Vươn lên làm giàu từ nuôi lợn rừng
Tận dụng diện tích vườn rộng, cùng với nỗ lực học hỏi, áp dụng khoa học, công nghệ, nông dân Trần Nam Giang ở xóm 10, xã Sơn Trường (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư trang trại chăn nuôi lợn rừng với hơn 200 con. Bình quân mỗi năm, trang trại đem lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Bén duyên nuôi lợn có nanh
Dẫn chúng tôi đến tham quan khu vườn rộng 3ha của hội viên Trần Nam Giang, ông Phan Văn Khanh – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) huyện Hương Sơn chia sẻ: “Đây là mô hình lớn và được đầu tư bài bản, quy mô. Chúng tôi thường nói vui anh Giang là “Tiến sĩ môi trường”. Cả một trang trại hàng trăm con lợn nhưng vào không để ý thì không ai biết nhà nuôi nhiều lợn thế. Vào nhà, ra vườn đều sạch tinh tươm, không mùi, không một đường mương thoát nước lộ thiên…”.
Xuất phát từ nhu cầu thực phẩm hàng ngày của gia đình rồi sau phát triển dần dần, vì thế vào năm 2014, anh Giang đã mạnh dạn đầu tư hơn 150 triệu đồng xây dựng chuồng trại nuôi lợn rừng. Bước đầu, anh tìm hiểu mua 4 con lợn rừng nái và 1 con lợn đực giống rừng về nuôi “thử nghiệm”. Một thời gian sau, nhận thấy việc nuôi lợn rừng không mấy khó khăn nên anh Giang tiếp tục đầu tư và tái đàn. Cho đến nay, trang trại của anh đã có trên 200 con trong đó có 3 con lợn đực giống. Để có thêm nguồn thức ăn cho lợn, hiện tại anh còn nuôi giun quế cho lợn ăn. Với chu trình chăn nuôi khép kín, phục vụ lẫn nhau, nuôi giun quế làm thức ăn cho lợn rồi phân lợn cho giun quế ăn, bón cho cây trồng để lấy rau, củ quả phục vụ thức ăn hàng ngày cho lợn.
Anh Giang cho biết: “Lợn giống để tăng đàn và bán cho người dân trong vùng hoặc trên địa bàn các tỉnh lân cận. Lợn thịt bán trực tiếp cho khách hàng quen tại TP. Hà Tĩnh, TP. Vinh, Hà Nội… Nhưng hầu như không có lợn thịt bán ra ngoài nhiều vì khách hàng thường đặt trước nên lợn nuôi đã có khách đặt mua trước rồi. Thông thường, nuôi lợn rừng phải mất thời gian khoảng 1 năm mới bán, trọng lượng chỉ đạt từ 30 đến 40kg/con. Hiện tại, với trên 200 con lợn rừng trong đó có 20 con lợn nái, mỗi năm một con lợn nái như thế đẻ 2 lứa mỗi lứa 7 – 9 con, giá bán lợn giống khoảng 200.000 đồng/kg/con và nuôi đạt khoảng 25kg/con mới bán. Giá bán lợn thịt khoảng 160.000 đồng/kg. Lợn cứ thế gối vụ không khi nào hết lợn trong chuồng, lứa này xuất có lứa khác trưởng thành”.
Cũng theo anh Giang, việc nuôi lợn rừng không cần quá cầu kỳ, chỉ cần chú ý theo dõi để có cách chăm sóc hợp lý. Điều quan trọng là phải có diện tích vườn đồi đủ rộng, lợn rừng được chạy rông thịt mới thơm ngon như lợn rừng tự nhiên. Thị trường đầu ra đối với lợn rừng tương đối ổn định, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm.
Hướng sản phẩm đạt OCOP
Tại trang trại của anh Giang, quy trình chăn nuôi và hệ thống xử lý bài bản. Tất cả đường dẫn và bể xử lý đều xây ngầm không lộ thiên, phân trong chuồng được vệ sinh sạch sẽ và đưa ra hố ủ thành phân chuồng hoai hoặc đưa trực tiếp làm thức ăn cho giun quế. Nước rửa chuồng cho vào bể lắng lọc, nước trong sau cùng dùng để tưới cho cây và luân phiên vệ sinh lại chuồng trại. Chuồng trại được vệ sinh mỗi ngày nên hầu như không có mùi hôi, lợn ít bị nhiễm bệnh.
Lợn rừng chủ yếu ăn rau củ quả như: cỏ voi, cây chuối, cây ngô tươi… Giai đoạn lợn con cho ăn thêm bột cá để thêm chất đạm. Theo anh Giang, vào mùa này lợn ăn chuối, mít là phần nhiều. Trong vườn anh Giang còn trồng thêm cây chè khổng lồ đây được xem là cây dược liệu cho lợn rừng ăn thường xuyên để tăng sức đề kháng, phòng bệnh tốt. “Ngoài ra, để thịt lợn rừng thêm chắc và ngon, tăng độ đạm cho lợn, tôi cho lợn rừng ăn thêm cá muối mắm hoặc cá phơi khô xay thành bột. Lợn rừng nuôi theo phương pháp hữu cơ sẽ giúp giảm 1/3 chi phí”, anh Giang cho biết thêm.
Nhờ lựa chọn con lợn rừng giống tốt, lại nuôi với hình thức bán hoang dã, nên lợn rừng có sức đề kháng, sinh sản đạt yêu cầu. Chuồng trại được thiết kế rộng, thông thoáng, 1 ô chuồng dài 3m, rộng 2,5m dùng để nuôi nhốt lợn đẻ hoặc lợn con. Mỗi chuồng có khoảng 7 – 9 ô với tổng diện tích cả bãi chăn thả khoảng 1.500m2. Chuồng này cách chuồng kia đến cả trăm mét để tạo độ thông thoáng cho lợn và hạn chế lây nhiễm bệnh khi không may phát bệnh trong đàn lợn.
Thời gian tới, anh tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô nhân đàn lợn rừng, hiện tại anh đã xây dựng cơ sở sản xuất chế biến thịt lợn rừng để trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Để tạo được thương hiệu thịt lợn rừng “sạch”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng là không phải ai cũng làm được. Theo anh Giang thì lợn rừng là động vật hoang dã nên không thể áp dụng phương pháp chăn nuôi như lợn nhà. Chuồng trại làm đơn giản, tuy nhiên, phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của lợn rừng để bố trí chuồng trại, phân loại theo tuổi. Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, dọn bỏ thức ăn thừa, rửa sạch máng ăn, máng uống. Điều quan trọng nữa là tường rào phải chắc chắn, kiên cố…
“Mô hình nuôi lợn rừng của anh Giang mang lại hiệu quả về kinh tế cao và nay có nhiều gia đình trong xã cũng đã bắt đầu nuôi, từ trên 10 con cho tới vài chục con. Nhờ áp dụng kỹ thuật nên trang trại chăn nuôi của anh Giang không gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại, sản phẩm này đã được Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh thẩm định, chấp thuận đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP của huyện”, ông Phan Văn Khanh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết thêm.
Mỗi năm, anh Giang xuất bán khoảng gần 200 con lợn rừng thịt thương phẩm ra thị trường, mỗi con bình quân nặng 40kg. Giá lợn rừng bán ra ổn định 160.000 đồng/kg lợn hơi, thậm chí có thời điểm lên đến 180.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi năm, anh thu về hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí cũng lãi ròng hàng trăm triệu đồng.
Bùi Ánh
- TP. Hồ Chí Minh: Tổ chức Hội thi “Nông dân với pháp luật” năm 2024
- Hội Nông dân huyện Trực Ninh ra mắt 03 Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường”
- Hội Nông dân huyện Vũ Quang tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
- Cà Mau: Gần 100 ngàn hội viên hộ nông dân ký cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm