Xây dựng chuỗi giá trị từ rau sạch xã Đồng Trạch: Hướng tới nền nông nghiệp xanh
Những năm qua, thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi giai đoạn 2016-2020, nhiều diện tích rau an toàn trên địa bàn xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch đã được đầu tư mở rộng. Đây được xem là hướng đi triển vọng không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, mà còn xây dựng rau Đồng Trạch phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Xã Đồng Trạch được xem là “vựa rau” của huyện Bố Trạch, bởi rau được trồng quanh năm. Tổng diện tích trồng rau hàng năm của toàn xã là trên 80 ha với 1.100 hộ/1.400 hộ tham gia trồng. Bình quân mỗi năm, các hộ gia đình có thu nhập 30 triệu đồng, đặc biệt nhiều hộ thu lãi từ 50 đến 100 triệu từ vườn rau.
Gia đình ông Dương Đức Trong ở thôn 3 là một trong những hộ trồng rau có tiếng ở Đồng Trạch. Rau sạch hiện là nguồn thu nhập chính của gia đình ông. Ông Trong cho biết, đất quê mình là đất thịt pha cát, thích hợp với trồng rau, vì vậy đây được xem là nghề “gia truyền” của cả làng từ hàng chục năm nay.
Khi mới bắt đầu, ông đã trồng thử nghiệm vài loại rau, như: hành, ngò, rau cải, rau cần… ,rồi dần dần mở rộng diện tích. Đến nay, chỉ với hơn 400 m2 đất vườn canh tác rau các loại, nhưng nghề trồng rau mang lại cho gia đình ông thu nhập đều đặn từ 70-75 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, việc quyết tâm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng tới mục tiêu sản xuất rau sạch, rau an toàn được gia đình ông đặc biệt chú trọng. Cũng vì thế mà mặc dù chưa đến ngày thu hoạch, nhưng không ít thương lái đến tận vườn nhà ông đặt cọc trước.
Ông Dương Đức Trong cho biết: “Với mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, nên ngay sau khi được tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn và hỗ trợ xây dựng mô hình, gia đình tôi đã chuyển sang sản xuất rau an toàn; hạn chế sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học để chuyển sang các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học; sử dụng nguồn nước tưới bảo đảm vệ sinh… Nhờ đó, tuy mới bước đầu thực hiện, nhưng sản phẩm làm ra rất dễ tiêu thụ”.
Trên thực tế, nghề trồng rau ở Đồng Trạch tuy hình thành từ lâu nhưng phong trào trồng rau sạch chỉ mới bắt đầu phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Nhu cầu về tiêu dùng thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe khiến thương hiệu Rau Đồng Trạch từng lao đao trên thị trường.
Thậm chí, người ta còn truyền tai nhau câu chuyện “chia đôi mảnh vườn”, bên này trồng rau bán, bên này trồng rau ăn để nói về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thiếu hợp lý của một số hộ ở Đồng Trạch. Nhưng nay đã khác, đổi mới về nhận thức dẫn đến sự thay đổi về hành động, việc trồng rau sạch dần trở thành phong trào có sức lan tỏa.
Người trồng nhiều gần 1 ha, người trồng ít nhất vài sào đủ để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày của gia đình và bán cho người dân ở các địa phương lân cận. Trong đó, riêng vùng rau an toàn đang trong quá trình thành lập hợp tác xã đạt diện tích khoảng 10 ha với khoảng 50 hộ gia đình tham gia trồng.
Được xem là điểm sáng trong sản xuất rau sạch, rau an toàn, mô hình trang trại rau sạch của ông Dương Văn Sánh, tại thôn 2, đang nhận được sự đồng tình ủng hộ từ chính quyền địa phương cũng như bà con trong vùng.
Ông Sánh là một trong những người tiên phong trong việc trồng rau an toàn với quy mô lớn ở xã Đồng Trạch. Trên diện tích 1 ha đất chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả, gia đình ông Dương Văn Sánh đã mạnh dạn đầu tư gần 300 triệu đồng để phát triển mô hình trồng rau theo chuẩn VietGap.
Dù mô hình mới bước vào giai đoạn kiến thiết, nhưng vườn cây trái đủ 3 tiêu chí “xanh- sạch- đẹp” đang là địa chỉ tin cậy được người tiêu dùng lựa chọn. Từ mô hình này, xã Đồng Trạch đang hướng đến việc thành lập hợp tác xã sản xuất rau an toàn trong năm 2019.
Ông Trương Văn Tú, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Trạch cho biết: “Nhằm phát triển bền vững các vùng rau xanh an toàn, xã Đồng Trạch sẽ tiếp tục thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi giai đoạn 2016-2020. Theo đó, xã sẽ quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất rau quả; đăng ký tiêu chuẩn cơ sở về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu đối với rau Đồng Trạch.
Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng rau các loại. Đặc biệt, thời gian tới, địa phương sẽ tích cực tuyên truyền, triển khai tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho người dân”.
Với việc thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con nuôi của huyện Bố Trạch, riêng trong giai đoạn 2016-2020, xã Đồng Trạch có gần 5 ha diện tích chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả… mang lại hiệu quả gấp từ 1,5 đến 3 lần so với trồng lúa; qua đó, góp phần mở rộng diện tích rau màu.
Với những lợi thế sẵn có về địa hình, thổ nhưỡng, việc quy hoạch hình thành vùng sản xuất rau an toàn và xây dựng thương hiệu rau Đồng Trạch sẽ là hướng đi lâu dài, hướng tới nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững cho địa phương nói riêng và huyện Bố Trạch nói chung.
Hồng Thắm