Ứng phó bão số 5: Phương tiện trên biển không vào khu vực nguy hiểm
Sáng 19/10, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn tổ chức cuộc họp ứng phó với bão số 5 và mưa lũ tại miền Trung.
Tại Cuộc họp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, Chống Thiên tai Phạm Đức Luận chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt chú ý đến các tàu du lịch.
Đồng thời các đơn vị đóng quân trên địa bàn hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Đức Luận đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 950/CĐ-TTg ngày 12/10/2023, Công điện số 973/CĐ-TTg ngày 17/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 16/CĐ-QG ngày 18/10/2023 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai-Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn về việc chủ động ứng phó với bão số 5 và mưa lũ khu vực miền Trung.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tập trung theo dõi sát diễn biến của bão, tình hình mưa, chủ động cung cấp cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, Chống Thiên tai và các đơn vị liên quan để chỉ đạo việc ứng phó thiên tai kịp thời.
Cục Thủy lợi phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, đang thi công.
Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên các trục chính...
Thông tin về tình hình tàu thuyền trên biển, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 19/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.103 phương tiện/246.663 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh, cụ thể (hoạt động ở khu vực vùng biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam 1.984 tàu/7.759 người, hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến 52.119 tàu/238.904 người).
Theo Đại tá Trần Đình Sáu, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, Văn phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng liên quan và hiện có 15 tàu tích cực tìm kiếm 13 ngư dân mất tích trên biển.
Tại Cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, lúc 7 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Sơ đồ đường đi của Bão số 5. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bão số 5 di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ.
Do ảnh hưởng của bão số 5, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm Cô Tô, Bạch Long Vĩ) và vùng biển Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh.
Vùng biển Vịnh Bắc Bộ (bao gồm Cô Tô, Bạch Long Vĩ) và vùng biển Quảng Trị sóng biển cao 2-4 m, sau tăng lên 3-5m.
Toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển trên khu vực này đều chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Trên đất liền từ đêm 19/10, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.
Từ đêm 19/10 đến đêm 21/10, ở vùng ven biển, khu vực Nam đồng bằng, khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to.
"Sáng 21/10, khả năng bão số 5 suy yếu trên Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7 do tác động của không khí lạnh," Giám đốc Mai Văn Khiêm lưu ý.
Trước diễn biến thời tiết trên, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, ứng trực, theo dõi bão số 5 và mưa lớn để chủ động ứng phó với mọi tình huống.
Các tỉnh Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam đã cấm biển.
Ảnh hưởng bão số 5, đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 6
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trưa 19/10, do ảnh hưởng bão số 5, đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Hồi 10 giờ ngày 19/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc - 108,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ khoảng 10km/giờ.
Đến 10 giờ ngày 20/10, vị trí tâm bão ở 21 độ Vĩ Bắc - 108,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Bão di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ khoảng 5 - 10 km/giờ, có khả năng mạnh thêm. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão: phía Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Khu vực Vịnh Bắc Bộ có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Đến 10 giờ ngày 21/10, vị trí tâm bão ở 19,2 độ Vĩ Bắc - 107,7 độ Kinh Đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ, cường độ dưới cấp 6. Bão di chuyển theo hướng Nam Tây Nam với tốc độ khoảng 10km/giờ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau là một vùng áp thấp. Vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của bão: phía Bắc vĩ tuyến 19 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 110 độ Kinh Đông. Khu vực Vịnh Bắc Bộ có mức độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Do ảnh hưởng của bão, ngày 19/10, khu vực Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh; sóng biển cao 2-4m. Toàn bộ tàu thuyền, khu neo đậu, khu nuôi trồng thủy sản, đê kè biển trên khu vực này đều chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn.
Từ gần sáng 20/10, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8.
Từ đêm 19/10 đến đêm 21/10, vùng ven biển, khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to./.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Hội Nhà báo Việt Nam
- Thủ tướng Phạm Minh Chính về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác dự Hội nghị G20 và thăm chính thức Cộng hòa Dominica
- Một trang trại lợn ở Thanh Hóa bị xử phạt hơn 400 triệu đồng
- "Tôn vinh, bảo vệ, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc"