Hồ sơ - Tư liệu

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nông dân trong cách mạng giải phóng dân tộc và hợp tác xã nông nghiệp

(Tapchinongthonmoi.vn) - Nông dân (ND) là lưc lượng lớn trong xã hội, có vai trò đặc biệt quan trong các cuộc cách mạng xã hội, đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước. C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng cho rằng “Người ND đều là một nhân tố rất cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và của lực lượng chính trị”(1). Từ quan điểm của Mác - Lênin về vai trò của ND và thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã thấy được vai trò to lớn của ND đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc
Hình ảnh Bác Hồ đi tát nước chống hạn với bà con nông dân tại cánh đồng Quai Chảo xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. 

Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của nông dân Việt Nam trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc

Trong Diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ Tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) ngày 25/1/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc”(2). Trước đó, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (năm 1930) do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh soạn thảo đã nêu rõ mục đích của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(3) mà mục tiêu trước hết là đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông. Để thực hiện thành công cuộc cách mạng này, Đảng phải tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân thuộc các giai cấp, tầng lớp, trong đó: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến”(4). Trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng, Đảng phải:“Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo. Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo. Mở mang công nghiệp và nông nghiệp”(5)

Để phát huy vai trò được to lớn của nông dân đối với cách mạng, Hồ Chí Minh nhận thấy sự cần thiết phải tập hợp họ lại trong một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản để thống nhất đấu tranh. Ngày 3/7/1924, phát biểu tại phiên họp thứ 25 Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản ở Maxcơva (Liên Xô), Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh nêu rõ sự thống khổ của nông dân các nước thuộc địa nói chung, nông dân An Nam nói riêng và phong trào đấu tranh của nông dân đã nổ ra ở nhiều nơi nhưng đều thất bại: “nạn nghèo đói đều tăng, sự phẫn uất ngày càng lên cao. Sự nổi dậy của nông dân bản xứ đã chín muồi. Trong nhiều nước thuộc địa, họ đã vài lần nổi dậy, nhưng lần nào cũng bị dìm trong máu”(6). Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ nguyên nhân của những thất bại này là nông dân chưa có tổ chức, chưa có người lãnh đạo: “nguyên nhân là vì họ còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo”(7). trên cơ sở đó, Người đề nghị: “Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”(8). Từ nhận thức đó, trong quá trình tổ chức huấn luyện cán bộ trong những năm 1925-1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã cho rằng “Hội nông là một cái nền cách mệnh của dân ta”(9). Người chỉ ra 6 nỗi khổ(10) của người nông dân Việt Nam và cho rằng “dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng ấy, thì phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng”(11). Người chỉ ra một cách khái quát về cách thức tổ chức hội của nông dân, theo đó: Hội được lập ở từ cấp làng, tổng, huyện, tỉnh đến toàn quốc; mọi người từ tiểu điền chủ cho đến những dân cày thuê cày rẽ, từ 18 tuổi trở lên đều có thể được vào hội. Để che mắt chính quyền thực dân phong kiến, hội nên lấy danh nghĩa các phường hội phù hợp với mỗi địa phương như phường lợp nhà, phường đánh cá, phường chung lúa.

Từ những quan điểm trên của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc trong những năm 1930-1945, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp được đông đảo quần chúng nông dân tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng (1930-1931), (1936-1939) và (1939-1945). Tổ chức Hội Nông dân (với những tên gọi khác nhau trong mỗi giai đoạn lịch sử) cũng đã được xây dựng, tổ chức từ cấp làng đến cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, nông dân còn tham gia các tổ chức quần chúng cách mạng khác ở địa phương, đặc biệt kể khi Mặt trận Việt Minh ra đời năm 1941 như Hội Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội phụ lão cứu quốc...  Có thể khẳng định rằng, các phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong những năm 1930-1945, nông dân là lực lượng đông đảo nhất, mạnh mẽ nhất, góp phần tạo nên những cơn bão táp cách mạng, từng bước đánh bại kẻ thù. Đặc biệt, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hàng triệu, hàng triệu lượt người nông dân ở tất cả các địa phương trong cả nước, từ miền Bắc đến miền Nam, từ miền xuôi đến miền núi đã tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương mình, mang lại nền độc lập cho dân tộc.   

Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đã cho thấy rằng, Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng vị trí, vai trò to lớn của nông dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong cuộc đấu tranh này, Hồ Chí Minh chính là người đã khơi dậy được lòng tự tôn dân tộc, tinh thần, ý chí đấu tranh kiên cường của nông dân Việt Nam. 

Bác Hồ với nông dân - Tranh lụa của họa sĩ Đặng Đình Nguyễn.

Hồ Chí Minh với mô hình hợp tác xã của nông dân 

Hợp tác xã là mô hình tổ chức sản xuất ra đời trong chế độ tư bản chủ nghĩa, từ thế kỷ XVIII. Đó là những tổ chức liên hợp tự nguyện của những người lao động trong các lĩnh vực sản xuất, mua bán, tiêu dùng... nhằm chung sức, chung vốn cùng nhau sản xuất và thụ hưởng những thành quả đạt được. Nghiên cứu về vấn đề nông dân nông dân ở Pháp và Đức trong những năm cuối thế kỷ XIX, Ph.Ăng ghen cho rằng: “Nhiệm vụ của chúng ta đối với tiểu nông trước hết phải hướng quyền sở hữu cá thể và nền kinh doanh cá thể của họ vào con đường kinh doanh hợp tác, không phải bằng bạo lực mà bằng những tấm gương và bằng sự giúp đỡ của xã hội”(12). Ph. Ăngghen cho rằng cần phải hướng dẫn nông dân vào hợp tác xã: “Chúng ta kiên quyết đứng về phía người tiểu nông; chúng ta cố tìm đủ mọi cách để làm cho số phận của họ được dễ chịu hơn, để cho họ chuyển sang hợp tác xã được dễ dàng hơn”(13)

Sau Cách mạng Tháng Mười, V.I. Lê nin cũng xác định nguyên tắc quan trọng nhất khi đưa nông dân vào các hợp tác xã là “nguyên tắc tự nguyện”, “chính phủ công nông không thể dùng bất cứ một biện pháp cưỡng bức nhỏ nào cả và luật pháp cấm điều đó”(14).

Trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh cũng đã nhận thức được vai trò quan trọng của hợp tác xã đối với nông dân. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh (năm 1927), mặc dù lúc này Việt Nam chưa giành được độc lập, nhưng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã muốn hướng nhân dân lao động đi vào con đường làm ăn tập thể, có tổ chức, nhằm nâng cao sản xuất và đời sống, giảm bớt sự bóc lột của bọn tư bản và phong kiến, đồng thời để tổ chức để vận động, tập hợp nhân dân lao động đấu tranh như các hình thức tổ chức khác của quần chúng. 

Để hướng mọi người vào hợp tác xã, Người chỉ ra rằng: “Hợp tác xã là “góp gạo thổi cơm chung” cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”(15); Hợp tác xã có nhiều lợi ích cho nên dân các nước làm rất nhiều(16). Trong hợp tác xã mọi người giúp đỡ lẫn nhau và “giúp một cách bình đẳng, một cách “cách mệnh” ai cũng giúp mà ai cũng bị giúp”(17). Người chỉ ra rằng, hợp tác xã được tổ chức trong 4 lĩnh vực: tiền bạc, mua, bán và hợp tác xã trong lĩnh vực sản xuất gọi là “hợp tác xã sinh sản”. Về tổ chức, Người chỉ rằng tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi để lập hoặc không lập, hoặc lập nhiều loại hình hợp tác xã. Những nơi lập các hợp tác như nhau, thì các hợp tác xã ấy nên liên lạc với nhau, thậm chí hai hợp tác xã tính chất khác nhau cũng nên liên kết nhằm hiệu quả tốt hơn. 
Từ quan điểm trên, sau khi nước nhà giành được độc lập, cả nước tập trung thực hiện công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến các điền chủ nông gia Việt Nam nêu rõ quan điểm về vai trò kinh tế nông nghiệp và vai trò của người nông dân trong xây dựng, phát triển đất nước: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”(18). Người nhấn mạnh vai trò của hợp tác xã nông nghiệp, trong phát triển  nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân: “Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”(19)

Bác về thăm bà con nông dân và xắn quần xuống ruộng để chạy thử chiếc máy cày cải tiến vào ngày 16//7/1960. Người luôn đi đầu và cổ vũ tinh thần sáng tạo và hăng say lao động của đồng bào dân tộc. 

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm trên thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ trên phạm vi cả nước, toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, việc phát triển mô hình hợp tác xã bị đình trệ, chỉ có một số ít địa phương lập được hợp tác xã và tổ đổi công. Sau Hiệp định Giơnevơ (7-1954), miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, thực hiện khôi phục kinh tế, từ cuối năm 1958, từng bước đẩy thực hiện xây dựng mô hình hợp tác xã(20). Ngày 2/3/1958, nói chuyện với nông dân Hợp tác xã nông nghiệp Cầu Thành, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên Chủ tịch Hồ Chí nêu rõ nguyên tắc trong xây dựng hợp tác xã là trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, công bằng: “Muốn xây dựng tổ đổi công, hợp tác xã được tốt phải đoàn kết, phải làm cho mọi người tự nguyện tham gia, phải bàn bạc dân chủ và phải tính toán cho công bằng, hợp lý”(21), đồng thời người yêu cầu Ban quản trị hợp tác xã phải luôn luôn đi sát, chi bộ và huyện, tỉnh, khu phải giúp đỡ, lãnh đạo. Khi đã thành lập được hợp tác xã cần phải thể hiện rõ hiệu quả sản xuất mạng lại và thường xuyên rút kinh nghiệm: “mỗi khi làm xong một việc phải rút kinh nghiệm. Cái gì tốt phải phổ biến, đề cao, cái gì xấu phải bảo nhau tránh”(22).

Như vậy, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng giống các nhà kinh điển Mác-Lênin, đều xác định trong xây dựng hợp tác xã cần phải dựa trên tinh thần tự nguyện của nhân dân, thuyết phục nhân dân tham gia hợp tác xã trên cơ sở dân chủ, công bằng hợp lí, lấy hiệu quả kinh tế làm thước đo và phải thường xuyên rút kinh nghiệm để điều chỉnh kịp thời, phát huy cái đúng, điều chỉnh, loại bỏ cái cái sai, cái bất hợp lí. Tuy nhiên, những quan điểm này sau đó đã không được thực hiện một cách nghiêm túc, từ cuối năm 1958, các địa phương miền Bắc bắt đầu thực hiện rầm rộ đưa các hộ nông dân vào hợp tác xã, không theo những quan điểm nêu trên của các nhà kinh điển Mác-Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã làm méo mó mô hình hợp tác xã, ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của người nông dân. Trước thực trạng đó, trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, phù hợp với thế giới và điều kiện của Việt Nam, trong đó đặc biệt là Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (từ ngày 4 đến 10/5/2022) đã thảo luận và ra Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Phát biểu kết luận Hội nghị, sau nêu rõ những tồn tại hạn chế trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho các thành viên hăng say làm việc, lao động tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước”(23). 
 
(1) Các Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995. Tập 22, tr. 715.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 8, tr.31
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 3, tr.1
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 3, tr.2
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, tr. 2
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 1, tr 311
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 1, tr 311
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 1, tr 311
(9) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 2, tr 341
(10) Đó là: Ruộng bị Tây choán hết, không đủ mà cày; Gạo bị nó chở hết, không đủ mà ăn; Làm nhiều, được ít, thuế nặng; Nước lụt, đại hạn, vỡ đê, mất mùa; Chết đói, hoặc bán vợ đợ con, hoặc đem thân làm nô lệ; Chính trị áp bức, văn hoá áp bức. 
(11) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, tr 339
(12) Các Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995. Tập 22, tr. 736.
(13) Các Mác và Ph.Ăngghen Toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995. Tập 22, tr. 738-739.
(14) Lênin Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva, 1977. Tập 38, tr. 35.
(15) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, tr.343
(16) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, tr.346
(17) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, tr.344
(18) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, tr.246
(19) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 4, tr.246
(20) Đến giữa năm 1958, toàn miền Bắc có 134 hợp tác xã nông nghiệp, 41% tổng số hộ nông dân tham gia tổ đổi công. 
(21) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, tr. 358
(22) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, tr. 359
(23) baochinhphu.vn/toan-van-bieu-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-5-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-102220510181236166.htm

Tin cùng chuyên mục
Tin khác