Trung Thu Tuyên Quang: Lễ hội độc đáo rằm tháng 8
Người dân Thành Tuyên không thực sự để ý về thời điểm những chiếc đèn khổng lồ đầu tiên xuất hiện, có người nói từ 2004, có người nói từ 2006. Lúc đầu chỉ có 1 vài tổ dân phố làm mô hình to và kéo quanh khu phố, trẻ em đi theo chung quanh. Sau đó, thấy bà con phấn khởi, các cháu thiếu nhi thích thú, năm sau một số tổ lại tiếp tục làm các mô hình như thế.
Để giúp người dân chuẩn bị bài bản cho những đêm rước đèn, thì ngay từ cuối tháng 3 đầu tháng 4, các tổ dân phố đã mở đăng ký ý tưởng thiết kế các mô hình. Từ đó, các phường sẽ tập hợp và thông báo lại để người dân biết mô hình của tổ dân phố mình có bị trùng lặp hay không và tự họ sẽ thay đổi.
Một điều đặc biệt dễ dàng nhận thấy, đó là tính chất văn hóa dân gian đậm đặc trong các ý tưởng thiết kế mô hình đèn. Bởi đây hoàn toàn là trí tuệ tinh thần của nhân dân, không hề có sự can thiệp hay tham gia của cơ quan nhà nước hay tổ chức chuyên nghiệp nào.
Sự hấp dẫn ở đây vì thế lại đến từ những sản phẩm hoàn toàn thủ công, vô cùng phong phú đa dạng và không có cái nào giống cái nào. Kể cả có những mô hình như: Con cá, con mèo, con hổ, con ngựa, con chuột… thì mỗi tổ dân phố lại tạo hình rất khác nhau với những chi tiết độc đáo, ngộ nghĩnh.
Bên cạnh những chiếc đèn trung thu khổng lồ hình ông sao, chú Cuội quen thuộc, có thêm nhiều mô hình mới độc đáo, gắn liền tuổi thơ như Doraemon, chuột Mickey… Mỗi mô hình đều thể hiện tình yêu của các bậc cha mẹ dành cho các em nhỏ hết sức tinh tế.
Tầm tháng 6 âm lịch, các tổ dân phố bắt tay thực hiện làm các đèn lông và đó cũng là thời gian “vui như hội” của các bậc phụ huynh. Sau giờ làm việc, cơm nước, họ lại tập trung tại một địa điểm, cùng nhau mỗi người một việc. Các em nhỏ thì háo hức từng ngày đợi chiếc đèn khổng lồ của mình thành hình. Và khi mô hình bắt đầu có dáng dấp gần hoàn thiện, cứ tầm 7 - 8 giờ tối các bạn nhỏ lại háo hức được dong dong ra phố để “cho bằng bạn bằng bè”. Thế là, tối tối, dù chưa đến Trung Thu, bà con trong tổ dân phố lại phân công nhau lần lượt đẩy xe đưa các cháu đi chơi, từ đó tạo nên một không khí vô cùng đặc biệt.
Sự thành công của các mô hình đèn lồng, nói rộng ra là Lễ hội Thành Tuyên là do sự đồng thuận của nhân dân, chứ 1 vài người, 1 vài ông tổ trưởng dân phố không thể làm được… Chi phí làm đèn từ 70-150 triệu đồng và hoàn toàn do người dân đóng góp, nhưng mọi người đều tình nguyện, vui vẻ ủng hộ.
Giờ đây phong trào làm đèn Trung Thu ở thành phố Tuyên Quang đã trở thành nét văn hóa riêng, được nhân dân trên địa bàn đồng thuận hưởng ứng, sáng tạo và nuôi dưỡng. Toàn thể bà con người góp công, người góp của, cùng chung sức để tổ dân phố nào cũng có một tác phẩm hoàn hảo nhất có thể phục vụ các em nhỏ.
Một số những hình ảnh đèn đặc sắc