Du lịch đồng quê

Vua bưởi hút khách du lịch bằng... ve chai

Hoàng Tuấn - 07:15 19/03/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với bản lĩnh của người chiến sỹ cách mạng, cùng với niềm đam mê sáng tạo, nông dân Đoàn Văn Khanh ở xã Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã liên tục cho ra đời hàng chục sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm từ nguyên liệu bưởi, dừa sáp được đông đảo khách hàng biết đến tin dùng. Mới đây, ông lại tiếp tục gây chú ý với công trình độc đáo được làm từ ve chai trên mảnh vườn của mình, thu hút đông đảo du khách đến chiêm ngưỡng.
NNhững vỏ chai nhựa được Nông dân Đoàn Văn Khanh tận dụng.

“Minh oan” cho trái bưởi trở thành lương y lừng danh

Ở địa phương, nông dân Đoàn Văn Khanh được người dân gọi ông với cái tên trìu mến là “Vua bưởi” Tư Khanh. Hỏi ra mới biết, chẳng phải vì nhà ông có nhiều bưởi mà gọi ông như thế mà bởi ông là người đã minh oan cho trái bưởi trước thông tin thất thiệt “ăn bưởi làm tăng  nguy cơ ung thư” từng khiến nhiều hộ nông dân lao vào cảnh khốn đốn.

Ông Khanh cho biết: Ông sinh ra và lớn lên trên vùng đất cách mạng. Tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 12 tuổi, ông tham gia du kích, 17 tuổi trở thành Xã đội trưởng xã Song Thuận và từng giữ nhiều cương vị khác nhau: Bí thư Đảng ủy xã Song Thuận, Bí thư Huyện đoàn Châu Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành…

Vào năm 2005, trước thông tin không chính xác “ăn bưởi làm tăng  nguy cơ ung thư” đã gây thiệt hại cho gia đình ông và các hộ trồng bưởi. Bằng bản lĩnh của người chiến sỹ cách mạng và từng được nghe nhiều về tác dụng từ bưởi trong dân gian, đã thôi thúc ông chứng minh tác dụng của trái bưởi có cơ sở khoa học, thế là ông đã âm thầm “khăn gói” lên TP. Hồ Chí Minh để học lương y. Sau 2 năm không ngừng học hỏi, với hành trang là những kiến thức đã học được, ông bắt tay ngay vào nghiên cứu các nguyên liệu từ bưởi. 

Trong quá trình nghiên cứu, bào chế ra các sản phẩm từ bưởi, ông vấp phải không ít lời dị nghị vì người dân chưa hiểu hết về tính năng, công dụng của quả bưởi, cho rằng sản phẩm không an toàn với sức khỏe. Không nản lòng, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, quyết tâm bào chế các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, không chứa hóa chất.

Sau nhiều năm nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm, những sản phẩm từ trái bưởi được lần lượt ra đời như:  Thuốc mọc tóc; nước bưởi ép giúp tan mỡ bụng, giảm mỡ trong gan và máu, giải độc gan…, không chỉ có bưởi, ông còn cho ra đời sản phẩm kem dưỡng da được chiết xuất từ tinh dầu dừa sáp và một số cây thảo dược.

Đến nay ông đã cho ra đời 42 sản phẩm thực phẩm và mỹ phẩm chiết xuất từ những loại cây sẵn có này. Trong số đó có 12 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 4 sao. Từ hàng chục sản phẩm được chiết xuất từ hoa bưởi, quả bưởi của ông Tư Khanh là kết quả chứng minh cho cây bưởi không gây hại như lời đồn. Ngoài ra, ông còn thu mua bưởi của bà con trong vùng để chủ động nguyên liệu trong sản xuất, tạo ổn định việc làm cho bà con trong việc trồng bưởi.

Du khách trải nghiệm đi trên ngọn dừa.

Tận dụng “ve chai” tạo kỳ quan và bảo vệ môi trường

Không chỉ thành công trong việc nghiên cứu sản xuất ra hàng chục những sản phẩm từ bưởi và trở thành lương y danh tiếng. Mới đây ông Tư Khanh lại đưa ý tưởng mới vào khu vườn của mình tạo nên một kỳ quan mới lạ để đón du khách.

Khu vườn có diện tích 8.000m2, được chủ nhân trồng hơn 200 cây dừa sáp, dưới tán dừa trồng xen bưởi, phía dưới trồng một số cây thuốc nam như mật gấu, đinh lăng, sâm đất, thần kỳ, chùm ngây… và nuôi ong để làm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Ngoài việc trồng xen canh giữa các loại cây với nhau một cách khoa học, ông Tư Khanh còn thiết kế những cây cầu bằng thép cao chót vót trên ngọn dừa thành một hệ thống giao thông trên cao được liên kết bởi bậc thang đi lên và có thể đi vòng quanh khu vườn.

Nói về công trình táo bạo này, ông Tư Khanh cho biết: “Thấy công nhân hái dừa phải leo cao, nguy hiểm, kém năng suất, nên tôi đã nghĩ ra làm cầu thang cố định mục đích là để tiện thu hoạch. Nhưng rồi tôi lại thấy nhu cầu tìm cảm giác lạ khi được đi vòng quanh trong vườn và được ngắm cảnh trên ngọn dừa nên đã quyết định làm hệ thống cầu trên ngọn dừa vừa là để tiện thu hoạch dừa vừa để khách hàng, du khách được trải nghiệm”.

Không chỉ có hệ thống cầu trên ngọn dừa, ông Tư Khanh còn gây chú ý cho du khách với những công trình ấn tượng như hệ thống tường rào, nhà vệ sinh, chòi trên ao sen… được làm bằng ve chai.

Chỉ tay về hướng ngôi nhà chòi được xây dựng trên ao sen, ông Tư Khanh tiết lộ: Để có đủ số lượng vỏ chai nhựa làm nên những công trình thế này, ngoài việc thu gom trong gia đình, tôi còn ra vựa ve chai mua hàng trăm ngàn cái vỏ. Mục đích làm công trình từ những vật liệu bỏ đi này là để tuyên truyền cho việc bảo vệ môi trường. “Những loại vỏ chai này có độ bền cao, dễ làm, phù hợp với công trình ở nông thôn. Nếu biết tận dụng thì chi phí xây dựng sẽ giảm nhiều, đặc biệt khi nhiều người biết cách tận dụng sẽ giảm thiểu ô nhiễm”, ông Tư Khanh nói.

Ông Tư Khanh cho biết thêm, vừa qua Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã đến khảo sát điểm du lịch “Ve chai thần kỳ” của ông, đoàn đã đánh giá cao về giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường. Sắp tới, điểm du lịch này sẽ được Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ Nông dân tỉnh hợp tác để tuyên truyền, nhân rộng trong việc tận dụng tái sử dụng nguyên vật liệu trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên nông dân.      

Với những sự nỗ lực trong phát triển kinh tế và công tác xã hội, năm 2016 ông Đoàn Văn Khanh được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen đã đạt thành tích trong thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng giai đoạn 2012 - 2016, góp phần vào việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Năm 2018, ông là nông dân đầu tiên trong cả nước vinh dự được trường Đại học Florida (Mỹ) cấp bằng Tiến sĩ danh dự về lĩnh vực y học cổ truyền. Ngoài ra, ông cũng đã nhận được nhiều Huy chương Vàng và Bằng khen khác, trong nhiều năm liền ông là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Không chỉ sáng tạo trong sản xuất, ông Tư Khanh còn tham gia, đóng góp cho quỹ an sinh ở địa phương xây nhà tình nghĩa, tình thương, xây mộ cho Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, liệt sĩ, đồng đội và người nghèo, xây dựng đường điện nông thôn mới, hàng năm ủng hộ phong trào “Bao gạo cho đồng đội”,…

Tin cùng chuyên mục
Tin khác