Tài chính – Ngân hàng

Dòng tiền yếu khiến VN-Index khó vượt mốc 1.300 điểm

Tú San - 14:10 21/10/2024 GMT+7
Kết thúc tuần giao dịch 14/10 – 19/10, điểm số VN-Index đạt 1.285,4 điểm (giàm nhẹ 0.23% WoW), trong khi dòng tiền phân cực ở các nhóm vốn hoá khác nhau và thiếu sự lan toả đến các nhóm ngành dẫn đến sự thiếu đồng thuận của các Bluechips đã kéo chỉ số VN-Index không bảo toàn được ngưỡng 1.290 điểm ở phiên cuối tuần.

Dưới góc độ kỹ thuật thì chỉ số VN-Index đã vận động hơn 75% chiều dài mẫu hình tam giác hướng lên với động lượng tăng trong mẫu hình vẫn duy trì trạng thái cân bằng tích cực và chuẩn bị cắt lên đường Signal xác nhận một xu hướng tăng tiếp diễn mới. Tuy vậy, việc chưa thể phá vỡ ngay trong tuần này kèm với một số tín hiệu phân hoá trong chất lượng nội tại của thị trường khiến rủi ro tại vùng giá này vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Tạp chí Nông thôn mới đã có buổi phỏng vấn bà Hồ Mỹ Thể -  Phó Giám đốc Công ty chứng khoán Agribank (Chi nhánh miền Nam) về khả năng vượt mốc 1.300 điểm của thị trường chứng khoán trong những tuần sắp tới.

Bà Hồ Mỹ Thể -  Phó Giám đốc Công ty chứng khoán Agribank (Chi nhánh miền Nam) - Ảnh TS

Theo quan điểm cá nhân, bà nhìn nhận như thế nào về chuyển động của thị trường trong tuần giao dịch tới?

Bà Hồ Mỹ Thể: Điểm qua kết quả giao dịch tuần 14-18/10, thị trường tuần qua có đến 4 trên 5 phiên chỉ số rung lắc theo 2 chiều. Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại mức 1.285 điểm, giảm 3 điểm nhưng thanh khoản tăng nhẹ 4% so với tuần trước. Về diễn biến, nhóm bất động sản gặp áp lực điều chỉnh đầu tuần do thông tin kém tích cực từ một vài cổ phiếu lan tỏa ảnh hưởng ra toàn ngành. Tuy nhiên nhóm này đã nhanh chóng hồi phục sau khi có thông tin đính chính đồng thời Trung Quốc công bố chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản nước này vào phiên 17/10. Ở chiều ngược lại, ngân hàng vẫn là nhóm thu hút dòng tiền nhờ kỳ vọng KQKD Q3/2024 tích cực, đang trở thành nhóm giữ nhịp giúp VN-Index tiến dần lên mốc kháng cự “cứng” 1.300 điểm. Chúng tôi cho rằng VN-Index đang trong mẫu hình thu hẹp biên độ. Điểm tích cực là các đường xu hướng đang hỗ trợ chỉ số hướng lên, nhưng thanh khoản chưa được cải thiện đáng kể làm dòng tiền lan tỏa yếu giữa các nhóm ngành. Dự báo diễn biến tuần tới, VN-Index có xu hướng tăng giá và có thể tiến sát mốc 1.300 điểm, nhưng sẽ có thể gặp khó khăn trong việc bứt phá mốc kháng cự kể trên.

Sự phân hoá dòng tiền khi đã có một số doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính sẽ diễn ra theo hướng nào trong những phiên tới, thưa bà?

Bà Hồ Mỹ Thể: Giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp đang lần lượt công bố báo cáo tài chính (BCTC) Quý 3 với kết quả kinh doanh (KQKD) có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Điều này cũng khiến dòng tiền trên thị trường có sự phân hóa khi tập trung vào các nhóm ngành có thông tin tích cực, kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong Quý 3 như nhóm bán lẻ, chăn nuôi. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm sẽ gặp áp lực điều chỉnh. Tôi cho rằng, xu hướng trên sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên tới khi mùa công bố BCTC Quý 3 bước vào giai đoạn cao trào với nhiều doanh nghiệp lớn lần lượt công bố. Nhóm ngân hàng cũng được kỳ vọng có KQKD khả quan giúp cổ phiếu nhóm này tiếp tục thu hút dòng tiền và trở thành động lực tăng điểm cho thị trường. Tuy nhiên, sự phân hóa sẽ diễn ra giữa các nhóm ngành, giữa các doanh nghiệp bởi yếu tố nền thấp của cùng kỳ đã không còn là câu chuyện chính và việc lực chọn cơ hội đầu tư sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bà đánh giá như thế nào về vùng thị giá của nhóm chứng khoán ở thời điểm hiện tại, cũng như đánh giá cơ hội khi đầu tư vào cổ phiếu ngành chứng khoán ở thời điểm hiện tại?

Bà Hồ Mỹ Thể: Hiện đã có nhiều công ty chứng khoán (CTCK) công bố BCTC Quý 3/2024 với sự phân hóa trong kết quả kinh doanh. Điều này cũng đã phần nào được giới đầu tư hình dung trước mùa công bố BCTC khi thị trường chứng khoán trong Quý 3 có diễn biến chung là đi ngang trong vùng kênh giá 1.200 – 1.300 điểm với thanh khoản ở mức thấp. Từ đó nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có sự phân hóa khi những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng trong quý 3, dư nợ cho vay margin tăng hay có câu chuyện tăng vốn sẽ có diễn biến tích cực hơn. Tuy vậy, nhóm chứng khoán nhìn chung giai đoạn vừa qua có diễn biến không tích cực hơn thị trường chung bởi mặt bằng định giá đã ở mức khá cao và thị trường chung chưa có sự khởi sắc về điểm số và thanh khoản. Tôi cho rằng cơ hội khi đầu tư cổ phiếu chứng khoán sẽ chỉ thực sự rõ ràng nếu thị trường có sự bứt phá về điểm số ra khỏi vùng 1.300 điểm và thanh khoản có sự cải thiện đáng kể. Nhà đầu tư nên tập trung vào các doanh nghiệp có tăng trưởng về dư nợ cho vay margin hoặc có câu chuyện tăng vốn trong  giai đoạn tới.   

Theo quan điểm cá nhân bà, trong bối cảnh thị trường tiếp tục có những lưỡng lự giữa bên mua và  bên bán thì nhà đầu tư nên chọn chiến lược giao dịch như thế nào là phù hợp?

Bà Hồ Mỹ Thể: Tại báo cáo gần nhất của các tổ chức kinh tế lớn, Việt Nam đều được nâng mức dự báo tăng trưởng GDP cho giai đoạn 2024-2025. Chính phủ cũng đã nâng mức mục tiêu tăng trưởng GDP 2024 lên mức 6,5-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra vào cuối năm ngoái ở mức 6-6,5%. Điều này cho thấy triển vọng kinh tế Việt Nam đang tích cực hơn so với những kỳ vọng được đặt ra trước đó bởi thị trường. Trong bối cảnh xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ cũng đang diễn ra tại các ngân hàng trung ương, thị trường tài chính lớn khác, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư trung và dài hạn vẫn có cơ sở để tiếp tục nắm giữ danh mục cổ phiếu tốt, tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, với việc thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng giá trung và dài hạn, tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục cổ phiếu có sẵn. Để mở vị thế mua mới, nhà đầu tư nên ưu tiên chờ thị trường phản ứng với mốc 1.300 điểm và xác nhận xu hướng sau khi hoàn thành mẫu hình thu hẹp biên độ.

Ông Đặng Lê Minh Nhật – Giám đốc cấp cao Công ty CPCK LPBank (LPBS) đưa ra một số khuyến nghị cho các nhà đầu tư theo các kịch bản cụ thể:

Kịch bản cơ sở: thị trường tiếp tục duy trì trong biên độ 1.280 – 1.295 điểm với thanh khoản giảm: Nhà đầu tư mới giữ tỷ trọng dưới 30-40% và có thể giải ngân ở nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn, nhóm ngành Công nghệ (CMG, FPT) hoặc Sản xuất thực phẩm (MSN), Ngân hàng (STB, CTG). Nhà đầu tư đã có vị thế duy trì tỷ trọng tối đa 80% - 100%, không hành động FOMO để hạn chế tác động từ bull trap.

Kịch bản tích cực: thị trường phá vỡ kháng cự 1.300 điểm với khối lượng lớn: Nhà đầu tư mới có thể giải ngân hơn 40% danh mục ở các nhóm ngành như trên. Nhà đầu tư đã có vị thế có thể duy trì tỷ trọng tối đa hoặc sử dụng margin.

Kịch bản tiêu cực: thị trường mất hỗ trợ 1.265 – 1.270 điểm thì tất cả nhà đầu tư nên giảm bớt tỷ trọng các cổ phiếu vón hoá cao, giữ các cổ phiếu có câu chuyện kinh doanh và vốn hoá lớn.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác