Tài chính – Ngân hàng

Thị trường chứng khoán: Thời điểm “bắt đáy” nên hay chưa?

Tú San - 08:06 21/08/2023 GMT+7
Sự hoảng loạn cuối phiên thứ 6 vừa rồi khi chỉ số VN-Index lao dốc (giảm gần 55 điểm) với khối lượng bán tháo số lượng lớn của nhà đầu tư cá nhân. Điều này cũng bắt nguồn từ tín hiệu bất lợi sau phiên giao dịch thành công của VFS (mã cổ phiếu của Vinfast) tại thị trường Mỹ cũng như tin tức phá sản từ doanh nghiệp bất động sản của Trung Quốc. Tuy nhiên, lượng thanh khoản lại tăng khi khối ngoại lẫn tự doanh lại có lực mua ròng nhỉnh hơn so với lượng bán ra của thị trường.

Quy luật khi “Ta bán thì Tây…mua”

Thị trường có phiên giảm sâu cuối tuần khi nhà đầu tư thực hiện bán tháo, VN-Index đóng cửa đạt 1.178 điểm (giảm 4,4% so với tuần trước). Mức thanh khoản bình quân đạt gần 23.400 tỷ đồng/phiên (tăng 13,6% so với tuần trước) chủ yếu tới từ phiên cuối tuần có thanh khoản tăng đột biến. Điểm sáng là khối ngoại đã đảo chiều mua ròng gần 550 tỷ đồng trong hai ngày giao dịch cuối tuần. Tất cả các lớp cổ phiếu VN30, VNMID, VNSML đều có một tuần diễn biến tiêu cực, trong đó VN30 với 28/30 mã giảm điểm góp phần gây sức ép lên chỉ số (chỉ riêng có FPT và VCB ghi nhận tăng điểm trong tuần vừa qua).

Ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Funan - Ảnh TS

Với những thông tin không mấy lạc quan khi độ cao trào của sự kiện cổ phiếu của Vin được niêm yết trên sàn Nadaq của Mỹ từ giữa tuần với mức vốn hoá thị trường đạt cao kỷ lục đã giảm nhiệt nhanh chóng trong vòng 24 giờ đã khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng suy giảm theo. Ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Funan nhận định: “VN-Index đã có một tuần giao dịch sôi động và kết thúc tuần với một phiên giảm sốc khi chỉ số giảm đến 55.49 điểm (-4.50%) với 486 mã giảm giá, trong đó có 168 mã giảm sàn. Tôi cho rằng diễn biến tâm lý bi quan và bán tháo của một bộ phận nhà đầu tư (NĐT) là kết quả của một sự cộng hưởng các thông tin vĩ mô quốc tế lẫn trong nước kém tích cực thời gian gần đây như: (1) Lạm phát ở Mỹ dai dẳng và FED có thể tiếp tục tăng lãi suất hoặc giữ chính sách tiền tệ thắt chặt lâu hơn. (2) Kinh tế Trung Quốc có nguy cơ suy thoái khi có những doanh nghiệp bất động sản liên tiếp nộp đơn phá sản. (3) Thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu đang chao đảo. (4) Diễn biến (ngắn hạn) tỷ giá tăng trong nước, Các thông tin này đã dẫn đến kích hoạt tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả sau một nhịp tăng dài của thị trường trong nước”.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc Công ty chứng khoán Agribank miền Nam - Ảnh TS

Ở góc nhìn khác khi trao đổi cùng phóng viên Tạp chí Nông thôn mới, ông Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc Công ty chứng khoán Agribank miền Nam cho rằng: “Với phiên giảm điểm cuối tuần qua không thực sự do thông tin nào mà chỉ là sự cộng hưởng, suy diễn thái quá từ một số thông tin xấu xuất hiện cùng lúc. Đồng thời nền giá đã tăng cao sau vài tháng tăng liên tục, gây ra hiện tượng crash. Theo tôi dự đoán phiên sáng thứ 2 tuần sau tiếp tục giảm mạnh vào đầu phiên trước khi giảm dần áp lực vào buổi trưa. Phiên chiều có thể giảm nhẹ (hoặc tăng nhẹ) và khó giảm sâu. Trong các phiên tiếp theo, thị trường sẽ dần hồi phục trở lại tuy nhiên sẽ mất thời gian để lấy lại đủ hơn 50 điểm đã mất”.

