Tài chính – Ngân hàng

TTCK: Khả năng VN Index về vùng đáy 1.150 điểm

Tú San - 13:06 12/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với những tín hiệu khá tốt ở những phiên đầu tuần với kỳ vọng VN Index tiệm cận mốc 1.400, tuy nhiên cú đảo chiều ở những phiên cuối đã kéo đi hy vọng của nhiều nhà đầu tư khi điểm số phiên giao dịch cuối tuần lại tuột xuống mức dưới 1.300. Điểm tích cực của thị trường tuần qua là nhóm có vốn hoá lớn nhất thị trường là ngành ngân hàng có xu hướng đi ngang giúp VN Index chưa giảm giá quá sâu.

Từ cú “quay xe” ở những phiên cuối tuần

Thị trường tiếp tục có 1 phiên giao dịch giằng co khi kiểm định lại mốc 1.300 điểm. Chỉ số có phiên tăng vượt 1.300 điểm vào thứ 4 (phiên giao dịch thứ 3 trong tuần) nhưng nhanh chóng đảo chiều và đóng cửa tuần giảm điểm với phiên giảm 23.72 điểm vào cuối tuần. Nhịp hồi phục của thị trường đang bị thách thức tại vùng 1.300 điểm, tại vùng giá này các nhóm ngành tiêu biểu của thị trường trước đó như năng lượng, thực phẩm, cảng biển cũng không tránh khỏi việc áp lực bán xuất hiện. Đà hồi phục của thị trường tiếp diễn có những đóng góp khá lớn của các trụ cột trong nhóm VN30, tuy nhiên sau khi VN Index chạm mốc 1.300 điểm nhóm cổ phiếu trụ cột (ngoại trừ nhóm ngân hàng đi ngang) đã không thể hiện được nhiều, ngược lại còn gây thêm sức ép lên chỉ số. Các cổ phiếu GAS, FPT, PNJ, MWG đều đóng cửa tuần giảm giá từ 2-4%, trong phiên cuối tuần nhiều cổ phiếu đã quay đầu giảm mạnh khi giá đã có nhịp hồi tốt lên vùng đỉnh cũ (GAS -6.97%, PNJ-6.07%, FPT 4.6%, MWG 1.83%).

Chỉ số VN Index cuối tuần qua đã rơi dưới mức 1.300 điểm

Theo thống kê của phòng phân tích Công ty CP Chứng khoán Funan thì nhóm ngành là điểm sáng trong tuần qua chính là nhóm năng lượng, các cổ phiếu trong nhóm này bật tăng khá tốt, xét cho cả tuần NT2 +12.77%, POW +11.11%, PC1 ,7.31%,… nhờ được hưởng lợi từ khủng hoảng năng lượng trên thế giới. Còn lại nhìn chung các nhóm ngành dẫn dắt, đi ngược thị trường trước đó đã không thể giữ vững được phong độ trong tuần này, cho thấy sự hụt hơi của mình khi đà phục hồi cũng đã chạm các cột mốc đỉnh cũ trước đó nhóm dầu khí (GAS -4.43%,PVS -4.81%, PVD-0.87%), thuỷ sản (VHC -10.66%, ANV -10.20%) , cảng biển (HAH -9.33%, VSC -5.98%) đồng loạt giảm mạnh trong phiên cuối tuần.

Và các kịch bản không lạc quan của thị trường

Trao đổi với PV Tạp chí Nông thôn mới, ông Lê Hoàng Tân (Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Asean) đưa ra 3 kịch bản dự kiến trong tuần sắp tới:

-       Kịch bản 1, thị trường đã tạo đáy ở vùng 1.150 điểm và sóng giảm lần này chỉ là sóng chỉnh thứ cấp và sẽ tạo đáy tiếp theo ở vùng 1.250 điểm. Đây là kịch bản lạc quan nhất hiện nay và xác suất xảy ra vào khoảng 30%.

-       Kịch bản 2, thị trường sẽ “test” lại đáy 1.150 điểm và tạo ra mô hình 2 đáy sau đó sẽ phục hồi và hình thành sóng tăng trong dài hạn. Đây là kịch bản trung bình và xác suất xảy ra kịch bản này cao nhất, khoảng 50%.

-       Kịch bản 3, thị trường sẽ “test” đáy 1.150 bẻ gãy ngưỡng hỗ trợ. Khi kịch bản này xảy ra thì thị trường nhiều khả năng sẽ về vùng 1.000 – 1.050 điểm. Kịch bản này ứng với điều kiện các yếu tố kinh tế vĩ mô thế giới tiếp tục xấu, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực. Xác suất xảy ra kịch bản này vào khoảng 20%. Tuy là xác suất thấp nhưng chúng ta không thể bỏ qua vì lịch sử đã chứng minh, trong 3 sóng điều chỉnh mạnh nhất từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập, VN-Index đã 2 lần điều chỉnh rất mạnh vào năm 2008-2009 với mức giảm 2/3 điểm số, năm 2018-2020 với mức giảm 1/2.

Ông Lê Hoàng Tân - Phó Giám đốc Công ty CK Asean

Cùng nhận định trên của ông Tân, ông Trương Hiền Phương (Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam) cho chia sẻ thêm: “Trong tuần tới, khả năng thị trường tiếp tục rung lắc là khá lớn do:

Thứ nhất, hợp đồng tương lai kỳ hạn 1 tháng sẽ đáo hạn vào ngày thứ 5 (16/06).

Thứ hai, một số quỹ ETF ngoại sẽ cơ cấu danh mục của mình trong tuần này. Đặc biệt ngày 17/6 sẽ là ngày giao dịch cuối cùng của các quỹ.

Thứ ba, áp lực chốt lời quanh ngưỡng 1.300 điểm có thể làm tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan trọng ngắn hạn.

Do đó, thị trường tuần tới có thể biến động khó lường và có phần sẽ điều chỉnh. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá tiêu cực. Nhà đầu tư cần nhìn vào một xu hướng dài hơn để có những quyết định đầu tư hợp lý.

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và phục hồi khá tốt, do đó thị trường sẽ vẫn được hỗ trợ từ yếu tố cơ bản.

Thứ hai, hiện thị trường Việt Nam đang được định giá khá rẻ (dựa trên hệ số PE forward), nên hiện tại vẫn đang là thời điểm hợp lý để giải phân.

Thứ ba, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tập trung vào Việt Nam khi họ đang có dấu hiệu mua ròng trở lại, đảo chiều xu hướng bán trước đây”.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao KIS Việt Nam

Với việc áp lực bán xuất hiện ở vùng kháng cự 1.300 điểm, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp diễn đà giảm trong tuần sau, các tin tức vĩ mô trên thế giới cũng không mấy tích cực tới TTCK thế giới khi lạm phát do đứt gãy chuỗi cũng ứng vẫn chưa được kiểm soát, trận chiến giữa Ukraine – Nga vẫn chưa cho thấy hồi kết dù 2 bên đã ngồi lại đàm phán nhiều lần, việc phong toả ở Trung Quốc vẫn chưa có động thái mở cửa rõ ràng từ Chính phủ nước này. Trong đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ chứng kiến lạm phát tăng cao nhất hơn 40 năm qua với mức tăng 8,6% so với cùng kỳ tháng 5 năm 2021. Với số liệu lạm phát này, nhiều khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 6 này với mức tăng được dự đoán vào khoảng 0,5%, thậm chí có thể là 0,75% khi các quan chức Mỹ bắt đầu cho thấy sẽ hành động mạnh để kiềm chế lạm phát. Giá năng lượng và lương thực tăng cao đã tạo ra một số bất ổn ở các nền kinh tế nhỏ, có sức chống chịu kém như Sri Lanka, Lào, Pakistan và một số nước châu Phi. Mặc dù đây là những nền kinh tế nhỏ nhưng nó cho thấy nếu giá năng lượng tiếp tục neo ở mức cao trong thời gian dài hoàn toàn có thể tạo ra những bất ổn cho các nền kinh tế khác có quy mô lớn hơn.

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ bức tranh kinh tế vĩ mô thế giới có nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được ổn định nhưng áp lực đang tăng dần. Giá xăng dầu trong nước được dự báo sẽ tăng lên đỉnh cao mới vào thứ 2 tuần sau, tạo áp lực lên quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch. Lãi suất cho vay trong nước hiện chưa tăng do các ngân hàng thương mại đang tạm thời hết room tín dụng và thanh khoản dồi dào.

Với các yếu tố vĩ mô như trên, nhà đầu tư nên thận trọng với các cổ phiếu thuộc ngành Bất động sản và chứng khoán trong những tuần tới. Đồng thời các ngành sản xuất như thủy sản, phân bón, hóa chất, năng lượng, công nghệ và may mặc được đánh giá tích cực nhất trong giai đoạn này. Trong khi đó, các ngành như bán lẻ, ngân hàng và sắt thép sẽ trung tính hơn. Theo đó, để kiểm soát rủi ro trong giai đoạn thị trường khả năng sẽ có nhịp điều chỉnh, nhà đầu tư nên xem xét hạ tỷ trọng cổ phiếu trong tài khoản và nên nắm giữ 1 lượng tiền mặt nhất định. Phần nắm giữ cổ phiếu nên tập trung vào các nhóm ngành được hưởng lợi, được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực và có tình hình tài chính lành mạnh, ít vay nợ. Đồng thời, nhà đầu tư cũng nên theo dõi vận động của thị trường ở tuần sau, hạn chế mua các cổ phiếu đang có đà giảm mạnh và đặc biệt các cổ phiếu đã rơi vào downtrend trước đó.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác