Xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững - cần những giải pháp đồng bộ
Dự và chủ trì diễn đàn có bà Cao Xuân Thu Vân – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Diễn đàn còn có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ban, ngành: Ban Kinh tế Trung ương, Liên minh HTX Việt Nam, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Lãnh đạo Liên minh HTX các tỉnh, thành phố; các Hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã; các chuyên gia, các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế,…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam - Cao Xuân Thu Vân khẳng định: Phát triển HTX nông nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển HTX nông nghiệp, nhất là phát triển bền vững và chỉ có HTX phát triển bền vững mới giúp ngành Nông nghiệp của Việt Nam vượt qua thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi ấy, thu nhập của người nông dân tăng lên nhiều lần, nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung.
Theo thống kê, hiện nay, cả nước có gần 30.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60%, với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Vì vậy, HTX nông nghiệp cần được đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cũng thừa nhận, cái yếu của HTX là liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất, phân phối. Hay nói cách khác, yếu nhất hiện nay là yếu quản trị. Bởi vậy, lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng nói tới HTX thấy yếu thế, nghèo về nhiều thứ, nhân lực, tài lực, kinh nghiệm. Song, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhìn nhận suy nghĩ này cần thay đổi vì HTX có nhiều "cái giàu" - giàu tính cộng đồng, tình cảm, liên kết, đất đai, nguồn lực con người. Vì vậy, bà Cao Xuân Thu Vân mong muốn phát triển HTX nông nghiệp bền vững để có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nghị quyết số 106/NQ-CP mà Chính phủ ban hành vào tháng 7/2023 về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, có đưa ra mục tiêu đến năm 2025 là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng phát triển bền vững và ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Ngoài ra, Nghị quyết nêu rõ, phấn đấu đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp cả nước.
“Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và vùng, miền, địa phương đang đòi hỏi cần có những giải pháp có tính đồng bộ. Nhất là trong bối cảnh mới đặt ra yêu cầu HTX nông nghiệp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả hoạt động trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện” – bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, đại diện Liên minh HTX tỉnh, thành phố và đại diện doanh nghiệp, HTX cũng chia sẻ về những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong sản xuất xanh và phát triển bền vững. Những câu chuyện, vướng mắc, giải pháp để có thêm nhiều HTX đi theo con đường sản xuất xanh, thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Một số giải pháp từ phía cơ quan quản lý, từ các ngân hàng, HTX đã được các diễn giả đưa ra tại diễn đàn lần này để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trong khu vực kinh tế hợp tác.
Ông Vũ Mạnh Hùng – Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, nông nghiệp bền vững phát triển hài hoà dựa trên 3 trụ cột: Có sự tăng trưởng ổn định, lâu dài; bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên; bảo đảm sự công bằng quyền và lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động nông nghiệp và không làm ảnh hưởng tới lợi ích của các thế hệ trong tương lai. Trong quá trình chuyển đổi xanh, HTX vừa là chủ thể vừa lầ giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp, các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển đều có vai trò của HTX.
“Và để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các HTX nông nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các HTX” – ông Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý quan tâm hỗ trợ các HTX thực hiện tốt các chương trình, đề án về phát triển xanh, nhất là "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050"; "Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới"; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.
Ngoài ra, cơ cấu lại nguồn lực thực hiện chính sách để đảm bảo nguồn lực được tập trung đúng và đủ cho các chính sách tạo động lực để HTX nông nghiệp tự thân phát triển bền vững như chính sách Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ mới đối với HTX; Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Mở rộng thị trường; Tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX…
Theo ông Lê Đức Thịnh- Cục trưởng Cục kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), trong những năm gần đây, Bộ NN&PTNT đã đưa nhiều giải pháp và cơ chế chính sách đã và đang hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển bền vững. Trong đó có Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoan 2022-2025. Đề án đã đưa ra các nội dung, giải pháp phát triển triển các vùng nguyên liệu tập trung đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của các HTX nông nghiệp trong việc kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã và đang thực hiện các hoạt động chuyển đổi số cho các HTX nông nghiệp như tập huấn nâng cao nhận thức cán bộ quản lý và thành viên HTX nông nghiệp ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm; Triển khai sàn giao dịch điện tử tiêu thụ sản phẩm cho HTX sử dụng công nghệ blockchain; Xây dựng và quản lý thông tin, dữ liệu vùng nguyên liệu; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng… nhờ đó góp phần không nhỏ để hỗ trợ hình thành các mô hình HTX bền vững.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triền mô hình HTX nông nghiệp bền vững, ông Võ Văn Vang – Giám đốc vùng nguyên liệu (Tập đoàn Lộc Trời) cho rằng thành công lớn nhất của Tập đoàn là xây dựng được vùng nguyên liệu với diện tích hơn 300 nghìn héc-ta ở Đồng bằng sông Cửu Long, liên kết với hơn 100 HTX và liên minh HTX để tạo thành chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm ổn định. Đặc biệt, Tập đoàn còn cử cán bộ để hỗ trợ một số HTX trong công tác điều hành, quản lý. Ngoài ra, Tập đoàn còn thực hiện cơ giới hóa trên toàn bộ diện tích liên kết với nông dân, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ trong quản lý, sản xuất, thu mua sản phẩm, vốn… Nhờ vậy, tạo được niềm tin đối với nông dân và tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín trong và ngoài nước.
Ông Võ Văn Vang cũng bày tỏ mong muốn được chính quyền các cấp tích cực hỗ trợ để Tập đoàn Lộc Trời liên kết với nông dân, HTX ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước và đề nghị Liên minh HTX cần quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, quản lý của HTX, có như vậy mới giúp HTX phát triển bền vững.
Ông Hoàng Văn Tám – Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cho biết: Khó khăn nhất hiện nay là giúp nông dân thay đổi nhận thức trong quá trình sản xuất xanh, bền vững, đây là cả một quá trình lâu dài vận động, chứng minh bằng thực tiễn sản xuất của HTX chứ không phải một sớm một chiều là có thể làm ngay được. Bên cạnh đó, cần thay đổi cả nhận thức của đội ngũ cơ quan quản lý nhà nước, bởi nhiều chính sách của Nhà nước do Trung ương ban hành nhưng đến cơ sở thì không thực hiện được, khó đi vào cuộc sống, nhiều HTX muốn phát triển nhưng lãnh đạo địa phương không có hướng dẫn, thiếu tầm nhìn nên việc hỗ trợ khó khăn. Hiện nay, có nhiều nguồn quỹ cho vay để HTX phát triển sản xuất nhưng HTX muốn vay thì cũng phải có tài sản thế chấp, nhưng nhiều HTX không có thì lấy gì để thế chấp vay vốn….
Chính vì vậy, ông Hoàng Văn Tám đề nghị, Liên minh HTX cần tạo cuộc vận động sâu rộng về phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; có cơ chế để phát triển nguồn nhân lực, tạo cơ chế thông thoáng về vốn để giúp HTX có nguồn vốn ổn định, lâu dài,…