Tài chính – Ngân hàng

Nhiều ngân hàng thực hiện giải pháp hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh sau bão Yagi

Chi Phương- Quỳnh Chi - 21:50 27/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm giúp người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng, không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn mới do bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 3. Ngân hàng nhà nước (NHNN) Việt Nam đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động rà soát dư nợ, thực hiện miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
TIN LIÊN QUAN
Cánh đồng lúa ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam bị đổ do bão số 3 gây ra. Ảnh Phạm Hiền

Thời hạn giãn nợ cho khách hàng

Theo thống kê của NHNN Việt Nam thông tin tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (được NHNN Việt Nam tổ chức vào ngày 20-9), dư nợ của các TCTD bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở khoảng 100.000 tỷ đồng.

Trước tình trạng người dân bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão số 3, NHNN Việt Nam ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các TCTD chủ động rà soát dư nợ, thực hiện miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. NHNN Việt Nam cũng chỉ đạo các TCTD chủ động xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất, kinh doanh (SXKD) sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành...

Như Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện xử lý nợ bị rủi ro cho khách hàng vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 và Quyết định số 08/2021/QĐ-TTg ngày 11/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại hội nghị này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thông tin, 60/75 chi nhánh Agribank phát sinh thiệt hại, trong đó gần 15.000 khách hàng vay của ngân hàng với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng. Ngân hàng đã có chương trình giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3. Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5% đến 2%/năm, miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6-9-2024 đến hết ngày 31-12-2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6-9-2024 đến ngày 31-12-2024. Thời gian tới, Agribank sẽ khẩn trương ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ như nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi... với lãi suất ưu đãi.

Đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho hay, Ngân hàng Vietcombank có gần 6.000 khách hàng bị ảnh hưởng từ bão số 3 với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng. Trong đó riêng tại địa bàn Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng. Để hỗ trợ, đồng hành với người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngân hàng đã xem xét giảm lãi suất 0,5% trong giai đoạn từ ngày 6-9-2024 đến ngày 31-12-2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ SXKD với dư nợ khoảng 130.000 tỷ đồng và số lượng khách hàng được giảm lãi suất là gần 20.000 khách hàng. Chương trình giảm lãi suất áp dụng cho dư nợ hiện hữu cũng như dư nợ vay mới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống và tiếp cận với vốn tín dụng ngân hàng.

Chính sách giãn nợ, hỗ trợ vay vốn sẽ được triển khai đồng loạt từ các ngân hàng 

Ngày 25/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Chỉ thị nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN Trung ương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, đảm bảo tính chủ động và hiệu quả. NHNN sẽ xem xét, đánh giá mức độ tác động của bão Yagi đối với nền kinh tế, đặc biệt là hạn mức tín dụng, nhu cầu vốn và thanh khoản của ngân hàng thương mại. Từ đó, NHNN sẽ đưa ra các biện pháp điều hành kịp thời, giúp duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.

Đối với những khách hàng bị thiệt hại lớn về vốn vay và tài sản do bão lũ, NHNN sẽ thực hiện các chính sách khoanh nợ theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. NHNN cũng sẽ tham mưu cho Thống đốc để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định liên quan đến phân loại tài sản có, trích lập dự phòng rủi ro, và sử dụng các nguồn dự phòng rủi ro để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Ngoài việc cơ cấu lại nợ và khoanh nợ, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng và triển khai các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi. Điều này giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi hơn, góp phần khôi phục nhanh chóng hoạt động sản xuất kinh doanh. Các chương trình tín dụng ưu đãi sẽ tập trung vào các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như nông nghiệp, dịch vụ, và du lịch.

Tại các chi nhánh NHNN địa phương, đặc biệt là ở 26 tỉnh, thành phố chịu thiệt hại trực tiếp từ bão Yagi, các biện pháp hỗ trợ sẽ được triển khai khẩn trương. NHNN chi nhánh tại địa phương sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để đánh giá thiệt hại và thực hiện các biện pháp khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho khách hàng. Việc này giúp đảm bảo rằng các biện pháp hỗ trợ được thực hiện một cách hiệu quả và nhanh chóng.

Ngoài ra, NHNN các chi nhánh địa phương cũng sẽ tham mưu cho UBND tỉnh và thành phố để chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục vay vốn và khoanh nợ. Những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện sẽ được báo cáo kịp thời để NHNN và UBND tỉnh có thể đưa ra các giải pháp phù hợp.

Trong quá trình triển khai các biện pháp hỗ trợ, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với khách hàng, cung cấp các gói vay ưu đãi và cơ cấu lại nợ. Các tổ chức tín dụng cần chủ động báo cáo tình hình thực hiện, đảm bảo rằng mọi biện pháp hỗ trợ đều được triển khai một cách đồng bộ và nhất quán. Ngoài ra, các hiệp hội trong ngành ngân hàng cũng được yêu cầu phát huy vai trò kết nối, tạo sự đồng thuận giữa các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác trong việc triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

NHNN yêu cầu các đơn vị trong ngành ngân hàng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để kịp thời thông tin về các biện pháp hỗ trợ, chính sách tín dụng, cũng như các kết quả thực hiện để người dân và doanh nghiệp nắm bắt chính xác, kịp thời./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác