Cao Bằng, việc phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ trúc sào không chỉ góp phần tạo điểm nhấn cho ngành du lịch và còn góp phần nâng cao đời sống người dân trồng trúc sào nơi đây.
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân