Đến xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, tỉnh Sơn La vào những ngày giữa tháng 7, sau trận mưa tầm tã, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thuần khiết, đầy thơ mộng của “miền quê cổ tích” này. Từ dưới thung lũng đến những sườn đồi, dải ruộng bậc thang và cả những dãy núi cao hùng vĩ trải dài, bao bọc quanh các bản làng nơi đây đều phủ một màu xanh mướt mát của lúa, của rừng và cây trái. Dòng suối Chiến uốn lượn, chảy róc rách suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Tiếng gió lao xao, thổi nhè nhẹ giữa không gian mênh mang, khoáng đạt của núi rừng khiến Ngọc Chiến vốn đã mát mẻ lại càng thêm cuốn hút bởi cảm giác thư thái, bình yên đến lạ.
So với 5 năm trước, cung đường từ trung tâm huyện Mường La vào Ngọc Chiến dù vẫn quanh co, nhiều dốc nhưng nay đi lại khá dễ dàng bởi con đường đã được đầu tư mở rộng và cứng hoá. Hai bên đường, thi thoảng có những điểm để du khách dừng chân nghỉ ngơi, tranh thủ chiêm ngưỡng cảnh sắc và check - in cùng những sản phẩm mang đậm bản sắc vùng cao, được tạo ra từ những vật liệu có sẵn trên rừng, dưới suối bằng bàn tay khéo léo, tài hoa của người dân bản địa, như: Cọn nước, hàng rào đá, cổng chào đá, bình đá...
Trò chuyện với chúng tôi, anh Tráng A Mua, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, cho biết: Ngọc Chiến có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân. Thời gian qua, song song với việc tăng cường quản lý, tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của địa phương, các hoạt động kích cầu du lịch như Ngày hội hoa sơn tra, lễ hội mừng cơm mới... được duy trì đã giúp Ngọc Chiến trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Để thu hút du khách, chúng tôi đã phát triển các mô hình homestay tắm khoáng mó nước nóng tại các bản Đông Xuông, bản Lướt, bản Nà Tau, bản Mường Chiến, bản Nậm Nghẹp, bản Phày. Đồng thời, xây dựng và quảng bá các điểm du lịch, như: Lẩu Xá (bản Kẻ), Tà Chì Nhù (bản Nậm Nghẹp), Thác nước, cọn nước (bản Mường Chiến), điểm du lịch tâm linh Đông Hó (bản Mường Chiến), Nhà thờ cây sa mu (bản Nà Tâu).
Chị Minh Ngọc, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Tôi đến Ngọc Chiến lần này là lần thứ 3. Buổi tối, tôi bắt xe khách từ Hà Nội đi tới sáng thì đến thành phố Sơn La. Từ thành phố Sơn La, tôi đi xe buýt vào Ngọc Chiến. Thật là tuyệt vời, khí hậu Ngọc Chiến rất mát mẻ, trong lành; cảnh quan thiên nhiên rất đẹp. Bạn bè tôi cũng rất thích đến Ngọc Chiến để trực tiếp trải nghiệm rừng sơn tra lớn nhất Việt Nam, ngắm những kiến trúc bằng đá đầy sáng tạo, những nếp nhà sàn lợp gỗ pơ mu nhuốm màu thời gian, chiêm ngưỡng cây sa mu hơn ngàn năm tuổi, tắm suối khoáng nóng và thưởng thức những món ăn được chế biến từ đặc sản địa phương như: lợn còi, gà đen, cá suối…
Thực hiện Quyết định số 1443/QĐ-UBND ngày 19/6/2018 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt và triển khai dự án “Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng” trên địa bàn huyện Mường La, mô hình điểm du lịch cộng đồng được UBND huyện Mường La triển khai tại xã Ngọc Chiến. Từ nguồn vốn gần 1 tỷ đồng, dự án đã hỗ trợ 5 gia đình tại bản Nà Tâu và bản Lướt cải tạo nhà ở, đón khách, làm du lịch cộng đồng.
Kết thúc dự án, trên cơ sở 5 mô hình homestay đang phát triển, tháng 7/2020, hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ngọc Chiến được thành lập. Qua 4 năm phát triển, hiện hợp tác xã có 24 hộ thành viên. Từ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai mô hình, kết hợp với kiến thức được học hỏi thông qua các buổi tập huấn, tham quan học hỏi kinh nghiệm, các mô hình homestay trong hợp tác xã được xây dựng có quy hoạch, đi vào hoạt động ổn định, đem lại sinh kế cho người dân.
Ông Lò Văn Pháng, chủ homestay Hương Rừng, một mô hình tiêu biểu của hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ngọc Chiến cho biết: Khi nhà tôi “bắt tay” vào làm du lịch, cả xã mới chỉ có 5 hộ được chọn để thí điểm làm homestay theo dự án “Cải thiện sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng”. Khởi đầu muộn nhưng có quy hoạch rõ ràng, có nhiều mô hình hay để tham khảo, học hỏi. Điều quan trọng nhất trong làm du lịch cộng đồng là đảm bảo tiện nghi cho du khách nhưng vẫn giữ gìn và lan tỏa nét đẹp độc đáo của địa phương. Các nhà nghỉ trong khu homestay của tôi đều là nhà sàn, được dựng bằng gỗ pơ mu thu thập từ các ngôi nhà cổ. Nhà nghỉ được trang trí bằng các nông sản địa phương như bắp ngô khô, cành sơn tra, kiến trúc từ đá, xen lẫn với các loại hoa, cây cảnh trồng trong khuôn viên. Mỗi năm, mô hình này đem lại thu nhập cho gia đình tôi khoảng 300 triệu đồng.
Để tạo sức hút với du khách, các thành viên trong hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ngọc Chiến luôn tự mày mò học hỏi, tham gia các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng làm du lịch, phục vụ khách, cách quảng bá homestay. Những ngày thường, bà con cũng tự chỉ bảo nhau cách giao tiếp với khách, cách nấu ăn, tổ chức hoạt động vui chơi, nghỉ dưỡng để khách du lịch trải nghiệm như: múa xòe, dệt thổ cẩm, đan lát… Ngoài ra, bà con còn hỗ trợ nhau trong công tác phục vụ khách du lịch, hộ nào kín phòng thì giới thiệu khách cho các hộ khác trong hợp tác xã.
Anh Lường Văn Xiên, Giám đốc hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ngọc Chiến cho biết: “Trong 7 tháng đầu năm 2024, hợp tác xã đã đón 10.000 lượt khách du lịch, có cả khách nước ngoài từ Canada, Ý và các nước châu u khác. Mô hình du lịch này đem lại thu nhập trung bình 5 - 6 triệu đồng/tháng cho mỗi hộ thành viên trong hợp tác xã. Nhờ làm du lịch, bà con vừa được nâng cao nhận thức về cách làm kinh tế mới, vừa bảo tồn, quảng bá được văn hóa dân tộc lại có thêm nguồn thu nhập”.
Hiện, hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ngọc Chiến đang hợp tác với trên 30 công ty lữ hành và xã Ngọc Chiến đã hình thành các tuyến, tour du lịch kết nối Mường La - Ngọc Chiến với Tà Xùa - Bắc Yên; Mường La - Ngọc Chiến với Mù Cang Chải, Trạm Tấu - Yên Bái.
Theo anh Lường Văn Xiên, Giám đốc hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ngọc Chiến, để nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển du lịch địa phương, hợp tác xã dự kiến mở rộng thêm mô hình du lịch cộng đồng với khoảng 30 - 50 homestay trong xã, đảm bảo đạt tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ. Hợp tác xã sẽ cho ra mắt những sản phẩm mới như mô hình tắm suối khoáng nóng, mô hình dịch vụ leo núi tại đỉnh Tà Chì Nhù, tăng các tour trekking vào mùa hoa sơn tra, hoa chi pâu. Ngoài ra, Hợp tác xã cũng sẽ tiếp tục tập huấn, đào tạo, giúp bà con nông dân trong địa bàn xã thực hiện các mô hình du lịch.
Với những nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân trong công tác cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, Ngọc Chiến hứa hẹn trở thành một điểm đến ấn tượng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Từ sự quan tâm, vào cuộc của chính quyền địa phương cùng những cố gắng, nỗ lực của người dân địa phương, Ngọc Chiến đã trở thành 1 trong 3 điểm du lịch cộng đồng được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La. Với thế mạnh sẵn có và những giải pháp, lộ trình phát triển cụ thể, du lịch của Ngọc Chiến sẽ có thêm nhiều khởi sắc, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Chia tay chúng tôi, anh Tráng A Mua, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến chia sẻ: Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường, đăng ký cơ sở lưu trú đảm bảo tiêu chuẩn, chủ trương trồng hoa, trồng cây, tổ chức lớp tập huấn làm homestay, đào tạo các hướng dẫn viên du lịch cho xã.
“Chúng tôi đang tiếp tục phát triển các địa điểm du lịch tại địa phương. Dự kiến, trong tháng 8 này sẽ khánh thành Không gian văn hóa bản Chom Khâu, tháng 12 là điểm check in Tà Chì Nhù, điểm trekking nổi tiếng gần đây”. - anh Mua cho hay.