Du lịch

Về Đường Lâm thăm lăng mộ hai Vua

Minh Tú - 13:16 08/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Cách trung tâm Thủ đô chưa tới 50km, có một ngôi cổ trấn bình yên đã tồn tại hàng ngàn năm, đó là làng Đường Lâm. Ngôi làng cổ kính này không chỉ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách về kiến trúc, cảnh quan độc đáo mà còn là nơi sinh ra hai vị vua, hai vị Anh hùng Dân tộc đã để lại những mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.

Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, vị vua "Cha Mẹ" của dân
Cho đến ngày nay, vẫn còn sự khác nhau giữa các quan điểm về gia thế của Phùng Hưng nhưng các tài liệu đều có điểm chung đó là: Phùng Hưng sinh ở Đường Lâm, là con cả của vị quan lang Đường Lâm là Phùng Hạp Khanh. Phùng Hưng cùng hai người em trai đều có sức khỏe, võ nghệ hơn người, sức có thể đánh hổ, nâng đá nghìn cân. Việt Nam thời thuộc Đường gọi là An Nam đô hộ phủ, khi đó đang nằm dưới ách cai trị hà khắc của bọn quan đô hộ. Các quan đô hộ nhà Đường ra sức vơ vét của cải của người dân Việt Nam, bắt người dân Việt phải đóng sưu cao thuế nặng khiến lòng người ngày càng căm phẫn. Năm 767, Cao Chính Bình, hiệu úy châu Vũ Định (miền Việt Bắc) giúp kinh lược sứ An Nam là Trương Bá Nghi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Chà Và (Java) ở Chu Diên, sau đó được cử làm đô hộ An Nam. Chính Bình ra sức vơ vét của cải của nhân dân, đánh thuế rất nặng.

Đền thờ Bố Cái Đại Vương tại Đường Lâm

Phùng Hưng cùng các em dựng cờ khởi nghĩa và được nhân dân đi theo rất đông. Dưới sự bày mưu, tính kế của Đỗ Anh Hàn (người làng Đường Lâm), nghĩa quân Phùng Hưng nhanh chóng làm chủ nhiều vùng đất rộng lớn và giao chiến với quân chủ lực nhà Đường nhiều lần. Tháng 4 năm 791, Phùng Hưng chia quân làm 5 mũi, do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bố Bá Cần vây kín thành Tống Bình, nơi đặt Đô hộ Phủ của Cao Chính Bình giao chiến ác liệt với 4 vạn quân Đường. Sau 7 ngày, chịu sự thiệt hại nặng nề và nguy cơ thất bại lộ rõ, Cao Chính Bình lo lắng mà chết, nghĩa quân đã chiếm được “An Nam La thành”, làm chủ miền trung tâm đầu não của đất nước, khi ấy còn mang tên là Tống Bình. 
Nhiều tài liệu của Trung Quốc cũng như Việt Nam cổ đã ghi chép lại sự kiện, nhân vật có thật này. Cựu Đường thư do Lưu Hú soạn từ năm 941 đến năm 945 chép: “Mùa Hạ, tháng 4 (lược 1 đoạn) Kỷ Mùi, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản, tấn công đô hộ phủ. Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng mà chết”. Tư trị thông giám do Tư Mã Quang soạn hoàn thành năm 1084 chép: “An Nam Đô hộ Cao Chính Bình đánh thuế nặng. Mùa Hạ tháng 4, bọn Quần Man tù trưởng, Đỗ Anh Hàn khởi binh vây đô hộ phủ. Chính Bình lo lắng mà chết”. 

Đền thờ có hình dáng uy nghiêm như ngày nay là do có một đợt trùng tu lớn vào năm 1889 (đời vua Thành Thái).

Ở làng Đường Lâm hiện vẫn còn một tấm bia rất cổ và quý hiếm (niên đại 1390) ghi lại sự tích từ thời cổ đại – thế kỷ thứ VIII – của vị Đại Vương là người làng. Bia có ghi Niên hiệu là Quang Thái năm thứ 3 (Trần Thuận Tông -1390) mùa Xuân tháng 2, ngày 18. Các chi tiết ghi trong bia này phù hợp với sự ghi chép trong bộ sách của triều đình nhà Trần là Việt Điện U Linh tập do Lý Tế Xương viết năm 1329 đều ghi chép về vị vua Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Triều đại của Phùng Hưng chỉ kéo dài 13 năm ngắn ngủi và kết thúc bằng việc ông lâm bệnh, qua đời, con ông là Phùng An đã đầu hàng quân Đường. Nhưng sự thành công của ông trong việc đánh đuổi quân đội xâm lăng hùng mạnh đó đã gieo vào trong lòng người dân Đại Việt một tinh thần bất khuất, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ độc lập tự do của nước nhà.

Ngay từ khi Phùng Hưng mất năm 802, dân chúng tại quê nhà đã lập miếu thờ với tên Bố Cái Đại Vương (Bố nghĩa là Cha, Cái nghĩa là Mẹ) đủ để thấy ông chính là một vị Vua của nhân dân. Trải qua hơn 1.000 năm, các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều có trùng tu, sửa chữa và sắc phong cho Bố Cái Đại Vương. Đền thờ có hình dáng uy nghiêm như ngày nay là do có một đợt trùng tu lớn vào năm 1889 (đời vua Thành Thái).
Ngô Quyền, vị “vua của các vua”
100 năm sau khi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng qua đời, mảnh đất Đường Lâm lại sản sinh ra một vị Vua lẫy lừng đó là Ngô Quyền. Người đã đánh tan quân Nam Hán bằng trận Bạch Đằng Giang lịch sử, chính thức mở ra một thời kỳ độc lập, tự chủ cho Việt Nam sau gần 1.000 năm Bắc thuộc. Năm 907 nhà Đường sụp đổ, đất nước Trung Quốc chia năm, xẻ bẩy, phía Nam có Lưu Nghiễm tự xưng là vua Nam Hán. Hướng bành trướng chủ yếu của Nam Hán là phương Nam, nhằm vào đất nước ta, một đất nước giàu có và giữ vị trí trọng yếu của vùng Đông Nam Á.

Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có tên là đồi Cấm, mặt hướng về phía Đông.

Năm 930, vua Nam Hán đã mở cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ Nhất. Chúng đã đánh bại được chính quyền của Khúc Thừa Dụ, chiếm được phủ thành Đại La. Năm 931, Dương Đình Nghệ đã dấy quân từ châu Ái, nhanh chóng quét sạch quân giặc ra khỏi nước nhà, giành lại chủ quyền dân tộc. Lưu Nghiễm thấy nước ta lớn mạnh nên chưa dám xâm lược lần nữa mà đi con đường ngoại giao, phong cho Dương Đình Nghệ làm Tiết Độ sứ. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn ám hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Lo sợ bị con rể của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền trả thù, Kiều Công Tiễn đã cho người sang cầu cứu vua Nam Hán. Nhân thời cơ nước ta nội loạn, Nam Hán phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ Hai.

Đến tháng 10 năm 938, Ngô Quyền thần tốc tiến quân từ vùng châu Ái ra Đại La, đánh tan và tiêu diệt kẻ “bán nước cầu vinh” Kiều Công Tiễn, trừ mối họa bên trong và làm thất bại ngay từ đầu âm mưu dùng nội ứng của Nam Hán. Lúc này, vua Nam Hán sai con trai là Thái tử Giao Vương Lưu Hoằng Tháo thống lĩnh quân thủy vượt biển tiến vào nước ta. Vua Nam Hán cũng đích thân đem quân áp sát biên giới để yểm trợ, gây thanh thế cho con và sẵn sàng tiếp ứng khi cần thiết. 
Sau khi nghiên cứu kỹ hướng tiến quân của địch, Ngô Quyền quyết định chọn cửa sông Bạch Đằng làm nơi quyết chiến. Ngô Quyền không những biết lợi dụng địa hình thiên nhiên, để ém quân mai phục, phối hợp bộ binh với thủy binh, ông còn là người biết lợi dụng thủy triều sớm nhất trong lịch sử quân sự nước ta, gắn với việc bố trí bãi cọc ngầm nổi tiếng. Dưới sự chỉ huy thiên tài của Ngô Quyền, bãi cọc ngầm, quân thủy, quân bộ đã phối hợp bao vây, tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của giặc, giết chết Thái tử Giao Vương Lưu Hoằng Tháo, giành thắng lợi oanh liệt, đập tan mộng xâm lược bành trướng của triều Nam Hán. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 đã ghi vào lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử chống ngoại xâm nói riêng, như một sự kiện trọng đại có vị trí và ý nghĩa lịch sử hết sức lớn lao. Đây được coi là cột mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Chiến thắng đã giúp phá bỏ nền thống trị hơn 1.000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc ta.

Lăng Ngô Quyền được xây cách Đền thờ khoảng 100m

Ngô Quyền - người anh hùng của chiến thắng oanh liệt trên sông Bạch Đằng năm 938 - trở thành vị vua có "công tái tạo, vua của các vua" theo như nhận định của Đại Việt sử ký toàn thư. Ông xứng đáng với danh hiệu là "Vị tổ trung hưng" của dân tộc như nhà yêu nước Phan Bội Châu lần đầu tiên đã nêu lên trong Việt Nam quốc sử khảo.
Đền và lăng Ngô Quyền được xây dựng trên một đồi đất cao, có tên là đồi Cấm, mặt hướng về phía đông. Đền thờ được xây ở phía trên, cách lăng khoảng 100m. Phía trước lăng là một cánh đồng rộng nằm giữa 2 sườn đồi; một nguồn nước gọi là vũng Hùm chảy ra sông Tích; bên cạnh đó là đồi Hổ Gầm, tương truyền xưa là nơi thuở nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, cắt cỏ và tập luyện võ nghệ.

Đây có lẽ là vị trí đẹp nhất của ấp Đường Lâm xưa.

Đền thờ Ngô Quyền được xây bên sườn đồi. Các đồ thờ tự như: Tượng Ngô Quyền, long ngai bài vị, hương án, giá văn, lộc bình... được bài trí trong Hậu cung. Đại bái trưng bày rất nhiều hiện vật, trong đó chú ý là các cọc ngầm đóng trên sông Bạch Đằng... nói lên thân thế và sự nghiệp của Ngô Quyền. Ngay cạnh đền, phía trước là lăng Ngô Quyền, xây theo hình 4 mái trên bệ cao, có tường gạch bao quanh. Giữa lăng là ngai thờ, bên trong có bia đá “Tiền Ngô vương lăng”, niên đại Minh Mệnh thứ Hai (1821). Trước lăng là những rộc sâu, tương truyền là hồ sen nơi thủa nhỏ Ngô Quyền thường cùng bạn chăn trâu, bơi lặn và tập trận.

Đặc biệt, nơi đây còn nguyên rặng cây ruối cổ với 18 cây, tương truyền là nơi Ngô Quyền đã buộc voi khi về thăm Đường Lâm.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác