Việc phân loại đơn vị hành chính vừa mang tính thống nhất, vừa mang tính đặc thù
Sáng nay (29/7), tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với các bộ ngành liên quan về một số nội dung liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và Nghị quyết 1211 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự cuộc làm việc.
Cùng tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa đổi 4/15 điều, bổ sung mới một điều và bãi bỏ một điều đối với Nghị quyết 1210, trong đó tập trung bổ sung quy định về phân loại đô thị theo yếu tố vùng miền, sửa quy định về phân loại đô thị áp dụng cho một số đô thị có yếu tố đặc thù. Chính phủ đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung 10/32 điều, bổ sung 4 điều mới và bãi bỏ một điều của Nghị quyết 1211, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong trường hợp đặc thù.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc phân chia lãnh thổ quốc gia thành đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương là điều tất yếu; về phân loại đô thị, trên thực tế các địa phương đều đề xuất sửa đổi 2 nghị quyết này.
Chủ tịch Quốc hội đã lấy ví dụ về câu chuyện xây dựng chuẩn nông thôn mới. Nếu như trước đây, áp dụng chung một tiêu chí cho tất cả các địa phương, thì bây giờ, đã điều chỉnh chuyển sang quy định theo khung tiêu chí chung. Trên thực tế triển khai giai đoạn trước, trong khi có địa phương đã và đang xây dựng đô thị văn minh, nông thôn mới kiểu mẫu, thì vẫn có những địa phương đang xây dựng nông thôn mới cấp thôn, cấp bản. Hay việc sáp nhập tỷ lệ đô thị hóa diễn ra nhanh, có những địa phương tăng đến 57 đơn vị hành chính cấp xã, nhưng đó chỉ là cái vỏ, còn “ruột” là phát triển kinh tế, vẫn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, nghiên cứu căn cơ, phải có cơ sở khoa học và thực tiễn về lâu dài, đồng thời vừa phải có tính thống nhất quốc gia, nhưng có những đặc thù riêng.
"Nếu đặc thù ngồi trên này ban hành xuống có được không? Hay tiêu chí, tiêu chuẩn đó, trong quá trình sáp nhập thì như thế nào? Ví dụ như đưa Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long thì không nên kết hợp chuyện sáp nhập địa giới hành chính như chúng ta đã làm, mà phải là một đề án về thành lập đơn vị hành chính độc lập. Vậy tiêu chí, tiêu chuẩn là một loại tiêu chí mà chúng ta công nhận khi nó đạt, hay trong quá trình sắp xếp hướng tới?"- Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, qua sáp nhập và thực tiễn, cần phải nghiên cứu căn cơ, có khung chung, đảm bảo tính thống nhất của cả nước, sau đó, phân cấp cho chính quyền các cấp thực hiện.
Sau khi nghe các ý kiến của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi 2 Nghị quyết, nhằm kịp thời thể chế hóa một bước chủ trương của Đảng trong các văn kiện mới về đơn vị hành chính và phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và cũng là quá trình tổng kết qua hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội; thống nhất quan điểm về phạm vi sửa đổi là sửa đổi, bổ sung những nội dung đã rõ, đã chín nhận được sự thống nhất cao. Còn những vấn đề chưa rõ chưa thống nhất, tiếp tục nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung khi có đủ điều kiện.
Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc làm việc này, để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ báo cáo Chính phủ và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, về phạm vi sửa đổi, chỉ sửa một bước, chưa sửa toàn diện; trong quá trình sửa phải chú ý đến tính thống nhất và đồng bộ giữa hai dự thảo Nghị quyết và báo cáo những việc Chính phủ sẽ làm sau khi chỉnh sửa hai nghị quyết này
Theo VOV