Nông thôn mới

Vì sao Việt Nam bỏ ra hàng tỷ đô-la hàng năm để nhập đậu tương?

Minh Tú - 16:05 22/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Đậu tương (hay còn gọi là đậu nành) là loài cây bản địa của Đông Á và cũng là loài cây lương thực quen thuộc của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do sự lấn át về hiệu quả kinh tế của cây công nghiệp và sự cạnh tranh của các cây lương thực có giá trị khác trong sản xuất nên diện tích và sản lượng của các cây họ đậu ngày càng giảm sút nghiêm trọng.

Không thể cạnh tranh với nguồn nhập khẩu vốn có giá rất rẻ

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu đậu tương trong tháng 11/2023 đạt 45.320 tấn, tương đương 30,24 triệu USD, giá trung bình 667,3 USD/tấn, giảm mạnh 67,4% về lượng và giảm 63,9% kim ngạch so với tháng 10/2023, giá tăng 10,6%; so với tháng 11/2022 thì giảm 56,3% về lượng, giảm 57,9% về kim ngạch và giảm 3,6% về giá.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2023 cả nước nhập khẩu 1,66 triệu tấn đậu tương, trị giá trên 1,05 tỷ USD, giá trung bình 633,6 USD/tấn, tăng 1,3% về lượng nhưng giảm 7,8% kim ngạch và giảm 8,9% về giá so với cùng kỳ năm 2022.

Đậu tương nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất từ thị trường Brazil, nhưng riêng tháng 11/2023 không nhập khẩu; Tính chung, 11 tháng năm 2023 nhập khẩu từ thị trường này đạt 895.240 tấn, tương đương 530,77 triệu USD, chiếm 54% trong tổng lượng và chiếm 50,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước.

11 tháng đầu năm 2023 cả nước nhập khẩu 1,66 triệu tấn đậu tương, trị giá trên 1,05 tỷ USD

Nhập khẩu đậu tương từ thị trường Mỹ - thị trường lớn thứ 2 trong tháng 11/2023 sụt giảm 17,4% về lượng, giảm 20,8% kim ngạch so với tháng 10/2023 và giá giảm 4,2%, đạt 25.554 tấn, tương đương 15,96 triệu USD, giá trung bình 624,7 USD/tấn. Tính chung cả 11 tháng năm 2023, nhập khẩu từ thị trường này đạt 577.838 tấn, tương đương 391,92 triệu USD, giá 678,3 USD/tấn, chiếm 34,9% trong tổng lượng và chiếm 37,4% kim ngạch nhập khẩu đậu tương của cả nước, tăng trên 16,2% về lượng và tăng 15% về kim ngạch nhưng giá giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, nhập khẩu đậu tương từ thị trường Canada 11 tháng đầu năm đạt 98.548 tấn, tương đương trên 72,68 triệu USD, giá 737,5 USD/tấn, tăng 19,7% về lượng, tăng 19% về kim ngạch nhưng giá giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ thị trường Campuchia đạt 14.219 tấn, tương đương 10,69 triệu USD, giá 751,8 USD/tấn, giảm mạnh gần 34,5% về lượng, giảm 38% kim ngạch và giá giảm 5,4%.

Ngô và đậu tương (đậu nành) là 2 nguyên liệu chính được sử dụng chủ yếu trong thành phần Thức ăn chăn nuôi (TACN) và hiện VN nhập gần 70% khối lượng cần thiết. Theo quy hoạch, đến năm 2025, diện tích gieo trồng ngô cả nước đạt khoảng 950.000 - 1.100.000ha, sản lượng 4,8 - 5,5 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt 32 triệu đồng/ha/vụ. Đến năm 2030 duy trì diện tích gieo trồng ngô cả nước ổn định như năm 2025, nhưng tăng năng suất lên 52 - 53 tạ/ha để sản lượng khoảng 5,0 - 5,7 triệu tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha/vụ.

Cây đậu tương là cây thực phẩm quen thuộc của người Việt Nam

Tuy nhiên, thực tế cây ngô lẫn cây đậu tương đều không thể cạnh tranh với các loại cây trồng khác và không thể cạnh tranh được với nguồn ngô nhập khẩu vốn có giá rất rẻ. Do đó, diện tích trồng ngô trên cả nước mỗi ngày mỗi giảm. Số liệu thống kê cho thấy, diện tích trồng ngô trên cả nước đã giảm còn dưới 900.000ha, còn đậu tương diện tích ngày càng thu hẹp, sản xuất đậu tương trong nước mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa

Sự lựa chọn khôn ngoan 

Nhiều người tỏ ra xót xa khi đất nước còn khó khăn mà lại bỏ ra hàng tỷ đô-la nhập loại cây mà chúng ta có thể tự trồng? Nhưng thật ra, đó là xu thế tất yếu, một sự lựa chọn khôn ngoan, bởi lẽ chúng ta đã xác định xây dựng nền kinh tế nông nghiệp theo hướng thị trường thì chỉ nên sản xuất những gì có lợi thế và tập trung để đạt năng suất, chất lượng và lợi nhuận tối đa.

Những năm đầu thập niên 2000, đậu nành từng là một trong những cây trồng quan trọng ở Việt Nam khi có tên trong “Danh mục giống cây trồng chính” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành năm 2004. Khi ấy, diện tích đậu nành trên cả nước khá lớn. Đến năm 2010, diện tích trồng đậu tương ở Việt Nam vẫn còn xấp xỉ 200.000 ha, năng suất trung bình khoảng 10 – 15 tạ/ha tương đương sản lượng 200 - 300.000 tấn. Nhưng đến năm 2022, diện tích ước tính chỉ còn 25.000ha và năng suất chỉ khoảng 16 tạ/ha. Như vậy, trong khoảng hơn 10 năm, diện tích trồng đậu nành giảm đi rất nhanh mà năng suất thì tăng rất chậm.

Diện tích trồng đậu nành tại Việt Nam giảm đi rất nhanh mà năng suất thì tăng rất chậm

Nhìn sang các nước mà chúng ta nhập khẩu đậu tương từ họ như Mỹ, Brazil, Argentina, Nga… mỗi hộ nông dân sở hữu những cánh đồng diện tích vài ba ngàn héc ta. Họ cơ giới hóa toàn bộ quy trình sản xuất nên chi phí nhân công rất thấp, thậm chí gia đình tự làm tất cả. Hạ tầng phục vụ cho ngành cũng được đầu tư hoàn chỉnh, từ cây giống, phân bón, thu mua, logistic. Bên cạnh đó, nông dân có kiến thức kinh nghiệm một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra còn là sở hữu giống chất lượng cao thông qua công tác nghiên cứu khoa học, khí hậu, thổ nhưỡng… có rất nhiều thứ đã được xây dựng trong một thời gian rất dài. Ngay như đậu tương giống, theo báo cáo của Croplife - một tổ chức bảo vệ thực vật đa quốc gia, các nước xuất khẩu ngô, đậu tương hàng đầu thế giới hiện nay đều sử dụng trên 90% giống biến đổi gien để tăng sản lượng. Điều này dẫn đến một thực trạng là một hộ nông dân của Mỹ có thể sản xuất ra một lượng đậu tương của cả một huyện của Việt Nam trồng.

Từ góc nhìn đó, có thể thấy, không chỉ Việt Nam chúng ta mà ngay cả các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… không thể cạnh tranh về trồng ngô, đậu tương phục vụ cho nền kinh tế nước mình. Do đó, việc chúng ta cần làm là tập trung vào thế mạnh của mình như lúa, cây ăn trái, thủy sản… những ngành hàng có thể mang lại Việt Nam hàng trăm tỷ đô và không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Và đó chính là một sự lựa chọn khôn ngoan./.

“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương”

Tin cùng chuyên mục
Tin khác