Nhà đầu tư sẽ bắt đáy hay bắt… dao rơi

Trên đồ thị kỹ thuật cho thấy VN-Index tạo nến giảm điểm thân dài với thanh khoản tăng sau khi giá giằng co tại vùng MA100. Lực bán cuối tuần có thể sẽ tạo quán tính giảm điểm đầu tuần tới. Tuy nhiên, thanh khoản gia tăng cũng có thể cho thấy đang có nhu cầu bắt đáy. Khoảng thời gian tới, thị trường sẽ có kì vọng VN-Index sẽ diễn ra kịch bản tích cực, thu hẹp đà giảm và hồi phục trong tuần tại vùng MA10, 1.160-1.175 điểm. Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô tháng 7/2023 trở đi đã có một số tín hiệu cải thiện hơn từ các động lực tăng trưởng kinh tế như: Đầu tư công tiếp tục tăng tốc, nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tăng trở lại, các hoạt động du lịch đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, các yếu tố khó khăn về sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng vẫn đang tiếp diễn, đồng thời những thông tin bất lợi khác từ thị trường quốc tế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến TTCK trong nước. Vì thế, việc nhận định thị trường của nhà đầu tư trong thời điểm này sẽ có thể thúc đẩy thị trường sôi động trở lại hay tiếp tục trầm lắng để quan sát còn tuỳ thuộc vào việc cập nhật và phân tích thông tin thị trường “đang đáy” hay còn “rơi” tiếp phía sau.

Ông Trần Đình Khánh cho rằng: “VN-Index trước mắt sẽ nhận được hỗ trợ tại vùng 1160-117x. Với quán tính giảm đang lớn, chỉ số có thể tiếp tục mở cửa đầu tuần trong sắc đỏ, tuy nhiên trong nhịp giảm sốc và gần như cổ phiếu tốt hay xấu, cơ bản hay đầu cơ đều bị bán tháo như hiện tại, tôi nhận định thị trường khả năng sớm có nhịp hồi kỹ thuật và theo sau là diễn biến rất phân hoá của các dòng cổ phiếu. Nhà đầu tư cần hạn chế vội vã bắt đáy khi lực bán chưa có dấu hiệu suy yếu. Việc bắt đáy – trading trên cổ phiếu sẵn có chỉ thích hợp đối với NĐT có khẩu vị rủi ro cao và không phải là chiến lược có thể áp dụng rập khuôn cho các dòng cổ phiếu (cơ bản hay đầu cơ, cổ phiếu lớn hay penny…). Đối với NĐT đang full margin hay full cổ phiếu, nhịp hồi là cơ hội để giảm margin - nâng tỷ trọng tiền mặt. NĐT đang cầm tiền có thể đưa các cổ phiếu cơ bản tốt đầu ngành thuộc các nhóm ngành triển vọng vào danh sách theo dõi và quan sát diễn biến cung/cầu ở những vùng hỗ trợ quan trọng trước khi cân nhắc một kế hoạch mua mới”.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Tùng cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân: “Tôi khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục quan sát, thời điểm lực bán có dấu hiệu suy yếu là lúc thích hợp để giải ngân và tăng tỉ trọng cổ phiếu trong tuần tới. Ưu tiên giải ngân đối với nhóm cổ phiếu đầu ngành, cơ bản vững chắc đang có thị giá tốt; giảm tỉ trọng đối với các cổ phiếu mang tính đầu cơ cao giai đoạn này”.

Rủi ro điều chỉnh đang gia tăng khi VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng 1.200 điểm kèm khối lượng đột biến. Tín hiệu này xác nhận cho giai đoạn điều chỉnh có thể đã bắt đầu. Vì thế, nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu về ngưỡng an toàn. Tuần này có thể xuất hiện một vài nhịp phục hồi tuy nhiên nếu khối lượng không tăng trong những phiên này thì rủi ro vẫn còn ở mức cao. Nguyên nhân của sự điều chỉnh có thể đến từ việc định giá của thị trường Việt Nam không còn rẻ như giai đoạn đầu năm 2023. Tuy nhiên, sự điều chỉnh hiện tại chỉ mang yếu tố kỹ thuật và sự phục hồi trong trung hạn của thị trường là khá rõ ràng khi kinh tế đang dần phục hồi với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ được thực thi và đi vào cuộc sống từ đây đến cuối năm 2023”.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác