Thảo luận

Văn hóa làng quê Việt Nam truyền thống, hiện tại và những vấn đề đặt ra

Trần Quốc Dân(*) - 07:06 01/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Văn hóa làng quê là cội nguồn của nền văn hóa Việt Nam. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, văn hóa làng quê đã tạo dựng những giá trị riêng, đặc sắc, làm nên hồn cốt của dân tộc. Dưới tác động và ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đất nước và con người Việt Nam đang biến đổi hàng ngày trong đó có văn hóa làng quê Việt Nam.

Điều đó đặt ra yêu cầu phải nhận thức sâu sắc và những hành động cụ thể để gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của văn hóa làng quê vốn đã được các thế hệ người Việt chọn lọc qua thăng trầm thời gian, chính là giữ hồn cốt của người Việt, của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam, trong đó, vai trò của Hội Nông dân Việt Nam rất quan trọng.

Trải qua năm tháng, cổng làng không chỉ là nơi phân địa giới của làng, mà đã trở thành biểu tượng văn hóa của làng quê. (Trong ảnh: Cổng làng Vinh Thịnh, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ảnh: Trà Hương

Vài nét về văn hóa làng quê Việt Nam truyền thống

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, với bao biến đổi và thăng trầm, văn hóa Việt Nam đã hình thành, phát triển và tạo dựng nên những giá trị riêng, đặc sắc, làm nên hồn cốt của dân tộc. Cội nguồn của nền văn hóa Việt Nam chính là văn hóa làng quê. Đó là chiếc nôi hình thành, phát triển, nuôi dưỡng, trao truyền những giá trị văn hóa Việt Nam và nhân cách con người Việt Nam. Bước vào thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những giá trị tốt đẹp của văn hóa làng quê Việt Nam vẫn được gìn giữ, vui đắp, góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.

Làng quê Việt Nam từ xa xưa đã được xây dựng thành những tổ chức xã hội nhất định. Diện mạo của các tổ chức xã hội này được hình thành theo nhiệm vụ, được quy định trong hương ước, phong tục của làng. Hương ước của làng là một di sản văn hóa quý giá, có vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của làng quê Việt Nam. Làng là vùng đất do các nhóm người đầu tiên của làng đến khai phá, sinh sống và lập nghiệp. Vì vậy, làng là nơi cộng đồng dân cư được tập hợp theo quan hệ huyết thống, quan hệ địa vực và quan hệ nghề nghiệp. Làng quê Việt Nam chủ yếu là cộng đồng của những người tiểu nông trồng lúa nước và là nơi sản xuất tự cung, tự cấp là chính. Ở mỗi vùng miền của đất nước, làng có những đặc trưng riêng. Từ đó hình thành nên văn hóa gia đình và nhân cách con người ở mỗi vùng miền, với những nét khác biệt.

Ngay từ lúc còn sơ khai, làng quê Việt Nam đã là một cộng đồng văn hóa. Do nhu cầu sống, tổ chức sản xuất, chống chọi với thiên tai, địch họa mà cư dân trong làng đã cố kết lại với nhau thành cộng đồng bền chặt. Làng quê Việt Nam từ bao đời nay là nơi người dân cư trú, sinh sống, lao động, sản xuất và tổ chức mọi sinh hoạt văn hóa đồng thời là nơi cố kết mối quan hệ dòng tộc, xóm giềng. Văn hóa làng chính là hệ thống những giá trị hình thành qua bao đời, là công cụ, phương tiện tổ chức và duy trì toàn bộ hoạt động của cư dân. Người dân trong làng sống nặng tình nghĩa, giúp đỡ nhau lúc tắt lửa tối đèn. Tình làng nghĩa xóm, quan hệ láng giềng ràng buộc con người trong nếp sống, kỷ cương của làng.

Làng quê ở mỗi vùng miền có những yếu tố văn hóa khác nhau, làng quê ở Nam Bộ khác với làng quê ở Bắc Bộ, nhưng về tổng thể thì cấu trúc của làng quê có nhiều điểm giống nhau, vì đó là sự phản ánh sự di cư của mô hình làng quê từ Bắc vào Nam. Vì thế khi nói đến làng quê Việt Nam người ta thường nói đến làng quê ở Bắc Bộ, văn hóa làng quê Việt Nam truyền thống thể hiện rõ nét nhất trong văn hóa làng quê Bắc Bộ. Quan sát làng quê Bắc Bộ, ta thường thấy điểm nhấn của làng quê là ngôi đình, ngôi chùa, cây đa, bến nước, sân đình, con đê, chợ làng, vài ba hàng quán đầu làng. Hầu hết các làng đều có lũy tre bao bọc xung quanh. Lũy tre làng là áo giáp chở che làng, bảo vệ tốt nhất cho cuộc sống của dân làng. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, làng dựa vào lũy tre trở thành pháo đài chống giặc. Cây tre trở thành biểu tượng kiên cường, bất khuất của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. 

Điểm nhấn đặc trưng của văn hóa làng quê Việt Nam truyền thống cần phải nhắc đến: chùa làng, đình làng; đời sống tôn giáo, tín ngưỡng; cơ chế hoạt động; phong tục, tập quán; cách ứng xử; phương thức hoạt động... Chùa làng thường gắn với đình làng, đó là bộ đôi trong tâm thức người Việt. Chùa làng nhằm đáp ứng nhu cầu rất sâu đậm của đời sống thôn quê. Người dân đến chùa là tìm đến sự bình yên trong cõi lòng mình, để tìm đến điều thiện, để cầu mong những điều mình mơ ước. Đình làng được coi là trung tâm của làng, là nơi thờ Thành hoàng làng, nơi tổ chức các hoạt động hành chính của làng và là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa của làng. Đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân thể hiện rõ nhất trong việc thờ cúng tổ tiên. Đó là sự thể hiện lòng biết ơn những bậc sinh thành, đến công lao của tổ tông đã gây dựng nên nền nếp gia phong, truyền thống của gia đình. Hương ước là luật lệ của làng được ghi thành văn bản, có tính bắt buộc các thành viên của làng phải tuân thủ. Nó quy định cơ chế và phương thức hoạt động, phong tục và tập quán, mối quan hệ ứng xử nội bộ trong làng. Hương ước gắn bó các thành viên trong một cộng đồng tương đối chặt chẽ và tự nguyện, lệ thuộc lẫn nhau, phục tùng các quy định và sự quản lý của làng. 

Các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng, văn hóa làng quê Việt Nam truyền thống là kết quả của quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm và lao động sản xuất của con người để hình thành nên những nét đặc trưng riêng của xã hội Việt Nam, nó được nảy sinh trên nền tảng sinh hoạt của con người trong khung cảnh làng quê ở nông thôn. Văn hóa làng quê trùm lên, bao bọc mỗi đời người được sinh ra và lớn lên ở làng quê, nó truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và trở thành cuội nguồn của nền văn hóa dân tộc. Văn hóa làng quê có tính đa dạng, những hoạt động trong làng rất phong phú và mang tính cộng đồng cao. Văn hóa làng quê Việt Nam ngày nay vẫn mang bản sắc của một lối sống có mối quan hệ chặt chẽ, là nơi mà quyền lợi của mỗi thành viên và quyền lợi của cả làng gắn bó.

Nhân dân quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm giờ là ý thức tự giác của mỗi người dân ở xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tirnh Thái Nguyên. 

Văn hóa làng quê Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Dưới tác động và ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đất nước và con người Việt Nam đang biến đổi hàng ngày trong đó có văn hóa làng quê Việt Nam. Sự biến đổi của văn hóa làng quê là xu hướng mang tính quy luật trong sự vận động, phát triển của văn hóa. Khi có sự tác động của môi trường sống thay đổi, con người và văn hóa cũng dần biến đổi cho phù hợp với yêu cầu cuộc sống. Đó là kết quả của sự tiếp biến văn hóa một cách tự nguyện, tự giác do vai trò tự điều chỉnh văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi nhóm người trong cuộc sống cộng đồng để cùng thích ứng với đời sống xã hội hiện tại.

Biến đổi văn hóa làng quê đó là những sự vận động, thay đổi của bức tranh văn hóa làng quê nói chung, cũng như sự biến đổi của các thành tố, phương diện trong chỉnh thể đời sống văn hóa của làng quê. Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ngày càng sâu rộng, nhanh chóng như hiện nay, những biến đổi trong bức tranh văn hóa của làng quê diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Đó là sự thay đổi từ lối sống, cách sinh hoạt, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, đến cách tư duy, nếp nghĩ, hệ giá trị, các phong tục tập quán… Một quá trình chuyển đổi cơ cấu văn hóa tinh thần đang diễn ra do những biến đổi sâu sắc của đời sống kinh tế - xã hội, với xu hướng tiếp biến, đan xen giữa các yếu tố cũ và mới, nông nghiệp và công nghiệp, truyền thống và hiện đại…

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, quá trình biến đổi văn hóa làng quê Việt Nam diễn ra tập trung ở một số phương diện cơ bản sau:

Một là, biến đổi không gian làng

Làng quê Việt Nam truyền thống, nhất là các làng quê Bắc Bộ, với đặc trưng không gian tương đối khép kín, lũy tre làng bao quanh được xem như ranh giới giữa không gian cư trú và không gian sản xuất của làng. Hiện nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, cùng với sự thu hẹp đáng kể của diện tích đất nông nghiệp đã làm không gian cảnh quan ở các làng quê biến đổi rõ rệt. Bên cạnh không gian cư trú truyền thống được định vị theo các lối xóm là những hình thức tập trung dân cư mới theo nghề nghiệp, những xóm mới, phố - làng mới… khiến cho không gian cư trú và không gian sản xuất ở các làng quê hiện nay gắn bó chặt chẽ với nhau, không phân biệt rõ ràng như trước kia. Những ao, hồ, mương máng có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người nông dân xưa hiện cũng bị san lấp, thu hẹp đáng kể do sức ép của sự gia tăng dân số cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Các công trình như trường học, nhà văn hóa, sân chơi, thư viện, chợ… được xây dựng, mở mang cùng hệ thống đường giao thông quy hoạch rộng rãi khiến cho làng quê mang dáng dấp của các đô thị. Nhìn chung, không gian cảnh quan ở các làng quê hiện nay đã không còn khép kín như xưa mà ngày càng trở nên hiện đại với tính mở, linh hoạt rõ rệt.

Hai là, biến đổi trong quan hệ gia đình, họ hàng, làng xã

Gia đình, họ hàng, làng xã là những thiết chế xã hội - văn hóa đặc trưng ở các làng quê Việt Nam truyền thống, thể hiện tập trung và tiêu biểu những đặc tính trong đời sống xã hội của cộng đồng làng quê. Cùng với những tác động và ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế, thiết chế gia đình, họ hàng, làng xã và những mối quan hệ xã hội liên quan ở các làng quê hiện nay cũng đang chứng kiến những đổi thay rõ nét. 

Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, sợi dây gắn kết giữa các thế hệ, thành viên trong gia đình nông thôn hiện nay đang có chiều hướng suy giảm. Sự đa dạng hóa và khác biệt về lao động, việc làm cùng những mối quan tâm, ưu tiên riêng của các thành viên khiến cho những hoạt động chung của các thành viên trong gia đình ngày càng ít đi. Bên cạnh sự gắn kết gia đình, mối quan hệ họ hàng, làng xã - mạng lưới liên kết đặc trưng cho lối sống cộng đồng làng quê cũng đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể do tác động và ảnh hưởng của những biến đổi trong đời sống kinh tế - xã hội. Sự gắn bó, tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên, gia đình trong họ tộc, hàng xóm láng giềng, nhất là mỗi khi có công việc quan trọng như hiếu, hỷ… tuy vẫn được coi trọng, duy trì nhưng không còn đóng vai trò là nhân tố thiết yếu như trước đây.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội chuyển đổi, sự đa dạng của các hoạt động nghề nghiệp, việc làm khiến cho nhiều người trở nên bận rộn với công việc riêng, ít thời gian rảnh rỗi để qua lại, thăm hỏi nhau như trước kia… Bên cạnh đó, khi đời sống vật chất không ngừng được nâng lên, sự xuất hiện của những ngôi nhà kiên cố, “kín cổng cao tường” ngày càng phổ biến, khiến cho hoạt động gặp gỡ, trò chuyện giữa những người hàng xóm láng giềng bị hạn chế. Điều đó góp phần làm cho nhiều người dân, hộ gia đình vốn gần gũi, thân tình trước kia, nay dần trở nên xa cách hơn. Ngoài ra, lối sống và thói quen tiêu dùng đô thị với mạng lưới dịch vụ ngày càng được mở rộng, phát triển ở các làng quê hiện nay khiến cho nhiều người có thói quen sử dụng các dịch vụ, tiện ích có sẵn mỗi khi có công việc thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ từ họ hàng, láng giềng như trước kia. Điều đó khiến cho mức độ phụ thuộc, ràng buộc của các thành viên, gia đình trong họ tộc cũng như giữa những người hàng xóm láng giềng có xu hướng suy giảm.

Ba là, biến đổi di tích, tín ngưỡng, lễ hội và các phong tục tập quán

Đời sống kinh tế ngày càng khởi sắc, người dân ở các làng quê có điều kiện quan tâm hơn đến việc bảo tồn, giữ gìn các di tích cũng như phục dựng các lễ nghi, lễ hội của làng. Các di tích được đầu tư nhiều tiền của, công sức tu bổ, làm mới, được đưa trở lại với ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Các sinh hoạt văn hóa truyền thống, nhất là lễ hội cổ truyền được tiếp nối, duy trì, ngày càng trở nên đặc sắc hơn với nguồn kinh phí tổ chức và nhân lực tham gia không ngừng được tăng cường, xã hội hóa. Bên cạnh các nghi lễ, trò vui truyền thống, lễ hội làng cũng được bổ sung nhiều hoạt động mới mang hơi thở cuộc sống đương đại, các trò chơi giải trí, hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ đặc sắc. Cùng với nỗ lực tiếp nối và bảo lưu giá trị, ý nghĩa của lễ hội làng, người dân ở các làng quê cũng đang ngày càng có xu hướng trở lại với những thực hành tín ngưỡng truyền thống khi điều kiện kinh tế, đời sống vật chất có bước tiến đáng kể so với trước đây.

Các phong tục tập quán, lối sống của người dân ở làng quê có sự biến đổi rõ nét khi tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm và cùng với đó là xu hướng đa dạng hóa trong cơ cấu nghề nghiệp, việc làm. Một bộ phận dân cư đã chuyển hẳn sang các hoạt động kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ, làm công nhân trong các khu công nghiệp… khiến cho nhịp sống, lối sống của dân làng cũng trở nên sôi động, khẩn trương hơn; việc tuân thủ giờ giấc được chú trọng với tác phong nhanh nhẹn, năng động. Cùng với sự mở rộng, phát triển của mạng lưới dịch vụ, người dân ở các làng quê ngày càng trở nên quen thuộc với kiểu tư duy cần gì là có thể mua chứ không phải chạy sang hàng xóm vay, mượn như trước kia; và đi cùng với đó là lối sống gắn với sự nhanh nhạy, năng động, linh hoạt và bình đẳng của thị trường. Chính vì lẽ đó, bên cạnh lối sống nghĩa tình vẫn được duy trì, xuất hiện lối ứng xử, lối sống theo kiểu dịch vụ, thị trường, coi trọng sự minh bạch, sòng phẳng. Nhìn chung, bức tranh lối sống ở nhiều làng quê hiện nay có sự pha trộn, đan xen giữa nông nghiệp và công nghiệp, truyền thống và hiện đại, nông thôn và đô thị.

Các phong tục tập quán là những yếu tố vốn có tính ổn định, bền vững, tuy nhiên cũng đang có nhiều biến đổi do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Nhìn chung, các phong tục tập quán truyền thống như hiếu, hỷ, giỗ chạp… vẫn được coi trọng, tiếp nối truyền thống, nhưng đã có sự cải biến theo hướng hiện đại, giản tiện hơn về thời gian cũng như những nghi lễ phức tạp, rườm rà để phù hợp với nhịp sống, lối sống công nghiệp, đô thị. Việc lựa chọn, sử dụng các loại hình dịch vụ thay vì trông cậy vào sự trợ giúp của họ hàng, xóm giềng của người dân và các hộ gia đình mỗi khi có công việc cũng có xu hướng gia tăng. Những sự thay đổi đó dựa trên nền tảng đời sống kinh tế ngày càng sung túc, dồi dào hơn, cũng như sự gần gũi, giao thoa của các làng quê với khu vực đô thị, làm nên tính chất đan xen văn hóa làng - phố rất đặc trưng ở nhiều làng quê Việt Nam hiện nay.

Bốn là, biến đổi trong hoạt động tiếp cận thông tin và giải trí

Đi cùng những đổi thay mạnh mẽ và sâu sắc của đời sống kinh tế - xã hội, nhu cầu và các hoạt động, phương thức trao đổi thông tin, giải trí của người dân ở làng quê cũng không ngừng được mở rộng, đa dạng hóa. Bên cạnh các hoạt động văn hóa quần chúng, hệ thống đài truyền thanh, truyền hình cũng được phủ sóng đến từng thôn xóm, hệ thống thư viện, phòng đọc đáp ứng nhu cầu thông tin, tri thức đa dạng của người dân, hệ thống tiếp cận thông tin trong các gia đình cũng ngày càng được mở rộng, hiện đại hóa với những phương tiện nghe nhìn hiện đại: tivi, radio, điện thoại, máy vi tính có kết nối internet... Nhiều kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng nông thôn sử dụng các sản phẩm công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số có kết nối internet đạt trên 90% và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Bên cạnh các hoạt động giải trí, việc chăm sóc sức khỏe, hưởng thụ cuộc sống của người dân cũng ngày càng được quan tâm hơn. Nhiều hoạt động, loại hình câu lạc bộ, hội nhóm văn nghệ, thể dục thể thao xuất hiện, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân tùy theo sự phù hợp về sở thích, nghề nghiệp, lứa tuổi...; mức độ tin tưởng và tham gia của người dân vào các tổ chức, hội nhóm không ngừng tăng lên. Bên cạnh đó, những hình thức giải trí, sử dụng thời gian nhàn rỗi vốn thường thấy ở các cư dân đô thị như mua sắm, tham quan, du lịch… cũng xuất hiện và ngày càng phổ biến trong đời sống của cộng đồng dân cư ở các làng quê.

Đại hội thể dục thể thao xã Long Thắng được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng xã Long Thắng, huyện Lai Vung, Đồng Tháp.

 Những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển làng quê Việt Nam

Các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, làng quê Việt Nam hiện nay đang chịu sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố, những yếu tố quốc tế và những yếu tố trong nước, những yếu tố khách quan và chủ quan. Chính vì vậy, việc phát huy bản sắc, giá trị văn hóa làng quê Việt Nam hiện nay cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề. Theo PGS.TS Vũ Thị Phương Hậu có những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, về chủ thể của văn hóa làng quê - người nông dân. Người nông dân hôm nay không còn cảnh quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa”. Người nông dân đã biết lên sàn thương mại điện tử, khớp lệnh giao dịch bán nông sản đi khắp cả nước, thậm chí ra nước ngoài. Người nông dân không chỉ “ăn bữa nay lo bữa mai” mà đang cháy bỏng khát vọng làm giàu. Người nông dân không chỉ quanh quẩn trong lũy tre làng mà đã đi muôn nơi để mưu sinh, để học hỏi kinh nghiệm làm ăn, buôn bán. Người nông dân không chỉ chân chất như củ khoai, củ sắn mà đã biết tính toán lợi nhuận. Người nông dân không chỉ là người có tư duy sản xuất nông nghiệp mà là người nông dân có tư duy kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cũng đã có một bộ phận người nông dân tha hóa, sản xuất nông sản không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, biết buôn gian, bán lận, thực dụng, chạy theo tiếng gọi của đồng tiền mà quên mất những giá trị truyền thống tốt đẹp. Như vậy, sự lựa chọn giá trị của người nông dân đã bắt đầu có những thay đổi. Nếu không có sự định hướng tốt, rất có thể những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp sẽ bị coi nhẹ, giá trị vật chất sẽ lên ngôi.

Thứ hai, về phương thức sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0 đã có sự thay đổi lớn lao so với sản xuất nông nghiệp của giai đoạn trước. Khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến được áp dụng vào để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chuỗi giá trị gia tăng. Nhịp sống chậm rãi, mùa vụ vốn là đặc trưng của xã hội nông nghiệp giờ cũng trở nên nhanh chóng hơn. Lối sống, nếp sống và những sinh hoạt văn hóa truyền thống gắn bó với phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sẽ bị phai nhạt, dần thay thế bằng những lối sống, nếp sống mới. Trong thời buổi đổi thay này, nếu không có bản lĩnh văn hóa để thích ứng một cách khoa học và có đạo lý với nhịp sống mới thì dễ dẫn đến sự xung đột giữa các thế hệ, xung đột giữa các giá trị truyền thống và các giá trị mới hình thành.

Thứ ba, về không gian làng quê. Quá trình đô thị hóa và sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ cảnh quan làng quê Việt Nam. Một mặt, diện mạo làng quê trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn với hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Nhưng mặt khác, cấu trúc không gian làng quê truyền thống đang bị thay đổi một cách tùy tiện. Nhiều di sản văn hóa ở làng quê đứng trước nguy cơ mai một, thậm chí biến mất. Trong lúc các thiết chế văn hóa mới chưa thực sự có chỗ đứng trong tâm thức của người dân thì các thiết chế văn hóa truyền thống đã bị mai một. Bản sắc và các giá trị văn hóa được hình thành trong một môi trường sinh thái nhân văn nhất định. Môi trường sinh thái nhân văn là tổng hòa của những yếu tố tự nhiên và văn hóa, xã hội tác động đến sự hình thành, phát triển con người với tư cách vừa là một sinh thể tự nhiên, vừa là một sinh thể xã hội. Môi trường sinh thái nhân văn vừa là không gian sống, vừa là không gian thực hành văn hóa của con người. Nó có ý nghĩa rất lớn đến sự hình thành những đặc trưng văn hóa, bản sắc văn hóa của các cộng đồng người. Những cư dân sống trong vùng văn hóa biển có những phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng… khác với những cư dân ở vùng văn hóa đồng bằng hay trung du, miền núi. Không gian văn hóa biến đổi sẽ khiến các sáng tạo và thực hành văn hóa gặp nhiều khó khăn, thậm chí là lụi tàn.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế ở làng quê Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ, kéo theo những biến động văn hóa ở khu vực này. Trong giai đoạn mới, xu hướng vận động và biến đổi ngày càng phức tạp, nhanh chóng hơn đòi hỏi chúng ta nhận thức sâu sắc rằng gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của văn hóa làng quê vốn đã được các thế hệ người Việt chọn lọc qua thăng trầm thời gian, chính là giữ hồn cốt của người Việt, của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Văn hóa là bản sắc, là biểu tượng nhận diện, văn hóa cũng là kháng thể để người Việt vững vàng trước mọi biến động và thử thách của thời cuộc. Bởi vậy, Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể nhất là Hội Nông dân Việt Nam cần phải có sự định hướng rõ ràng, hệ thống chính sách phải đi vào thực tiễn cuộc sống, phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Những chương trình, dự án cụ thể về lĩnh vực này cần được triển khai nhiều hơn, quy mô hơn nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, vươn lên của nông dân. Xây dựng làng quê Việt Nam ổn định, dân chủ, văn minh, hiện đại, có đời sống văn hoá phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. 

 (*) Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thị Phương Châm, Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, Nxb Văn hóa - Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội, 2009.
2. Vũ Thị Phương Hậu, Một số biến đổi trong văn hóa làng ở đồng bằng Bắc Bộ, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 8, 2017.
3. Nguyễn Đắc Hưng, Văn hóa làng và nhân cách người Việt, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017.
4. Phùng Hữu Phú, Đô thị hóa ở Việt Nam - từ góc nhìn nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Tạp chí Tuyên giáo, số 3, 2009.
5. Nguyễn Thị Phương, Biến đổi của gia đình nông thôn trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, tapchicongsan.org.vn, 18-12-2020.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác