Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước
Trong 3 năm qua, ngành Tôm Bạc Liêu đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc góp phần cho toàn ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 4,89% và đưa tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh đạt 7,24%, đứng thứ 5/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tiếp tục khẳng định là “trụ đỡ” quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước là hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn cả về trước mắt lẫn lâu dài.
Qua đó, không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, phát triển nông nghiệp CNC theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn khẳng định đây là hướng đi đúng, góp phần cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tăng nhanh năng suất, sản lượng, nâng cao chất lượng và bền vững gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường; hướng đến tạo thương hiệu “tôm sạch Bạc Liêu” và mạnh dạn hơn là đề xuất xây dựng thương hiệu “tôm quốc gia”.
Trong đó, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao (CNC) được xác định là mô hình nuôi có vai trò dẫn dắt đối với ngành Tôm và đã có sự phát triển nhanh so với trước khi triển khai Đề án. Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) của tỉnh đạt 147.234ha, tăng 4,82% so với năm 2020 và đạt 99,54% so với mục tiêu đến năm 2025.
Bên cạnh sự phát triển của các mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh, các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp, tôm - rừng và tôm - lúa cũng được quan tâm đầu tư và phát triển bền vững. Đặc biệt, trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất hiện nay, mô hình canh tác tôm - lúa đều tăng qua từng năm về diện tích, năng suất và cả giá trị gia tăng, đang được nhân rộng ở vùng sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A.
Cùng với phát triển các mô hình nuôi tôm ứng dụng CNC, Bạc Liêu cũng đang triển khai xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, với kinh phí 175 tỷ đồng, bao gồm: Hệ thống đường giao thông, hệ thống kênh cấp, kênh thoát nước, hệ thống điện, cổng, hàng rào bao quanh… Hiện đang xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2, với kinh phí gần 200 tỷ đồng. Đồng thời, cũng đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp vào đầu tư.
Song song với phát triển sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu cũng được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư công nghệ và dây chuyền sản xuất mới. Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có 48 nhà máy chế biến thủy sản, công suất thiết kế 294.000 tấn/năm, đạt 183,8% mục tiêu Đề án.
Để thực hiện thành công Đề án trong thời gian tới và tiến đến tổng kết đánh giá vào năm 2025, tỉnh Bạc Liêu đề nghị các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương phải hết sức nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai nhanh và hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ còn chưa đạt.
Trong đó cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, các cấp, các ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao theo Đề án được duyệt để chủ động, phối hợp thực hiện và bám sát mục tiêu, giải pháp để tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng, khai thác tối đa công năng của Khu Nông nghiệp ứng dụng CNC phát triển tôm Bạc Liêu.
Sở NN&PTNT theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai hực hiện các nhiệm vụ của Đề án đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ. Chủ trì, phối hợp thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chính sách của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong lĩnh vực thủy sản, nhất là Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình Quốc gia phát triển NTTS giai đoạn 2021 – 2030.
Đồng thời, hướng dẫn và hỗ trợ cho địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản và hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh để tôm Bạc Liêu đạt yêu cầu chất lượng và có thể xuất khẩu nguyên con sang thị trường các quốc gia; Phát triển sản xuất tôm giống chất lượng cao, sạch bệnh, từng bước xây dựng và phát triển thành trung tâm sản xuất giống có quy mô lớn, chất lượng cao, có uy tín.
Giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch – Đầu tư tham mưu bố trí kinh phí cho các dự án ưu tiên phù hợp với thực tế địa phương, cân đối ngân sách tỉnh và trình HĐND phân bổ thực hiện các chương trình, dự án NTTS, chế biến thủy sản, bảo vệ môi trường.
Giao Sở Tài nguyên – Môi trường hỗ trợ, hướng dẫn và phối hợp với địa phương quản lý chặt chẽ vấn đề môi trường trong NTTS; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản đối với các tổ chức, cá nhân nhằm ngăn ngừa, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm các quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Sở Công thương đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất NTTS đặc biệt là nuôi tôm ứng dụng CNC; Phối hợp nghiên cứu, tham mưu xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, công ty, nhà máy trên địa bàn tỉnh xuất khẩu tôm để tăng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, phấn đấu đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2025.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh tỉnh Bạc Liêu xem xét, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đầu tư cho nông dân sản xuất, nhất là nuôi tôm ứng dụng CNC, nhằm khuyến khích để lan tỏa mô hình nuôi này, trong thời gian tới; UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác lý nhà nước về quy hoạch với khu vực nuôi ứng dụng CNC trên địa bàn quản lý.
- Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới "Tri thức, đạo đức, sức khoẻ và trách nhiệm"
- Đồng bào các dân tộc “chung tay xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”
- Khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024
- Cà Mau: Tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954 - 2024)