Thị trường chứng khoán hồi phục nhờ động thái chấn chỉnh của chính quyền
Những dấu hiệu hồi phục tích cực trong tuần
Thị trường có phần khởi sắc khi đà tăng từ tuần trước được nối tiếp trong tuần này, tuy nhịp phục hồi vẫn khá gập ghềnh với việc xen kẽ các phiên tăng tốt là những nhịp nhúng rũ trong phiên nhưng tâm lý nhà đầu tư cũng đã được giải tỏa khá nhiều. Đến phiên bùng nổ theo đà (FTD) ngày 25/05, lực mua cho dấu hiệu chính thức trở lại thông qua khối lượng giao dịch tăng cao, nhiều cổ phiếu trải đều ở hầu hết các nhóm ngành ghi nhận mức tăng ấn tượng, sau phiên này thì vùng đáy 1150 của VN Index chính thức được xác nhận.
Tới cuối tuần này dòng tiền vẫn đang cho tín hiệu khả quan khi hấp thụ tốt lượng hàng bắt đáy về chốt lời và hoạt động cơ cấu danh mục của các nhóm nhà đầu tư. Động lực phục hồi trong sóng vừa rồi đến từ nhóm cổ phiếu VN-Diamond, nhóm này đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ ETF khi các mã cổ phiếu FPT, PNJ, REE, MWG được mua khá mạnh, trong đó có nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh như REE hay PNJ. Tính từ đầu năm, các quỹ ETF mô phỏng quỹ Diamond đã hút ròng 3.600 tỷ và là nhóm được các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm.
Trao đổi với PV Tạp chí Nông Thôn Mới trong tuần này, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Công ty CP chứng khoán KIS Việt Nam nhận định: “Với chỉ số VNIndex thì các nhóm cổ phiếu trụ cột xoay vòng nâng đỡ thị trường bứt phá trong tuần qua. Nổi bật là các cổ phiếu trong chỉ số VN Diamond Index khi các cổ phiếu này có sự tăng trưởng khá tốt qua đó nâng đỡ thị trường trong những phiên cuối tuần. Với chỉ số VN30-Index, nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm bán lẻ là những nhóm cổ phiếu trụ nâng đỡ”.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Tân – Phó Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Asean chia sẻ thêm: “ Ngoài các cổ phiếu thuộc rổ VN-Diamond thì các nhóm cổ phiếu tôi đánh giá tích cực trong tuần rồi cũng có sự tăng giá rất tốt như năng lượng, logistic, thủy sản, hóa chất, chứng khoán, ngân hàng … Trong đó, nhóm năng lượng với các cổ phiếu thủy điện, nhiệt điện khí chỉ mới ở chu kỳ đầu của sự phục hồi khi sản lượng huy động và giá điện trên thị trường cạnh tranh đều tăng cao”.
Có thề thấy, ở nhịp phục hồi này của thị trường thì nhóm VN30 và cổ phiếu vốn hóa lớn đang đóng vai trò dẫn dắt. Sau những hành động cứng rắn từ phía Nhà nước nhằm mục đích thanh lọc TTCK, các cổ phiếu của doanh nghiệp yếu, cổ phiếu mang tính chất đầu cơ ít còn thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, thay vào đó dòng tiền ưa chuộng cổ phiếu cơ bản ở khá đa dạng lĩnh vực, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất. Cổ phiếu đại diện các ngành có kết quả kinh doanh tốt, dự báo hưởng lợi trong năm nay như công nghệ, hóa chất, năng lượng, thủy sản, bán lẻ… đều được chú ý và có mức phục hồi tốt so với thị trường chung.
Các nhóm ngành đang tăng trưởng trở lại
Theo nhận định của phòng phân tích Công ty CP chứng khoán Funan thì với diễn biến các ngành trong tuần, hầu hết đều có mô hình vận động khá tương đồng với chỉ số: cổ phiếu hình thành đáy, kiểm định đáy và bước vào nhịp phục hồi sau phiên giá tăng bùng nổ. Những ngành đã có mức chiết khấu lớn nhất trong giai đoạn giảm giá trước đó cũng đồng thời là ngành có sức bật tốt nhất kể từ đáy (chứng khoán, xây dựng-bất động sản).
Bên cạnh đó, nhóm ngành thủy sản, hóa chất, logistic cũng đang ở giai đoạn đẹp nhất của chu kỳ kinh doanh, các cổ phiêu tiêu biểu cho các nhóm ngành này bao gồm: HAH, GMD, VHC, ANV, DGC. Nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp cơ bản tốt bị ảnh hưởng bởi tâm lý chung ngắn hạn cũng cho mức tăng ấn tượng, nhiều cổ phiếu về gần, thậm chí vượt vùng đỉnh cũ trước nhịp điều chỉnh (REE, PNJ,...).
Hồi phục nhưng nên cẩn trọng với danh mục đầu tư
Ở góc độ phân tích kỹ thuật, ông Trương Hiền Phương cho rằng thị trường trong ngắn hạn, chỉ số VNIndex đã xác nhận xu hướng tăng: “ Thứ nhất, chỉ số đóng cửa trên đường trung bình 10 kỳ và 20 kỳ, đây là tín hiệu mua quan trọng ở nhóm chỉ báo xu hướng (strending indicators). Thứ hai, khối lượng đang gia tăng, điều này hàm ý về dòng tiền đang quay lại thị trường, bên cạnh đó, khi thị trường có xu hướng phục hồi thì khối lượng cũng phải có sự gia tăng tương ứng. Thứ ba, mẫu hình bullish engulfing (mô hình nến nhấn chìm tăng) xuất hiện vào phiên giao dịch ngày 17/05/2022 hiện đã được xác nhận về độ tin cậy. Thứ tư, hiện tượng phân kỳ giữa chỉ báo RSI và chỉ số xuất hiện trong tháng 05/2022. Với sự tăng trưởng hiện tại thì tín hiệu này đã được xác nhận”.
Với những tín hiệu kỹ thuật đã phân tích ở trên thì thị trường đang trong xu hướng phục do đó trong tuần này thị trường sẽ tiếp tục đi lên. Tuy nhiên, khối lượng chưa có sự bứt phá mạnh (tuần rồi khối lượng gia tăng so với thời gian trước nhưng không có sự đột biến), điều này ám chỉ 1 phần dòng tiền vẫn đang có sự thận trọng nhất định và đang quan sát thị trường. Do đó, thị trường sẽ có một số phiên điều chỉnh rung lắc nhưng xu hướng phục hồi sẽ được duy trì.
Tuy nhiên, với các nhóm ngành được dự báo tích cực thì nhà đầu tư cũng nên thận trọng với các nhóm ngành được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý 2 bao gồm bất động sản và thép. Ông Tân cho biết: “Giá thép đang giảm rất mạnh trên thị trường thế giới cũng như trong nước. Tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất và tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, giá thép đã giảm gần 10% trong 2 tuần qua khi nhu cầu trong nước giảm do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa kéo dài.
Tại thị trường trong nước, giá thép đã giảm 3 lần trong tháng 5 với mức giảm từ 1 – 1,5 triệu đồng 1 tấn sau khi đạt đỉnh khoảng 19 triệu đồng 1 tấn vào tháng 5. Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp nắm giữ lượng hàng tồn kho cao trong quý 2. Song song với nhóm thép, các cổ phiếu bất động sản cũng được dự báo gặp nhiều khó khăn khi thị trường đang có dấu chửng lại và thanh khoản giảm. Ngoài áp lực đầu ra, nguồn vốn cũng là một vấn đề mà các doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải khi nguồn tài trợ từ phát hành trái phiếu và tín dụng từ ngân hàng cũng không còn nhiều dư địa từ đây tới cuối năm”.