Phong trào nông dân

Vĩnh Phúc:

Nông dân An Lão áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi được lợi kép bò khoẻ, môi trường lại trong lành

Kiều Anh - 06:55 13/12/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng ngày 12/12, tại UBND xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Trung tâm Môi trường (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức nghiệm thu và tổng kết mô hình nông dân ứng dụng công nghệ sinh học, xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại buổi nghiệm thu và tổng kết mô hình nông dân ứng dụng công nghệ sinh học, xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.

Tới dự và chỉ đạo có ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN).

Tham dự có ông Phạm Văn Thiện- Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn (Trung ương Hội NDVN); bà Bùi Thị Hương Giang, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc; ông Nguyễn Văn Lâm- Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Thịnh; ông Nguyễn Trung Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thịnh; đại diện lãnh đạo Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường; 21 hội viên nông dân tham gia mô hình của thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu và tổng kết mô hình nông dân ứng dụng công nghệ sinh học, xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường nông thôn tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc

Phát biểu về tình hình phát triển kinh tế xã hội của xã Vĩnh Thịnh, ông Nguyễn Trung Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thịnh cho hay, trong những năm gần đây trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh xuất hiện nhiều gia đình đầu tư vào mô hình chăn nuôi bò trong khu dân cư cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả từ chăn nuôi đem lại thì cũng có một số khó khăn tồn tại đó là xử lý chất thải từ chăn nuôi đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Đầu tháng 7 năm 2024, xã Vĩnh Thịnh được Trung tâm Môi trường nông thôn -Trung ương Hội NDVN phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Nông dân huyện Vĩnh Tường chọn 21 hội viên nông dân thôn An Lão (xã Vĩnh Thịnh) làm điểm thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn; chương trình được thực hiện triển khai tập huấn, hướng dẫn cách thực hành và hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi vào tháng 10 năm nay. Sau 2 tháng triển khai 21 hộ nông dân cùng có mô hình nuôi bò hậu bị để lấy bò sữa và nuôi bò lấy thịt rất phấn khởi nhận thấy ứng dụng công nghệ sinh học xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi và kỹ thuật làm đệm lót sinh học đã giảm được công việc nặng nhọc do phải thường xuyên vệ sinh chuồng nuôi; chăn nuôi bò theo mô hình ứng dụng đệm lót sinh học tiết kiệm được nước, thuốc thú y cũng như nguồn nhân lực. Bởi người chăn nuôi gần như không phải sử dụng đến thuốc thú y, không cần dùng nước để rửa chuồng (nước chỉ dùng để phun tạo độ ẩm nền chuồng giúp chuồng nuôi không còn mùi hôi). Nhờ môi trường chăn nuôi sạch sẽ, an toàn từ đó tạo điều kiện cho các nhà doanh nghiệp đến thu mua. Cách chăn nuôi theo phương pháp công nghệ tiên tiến đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho bà con nông dân, vì vậy cần nhân rộng mô hình sang những địa điểm tiếp theo trong xã.

Trước đó, đoàn đã được Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thịnh dẫn đi tham quan một số hộ thực hiện tốt mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

21 hộ nông dân thôn An Lão, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc được chọn tham gia mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường nông thôn

Ông Đoàn Văn Đàm - hội viên nông dân tham gia mô hình chia sẻ: Gia đình chăn nuôi bò theo hướng gia trại trong khu dân cư từ năm 2007 đến giờ và gặp nhiều khó khăn về xử lý chất thải trong chăn nuôi. Từ khi được học mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi thấy có nhiều cái thuận lợi đó là tiết kiệm được nước như trước đây chăn nuôi bò theo phương pháp truyền thống phải bơm nước rửa chuồng 1 ngày từ  4-5 lần vào mùa Hè nhưng từ khi sử dụng đệm lót sinh học này thì ít phải dùng nước và bò lại ít bị bệnh như bệnh thối móng; chi phí chăn nuôi giảm; nguồn chất thải chăn nuôi lại có thể mang ra thị trường bán cũng được giá, môi trường lại trong lành.

“Sau 2 tháng ứng dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi tôi thấy rất hiệu quả và mong Trung ương Hội NDVN và Hội Nông dân các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư để mô hình ứng dụng này được lan toả khắp các thôn trong xã, để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi tại vùng nông thôn”, ông Đàm bày bỏ

Với bà Nguyễn Thị Huệ, Chi hội trưởng chi hội nông dân thôn An Lão bày tỏ vui mừng khi chi hội thôn An Lão được chọn xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi bảo vệ môi trường nông thôn. Theo bà Huệ đây là mô hình hết sức có ý nghĩa, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi ở xã Vĩnh Thịnh đang là bài toán khó. Từ khi bắt đầu tham gia mô hình này, bản thân bà cùng với các hộ nông dân trong thôn cũng rất băn khoăn lo lắng nhưng khi được tập huấn, triển khai cụ thể từng bước thấy rất dễ và thấy hiệu quả rõ rệt.

Nhân dịp này, Hội Nông dãn xã Vĩnh Thịnh đã thành lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường xã Vĩnh Thịnh, gồm 21 thành viên là 21 hội viên nông dân tham gia mô hình dự án vừa qua.

 Phát biểu chỉ đạo tại buổi nghiệm thu và tổng kết mô hình nông dân ứng dụng công nghệ sinh học, xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Hội NDVN đánh giá cao hiệu quả ứng dụng mô hình này vào chăn nuôi của 21 hộ nông dân đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua triển khai mô hình bà con đã được nâng cao kiến thức về ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý chất thải trong chăn nuôi, về phát triển chăm sóc vật nuôi hiệu quả gắn với công tác chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ môi trường trong lành vùng nông thôn.

Tuy nhiên để mô hình được lan toả Phó Chủ tịch Hội NDVN đã yêu cầu các cấp Hội Nông dân  Vĩnh Phúc, hội viên nông dân thôn An Lão cần chú ý mấy vấn đề như: Từ thực tiễn triển khai  cần rút ra bài học kinh nghiệm để mô hình phát triển bền vững trong thời gian tới. Bên cạnh đó, bà con cần biết kết nối chuỗi giá trị sản xuất thì việc sản xuất chăn nuôi bò mới phát triển bền vững. Đồng thời bà con nên nghiên cứu tìm giải pháp để đưa mô hình chăn nuôi ra xa khu ở để đảm bảo sức khoẻ của gia đình.

Phó Chủ tịch đã chỉ ra Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Trung ương Hội NDVN đề cập đến xây dựng chi tổ hội nghề nghiệp, thực hiện theo “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất kinh doanh, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ, cùng trách nhiệm và  cùng hưởng lợi) trên cơ sở đó các đồng chí lãnh đạo Hội ND xã Vĩnh Thịnh, các hộ chăn nuôi bò của thôn An Lão nên quan tâm hướng đến xoá bỏ sản xuất manh mún nhỏ lẻ tự phát tiến đến chăn nuôi tập trung, theo quy hoạch và thông qua câu lạc bộ vừa thành lập phát huy "5 cùng" để đưa câu lạc bộ hoạt động hiệu quả.

“Trên cơ sở câu lạc bộ này tiến đến thành lập tổ hợp tác hoặc là hợp tác xã sản xuất chăn nuôi bò, có như vậy thôn An Lão nói riêng và xã Vĩnh Thịnh nói chung sẽ có mô hình chăn nuôi theo quy mô lớn và tập trung. Hội Nông dân xã cần bám vào Quyết định 182 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” để tham mưu, đề xuất, kiến nghị với chính quyền cơ sở cho thành lập khu chăn nuôi theo quy mô lớn tập trung.

Đối với Trung tâm Môi trường tiếp tục phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện, Hội Nông dân xã tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để phát huy hiệu quả mô hình, lan toả mô hình này”, Phó Chủ tịch Đinh Khắc Đính nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác