Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị bổ sung quy định “gỡ khó” cho ngành Y tế
Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 2/6, Đại biểu Lê Minh Trí – Viện trưởng Viện KSND tối cao nhấn mạnh, thời gian qua kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong hệ thống chính trị được tăng cường, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức cố tình làm sai gây thiệt hại cho Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Tuy vậy, ông cũng kiến nghị cần kịp thời ban hành bổ sung các quy định pháp luật trong từng lĩnh vực để đảm bảo bịt lỗ hổng trong quản lý, vừa tạo điều kiện phục vụ phát triển tốt hơn cũng như tạo hành lang pháp lý đảm bảo cho người thực hiện nhiệm vụ được yên tâm.
Đại biểu Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND tối cao phát biểu trên hội trường.
Viện trưởng Viện KSND tối cao dẫn chứng qua một số vụ án của ngành Y tế thì việc đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, trang thiết bị vật tư y tế đang bị đình trệ, các hợp tác kinh doanh đầu tư trang thiết bị thế hệ mới, hiện đại từ nguồn lực xã hội cũng dừng lại.
“Chủ trương đúng nhưng cách làm có sơ hở, có sai. Nhưng sai thì sửa còn việc làm phải làm vì chậm trễ sẽ ảnh hưởng tới công tác khám chữa bệnh cho người dân. Tay nghề của các bác sĩ nước ta không thua kém các nước, nhưng nếu không có trang bị tiên tiến phù hợp thì sẽ tụt hậu, người dân phải đi khám chứ bệnh ở nước ngoài, chi phí cao mà đất nước mất nguồn thu từ dịch vụ thế mạnh này. Còn chờ ngân sách đầu tư chắc chậm!” – ông Lê Minh Trí phân tích.
Từ thực thế trên, đại biểu Lê Minh Trí kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chỉ đạo các cơ quan liên quan ban hành nhanh các nghị quyết, nghị định hoặc thông tư hướng dẫn xử lý các vấn đề còn chưa ổn thuộc lĩnh vực này.
Qua thực tế công việc, ông cũng băn khoăn về Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo quy định thì “Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, quy định như trên là rất nghiêm khắc, tạo ra áp lực, tạo rủi ro cao với người thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Nghiêm khắc để người ta biết giữ gìn quản lý tài sản Nhà nước cho tốt, nhưng so với Điều 165 trước đây phải “cố ý làm trái gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên” mới xử lý hình sự thì Điều 219 chỉ cần vô ý hay cấp dưới đề xuất mà không kiểm soát tốt thì cũng có thể bị phạt tù. Đại biểu cho rằng chế tài như vậy là quá nghiêm khắc.
“Có thể mở ra như sau khi phát hiện sai phạm, thất thoát mà có khắc phục thì có xử lý hình sự hay không? Mức thiệt hại cần nâng lên vì từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đã phải ở tù là rất nặng. Đảng vừa qua có kết luận về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung thì một điều luật nghiêm khắc như thế này có nên rà soát, nghiên cứu để làm sao vừa chặt chẽ trong quản lý, răn đe người có ý đồ xấu nhưng cũng tạo an tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ?” – ông Lê Minh Trí đặt vấn đề.
“Hoang mang vì làm gì cũng có thể sai”
Phát biểu trên hội trường trước đó, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, hệ thống y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức và những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc công - tội phân minh.
“Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm xảy ra mà chúng ta đề cả một hệ thống tê liệt. Những khó khăn trước đây như thu thập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết. Tìm được câu trả lời theo tôi không hề dễ dàng vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ ai cũng nhận ra nhưng ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn” – đại biểu bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ tâm tư của người làm trong ngành Y tế.
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của các đại đa số các bệnh viện cả công và tư. Theo thống kê, ở các bệnh viện công không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới, hiện đại khiến các bác sĩ giỏi đến đâu cũng đành phải bó tay, nản lòng.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội rà soát cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm để hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trong kỳ này và thông qua ở kỳ họp tiếp theo.
Bên cạnh đó giám sát Chính phủ, ban hành sớm các nghị định, thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế.
Ngoài ra, cần nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói hồi phục kinh tế cho y tế tuyến cơ sở; đầu tư các kỹ thuật cao tại các bệnh viện chuyên ngành; chính sách đào tạo, nâng cao chất lượng, thu hút tài năng, nguồn nhân lực đang vô cùng khó khăn của ngành y tế hiện nay.
“Với tư cách là một bác sĩ vẫn đang thường xuyên trực tiếp điều trị cho người bệnh, tôi rất mong các vị lãnh đạo cao cấp, các vị đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải, nó không chỉ là về vật chất mà trong lúc này chủ yếu là về tinh thần. Sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế chúng tôi cần nhất lúc này” – ông nói và hiện “vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng, vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống pháp luật hiện nay chưa hoàn chỉnh”.
Theo VOV