Tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (Ảnh tư liệu) |
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, Lê Hồng Phong đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù ở cương vị và điều kiện nào, đồng chí Lê Hồng Phong luôn thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Đồng chí xứng đáng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Hướng dẫn, nội dung tuyên truyền về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Hồng Phong: Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chiến sỹ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đặc biệt là những đóng góp quan trọng trong việc hình thành chủ trương, đường lối của Đảng, khôi phục cơ sở đảng, lập lại cơ quan lãnh đạo, thúc đẩy hoạt động của Đảng khi cách mạng gặp bước khó khăn, thoái trào trên cương vị Tổng Bí thư Trung ương Đảng.
Tuyên truyền về những phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp của đồng chí Lê Hồng Phong, đó là: ý chí cách mạng kiên cường, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cộng sản; đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng và Nhân dân lên trên lợi ích cá nhân; tuyệt đối tin tưởng vào tinh thần, sức mạnh và trí tuệ của quần chúng Nhân dân, biết dựa vào Nhân dân để đưa cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo; luôn giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng; là tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện, không ngừng nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân và thế hệ trẻ Việt Nam học tập, noi theo. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng lãnh đạo và khởi xướng; khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, sự đóng góp to lớn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm diễn ra ở các cấp, ngành, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương; chú trọng tới các hoạt động lớn, trọng tâm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
Qua đó, nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Lê Hồng Phong - nhà lãnh đạo xuất sắc, tấm gương trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc ta; giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; qua đó củng cố, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí Thư Lê Hồng Phong tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Ảnh: Minh Đạo) |
Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm cần được tổ chức với nội dung và hình thức phù hợp, trang trọng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định; kết hợp với tuyên truyền các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và các ngày lễ lớn của dân tộc; góp phần cổ vũ, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước.