TS. Nguyễn Quý Khiêm, “Nhà Khoa học của Nhà nông”:
Nối tiếp những đề tài thành công để phục vụ nông dân
Lời hứa của một Nhà khoa học
Trong Chương trình tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ Hai được tổ chức năm 2019, Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương là 1 trong 62 “Nhà Khoa họ
c của Nhà nông” được tôn vinh. Phát biểu sau khi được vinh danh, Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) đã khẳng định: “Với trách nhiệm của người làm công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, thời gian tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi, kết hợp nguồn gen của các địa phương với nguồn gen của Trung tâm có được, tạo ra các giống có ưu thế cao và tạo ra năng suất chất lượng cao, giá thành hạ, để nâng cao hiệu quả kinh tế hơn cho bà con nông dân”. Và với danh dự của một Nhà khoa học, Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm đã giữ đúng lời hứa của mình trước công chúng, khi năm 2022, ông vinh dự nhận được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với công trình, cụm công trình đặc biệt xuất sắc về khoa học và công nghệ.
Cụm công trình “Chọn tạo và phát triển các giống gà lông màu hướng thịt và hướng trứng giai đoạn 2006 - 2020” là cụm công trình khoa học tập hợp kết quả nghiên cứu của 19 đề tài và dự án khoa học cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành và tỉnh, thành phố về giống gà lông màu: Bao gồm hơn 20 giống gà bản địa và nhập nội ở nước ta một cách có hệ thống, bài bản trong suốt thời gian hơn 15 năm qua. Công trình có mục đích cụ thể, rõ ràng là chọn tạo và phát triển được các dòng gà lông màu hướng thịt, hướng trứng có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhiều vùng sinh thái và thị hiếu người tiêu dùng tại Việt Nam.
Nội dung nghiên cứu của công trình rất đồ sộ, công phu, bài bản có hệ thống: Chọn tạo giống gà hướng thịt và hướng trứng năng suất, chất lượng cao từ nguồn gen các giống gà nhập nội và gà bản địa; chọn lọc và nâng cao năng suất các giống gà lông màu hướng thịt và hướng trứng; thử nghiệm các tổ hợp lai có ưu thế lai cao đáp ứng yêu cầu của sản xuất; hoàn thiện quy trình chăn nuôi phù hợp với từng giống gà; phát triển và chuyển giao công nghệ chăn nuôi các giống gà chọn tạo được…
Qua quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của Viện Chăn nuôi đã làm chủ được công nghệ chọn lọc tạo dòng giống gà như: Vận dụng các nguyên lý di truyền giống cơ bản và hiện đại để dự báo các tính trạng năng suất trong công tác lai tạo giống để lựa chọn các nguồn nguyên liệu lai phù hợp với việc tạo ra các dòng mới; xây dựng chương trình nhân giống, chọn lọc định hướng tính trạng năng suất theo mục tiêu của từng dòng; kiểm soát đánh giá tiến bộ di truyền hàng năm cũng như đánh giá mức độ ổn định di truyền của các tính trạng qua mỗi thế hệ; đồng thời, cụm công trình đã xây dựng được các quy trình chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng và thú y phòng bệnh cho mỗi dòng, giống và con lai thương phẩm.
TS Nguyễn Quý Khiêm nhận được nhiều giải thưởng của Đảng và Nhà nước.
Nhiều ấp ủ làm giàu cho nông dân
Cũng trong năm 2022, Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm lại tiếp tục nhận được một vinh dự đặc biệt: Giải thưởng Hồ Chí Minh, một trong những giải thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước giành cho đồng tác giả cụm công trình “Phát triển chăn nuôi thủy cầm ở Việt Nam”.
Đây là tập hợp các công trình nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về chăn nuôi thủy cầm gần 40 năm của các nhà khoa học hàng đầu. Trong đó, có 1 nhiệm vụ quốc tế, 7 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 22 nhiệm vụ cấp bộ, tỉnh và nhiều nhiệm vụ cấp cơ sở. Kết quả các nhiệm vụ khoa học công nghệ được triển khai và áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Qua đó làm thay đổi cơ bản số lượng, năng suất, chất lượng đàn giống, quy mô sản xuất, phương thức canh tác, tạo sản phẩm mang tính cạnh tranh cao phù hợp với mọi vùng sinh thái, đem lại hiệu quả cao cho sản xuất.
Công trình được công nhận Tiến bộ kỹ thuật 46 sản phẩm khoa học với 97 dòng. Giống vịt và ngan mới được chọn tạo, trong đó có giống vịt đẻ trứng năng suất cao nhất thế giới như vịt siêu trứng TC, dòng vịt biển 15- Đại Xuyên là giống vật nuôi duy nhất nuôi được ở môi trường nước biển (ra đến Trương Sa và nhiều đảo khác, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh). Các chỉ tiêu như khối lượng xuất chuồng cao gấp 1,5 - 2 lần, năng suất trứng cao gấp 1,5 lần, tiêu tốn thức ăn giảm khoảng 20 - 30% so với những năm 90 trở về trước.
Sản phẩm được phát triển ở 63 tỉnh thành và hải đảo, tạo thành vựa vịt ở ĐBSCL, làm thay đổi cơ bản hành vi của người chăn nuôi vịt là nuôi vịt trên khô không cần nước bơi lội. Phải nói rằng từ biển cả đến rừng xanh đâu đâu cũng có vịt ngan là sản phẩm của Cụm công trình. Nhờ đó, đưa và duy trì Việt Nam ở vị trí thứ 2 thế giới về chăn nuôi thủy cầm, tổng đàn đã cán mốc trên 100 triệu con, bằng 170% so với Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020.
Trong căn phòng làm việc giản dị như con người Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm, thứ nhiều nhất là sách khoa học tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Việt… Hàng ngày, ông vẫn miệt mài nghiên cứu những công trình nghiên cứu khoa học, phục vụ cho nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Ông cùng các đồng nghiệp nghiên cứu khoa học trên mọi ngành nghề đang âm thầm giành trọn cả cuộc đời, đứng phía sau mọi hào quang, vinh quang để cuộc sống người nông dân ngày càng phát triển, tốt đẹp hơn.
Ở một góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Quý Khiêm cùng các nhà khoa học với những công trình nghiên cứu của mình đã góp phần làm rõ cơ sở lý luận, tổng kết thực tiễn; chỉ ra các luận cứ khoa học, góp phần tham mưu giúp Đảng, Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các chương trình hành động, kế hoạch, đề án, dự án....; đồng thời hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, công tác cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao.