Việt Nam đang duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
Theo thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 2/13 nông sản chủ lực quốc gia được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, gồm nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam” do Hiệp hội Cao su Việt Nam làm chủ sở hữu và "Gạo Việt Nam" do Bộ NN&PTNT làm chủ sở hữu. Các sản phẩm nông sản chủ lực còn lại, như: Cà phê, tôm, cá tra... vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Hiện nay, việc triển khai xây dựng thương hiệu nông sản và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bảo hộ đối với nhiều nông sản chủ lực của Việt Nam đang gặp khá nhiều vướng mắc pháp lý và kinh phí. Đối với thương hiệu "Gạo Việt Nam" thực hiện theo Quyết định 706/QĐ-TTg, từ đầu tháng 8/2018, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận quốc gia "Gạo Việt Nam - Vietnam Rice" cho Bộ NN&PTNT làm chủ sở hữu và có hiệu lực trong 10 năm. Tuy nhiên, ở phạm vi đăng ký quốc tế, đến tháng 10/2021 mới chỉ có 19 quốc gia chủ yếu là các nước thuộc châu Phi chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu "Gạo Việt Nam - Vietnam Rice" và 3 quốc gia khác là Trung Quốc, Brunei và Na Uy thông báo bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết: Sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đạt nhiều thành tựu to lớn, sản lượng lương thực thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đóng góp ngày càng nhiều vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm ngành Nông nghiệp đã đạt 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Hiện nay, Việt Nam đang duy trì 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó, có 7 nhóm mặt hàng là gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, cà phê, gạo, cao su và rau quả, hạt điều đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Nông sản Việt Nam hiện có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới.
Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp như vị trí địa lý, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và kinh nghiệm, sức sáng tạo của người nông dân. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường còn rất hạn chế, giá thành sản xuất cao, chất lượng chưa ổn định và chưa có thương hiệu. Việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu thời gian qua chủ yếu do tăng sản lượng, trong khi đó thương hiệu là yếu tố rất quan trọng tạo nên giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của nông sản chưa được củng cố.
Bà Nguyễn Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) chi sẻ: Tuy đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, nhưng có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới nhưng hầu như chưa có một thương hiệu mạnh, được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Có tới 80% sản lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều sản phẩm Việt Nam được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng thương hiệu cho nông sản có vai trò rất lớn trong việc gia tăng giá trị và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng của sản phẩm truyền thống, sản phẩm bản địa, góp phần nâng cao vị thế và giá trị của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản đã được đề cập nhiều nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể phát triển như thế nào. Sản phẩm nằm rải rác ở các quyết định, chương trình; chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản.
Đồng thời, chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bộ, ngành; giữa Trung ương và địa phương... chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể cho các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia nên sự hưởng ứng, đồng hành của các doanh nghiệp trong Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam chưa cao. Đang tồn tại quá nhiều loại hình giải thưởng, xét chọn, bình chọn... thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp làm giảm khả năng nhận diện của các thương hiệu quốc gia. Chưa có hành lang pháp lý chung về việc sử dụng tên gọi địa danh quốc gia Việt Nam để đăng ký bảo hộ với các sản phẩm nông sản chủ lực cấp quốc gia…
Tính đến giữa năm 2023, có 626 sản phẩm nông sản được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận địa phương; gần 1.900 nông sản được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Hiện nay, cả nước có khoảng 10.300 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, các chủ thể OCOP hiện mới chỉ quan tâm nhiều đến hoàn thiện bao bì sản phẩm, đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa có chiến lược tổng thể trong quản lý và phát triển thương hiệu nông sản bền vững.
- Chỉ có 1 loại thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế: Cần thay đổi để tạo công bằng giữa các doanh nghiệp
- Cà Mau: Chủ động xây dựng, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp
- Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
- Đồng Tháp: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững