Ứng phó bão Yinxing: Tập trung hỗ trợ người dân đang mệt mỏi sau 3 đợt thiên tai
Chiều 8/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp trực tuyến với các địa phương về công tác ứng phó bão Yinxing (bão số 7).
Theo dự báo, lúc 9h ngày 9/11, sức gió bão số 7 cấp 13-14, giật cấp 17 trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông Bắc. Dự kiến bão số 7 đổ bộ đất liền khu vực miền Trung vào đêm ngày 12, rạng sáng ngày 13/11.
Về dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Thông tin về diễn biến cơn bão, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho hay khi phân tích các yếu tố như tác động của đợt không khí lạnh khô, bề mặt nước biển lạnh nên cường độ bão nhiều khả năng có xu hướng suy yếu. Cường độ bão mạnh nhất chỉ ở thời điểm từ nay đến khi vào phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Sau đó nhiều khả năng bão suy yếu.
Các chuyên gia cũng dự báo cơn bão này có thể suy yếu khi vào đến vùng biển miền Trung.
“Chúng tôi cảnh báo Khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17, sóng biển cao 4,0-6,0 m, vùng gần tâm 8-10 m; biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi Quảng Bình - Quảng Ngãi khả năng có gió cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 12. Chúng tôi đặc biệt lưu ý tới tác động của sóng ở khu vực này,” ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.
Về công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 7, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 11h ngày 8/11, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 69.704 phương tiện/312.506 người biết diễn biến, hướng đi của bão, trong đó có 87 tàu/582 người (Nghệ An 24 tàu, Quảng Nam 01 tàu, Quảng Ngãi 47 tàu, Bình Định 15 tàu) hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa; hiện không có phương tiện nằm trong vùng nguy hiểm, các phương tiện nằm trong vùng ảnh hưởng đang di chuyển vòng tránh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý theo dự báo thì hiện nay đang là thời điểm mạnh nhất của bão, sau đó bão yếu dần đi tuy nhiên các địa phương không được chủ quan.
“Dự báo hiện nay còn khác nhau về đường đi, cường độ, thời điểm nhưng cơ bản các dự báo đều thống nhất bão sẽ đổ bộ vào Trung Trung Bộ. Đây là khu vực mà 10 ngày qua liên tiếp chịu ảnh hưởng của ba đợt thiên tai, mưa lớn, để lại hậu quả nặng nề chưa kịp khắc phục, người dân còn đang rất mệt mỏi, các địa phương cần lưu ý tập trung hỗ trợ người dân khi triển khai các biện pháp ứng phó tiếp theo,” Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra các vấn đề các địa phương không thể chủ quan với cơn bão này. Trước hết, về vấn đề hồ chứa, hiện nhiều hồ ở khu vực này đã đầy, nhiều hồ đang xả tràn cần vận hành một cách hợp lý. Bên cạnh đó, khu vực miền núi ở vùng này 10 ngày qua có mưa lớn đất đã ngậm no nước nên rất dễ xảy ra sạt lở, sạt trượt.
“Chúng tôi đề nghị các địa phương tập trung thực hiện công điện số 114/CĐ-TTg ngày 7/11/2024 của Thủ tướng Chính. Hiện nay bão chưa vào, do vậy đề nghị các địa phương tập trung nguồn lực tranh thủ khắc phục nhanh hậu quả của cơn bão số 6 và mưa lớn, ngập lụt thời gian qua,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các địa phương duy trì lực lượng 4 tại chỗ, tập trung chỉ đạo công tác chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn trên biển, đảm bảo thông tin liên lạc để kịp thời ứng phó với các tình huống khẩn cấp./.
(Vietnam+)
Theo TTXVN/Vietnam+