Nông thôn mới

“Xây dựng nông thôn mới cần phát triển chiều sâu văn hóa”

Bảo Minh - 09:24 18/02/2023 GMT+7
Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với UBND TP. Hải Phòng tổ chức sáng 17/2.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu chủ trì hội nghị, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành trung ương và đại biểu  văn phòng điều phối NTM  63 tỉnh, thành phố.

Xây dựng NTM phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp năm 2023, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng: "Chúng ta cần nhìn lại cách tiếp cận NTM. Xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn".
Hội nghị đánh giá, phân tích những điểm mạnh, những khó khăn, những hạn chế trong công tác tham mưu chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn triển khai xây dựng NTM thời gian vừa qua. Đồng thời, đề xuất giải pháp, hiến kế để phấn đấu đạt được chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam và Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM TW, đến nay, cả nước có 6.009/8.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 937 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 110 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 255 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM và 18 địa phương cấp tinh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Chương trình OCOP đã đạt được kết quả nổi bật với 8.867 sản phẩm OCOP, của hơn 4.586 chủ thể. Đặc biệt, sản phẩm OCOP đang từng bước khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế; các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp "đa giá trị" góp phần chuyển dịch từ phát triển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.


Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, hơn 12 năm qua, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã được tổng kết đánh giá có kết quả rõ rệt. Đặc biệt là diện mạo nông thôn đã có sự thay đổi rất lớn nhất là hạ tầng, kinh tế, đời sống và thu nhập của người dân.
Chương trình Xây dựng NTM đã gắn đã gắn vào được người dân, huy động sức dân tham gia. Từ 2021 – 2020 Chương trình đã huy động nguồn lực xã hội trên 2.000 tỷ, đây là nguồn lực lớn để đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là một thành quả rất lớn của chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2010 -2020.
Đến hết năm 2022, cả nước đã có 18 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn NTM.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị toàn quốc hệ thống Văn phòng Điều phối Nông thôn mới các cấp năm 2023.

Đáng chú ý, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng, công nhận 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của hơn 4.586 chủ thể tham gia. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,2 lần so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016.
Tuy nhiên, theo ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối NTM T.Ư, một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và chuẩn bị các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định. Do vậy, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao năm 2022. Số liệu của Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của Chương trình đến hết tháng 12/2022 mới đạt 47,3%
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Tiến Châu – Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: Hải Phòng đã có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định được là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng vai trò cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang đánh giá kết quả bước đầu triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xã nông thôn mới thông minh và đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025. Theo đó, Trong năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt chủ trương, đề cương và dự toán thực hiện dự án Điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử (WebGIS) phục vụ quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chuyển đổi số trong nông nghiệp đến năm 2030; tiếp tục triển khai Dự án “Cấp và quản lý mã số vùng trồng các sản phẩm hàng hóa nông sản tỉnh Tuyên Quang bằng hệ thống/tiêu chuẩn OTAS phục vụ nội tiêu và xuất khẩu, giai đoạn 2021-2025"; cấp, quản lý mã số vùng trồng, tạo nền tảng thúc đẩy chuyến đối số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân; tiếp tục triển khai nhiệm vụ xây dựng phần mềm và kho dữ liệu dùng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại hội nghị.

Đồng thời chỉ đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định mục tiêu “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh”, kế hoạch đề ra 05 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện:Nâng cao năng lực về chuyển đổi số; Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới;  Huy động nguồn lực triển khai Chương trình.

Nghiên cứu, xây dựng và triển khai mô hình thí điểm chuyển đổi số hướng tới xã nông thôn mới thông minh trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 theo hướng: Địa phương có thế mạnh về kinh tế thì ưu tiên lựa chọn theo hướng thí điểm về mô hình kinh tế số; địa phương có thuận lợi về điều kiện văn hoá - xã hội thì ưu tiên thí điểm về mô hình xã hội số; đồng thời phát triển  mô hình chính quyền số hoặc xây dựng mô hình thí điểm toàn diện (kinh tế số, xã hội số, chính quyền số) ở những địa phương có đủ điều kiện thực hiện...

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP, được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, đến nay tỉnh Thanh Hóa đã có 317 sản phẩm OCOP tại 193 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố, của 226 chủ thể (gồm 56 doanh nghiệp, 76 hợp tác xã, 9 tổ hợp tác, 85 hộ sản xuất kinh doanh). Trong đó, có 01 sản phẩm đạt 5 sao (mắm tôm Lê Gia), 54 sản phẩm đạt 4 sao, 262 sản phẩm đạt 3 sao. Về phân nhóm sản phẩm, có 240 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 16 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 42 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và 19 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược. Trong đó nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, như: cói Nga Sơn, Quế ngọc - Thường Xuân, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập; bánh gai Tứ Trụ - Thọ Xuân; nước mắm Ba Làng - Thị xã Nghi Sơn; cam Vân Du - Thạch Thành; gà đồi Như Xuân, chè lam Phủ Quảng - Vĩnh Lộc, tương Làng Ái - Yên Định…

 Lãnh đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị.

Đã tổ chức nhiều đợt xúc tiến, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các siêu thị: Co.opmart, Big C, và tại Nghệ An, Nam Định, Yên Bái, Hà Nội, Bắc Ninh, Sơn La; định kỳ hàng năm tổ chức các gian hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch của thành phố Sầm Sơn…; phát triển các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; phát hành hàng năm cuốn catalogue và cuốn Bản tin sản xuất, thị trường và tiêu thụ sản phẩm OCOP để giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh; là 1 trong 6 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen có thành tích tiêu biểu trong trong triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020.

Thông qua Chương trình OCOP đã tạo ra một môi trường hoạt động bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền; tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng doanh thu cho doanh nghiệp và thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỉnh có 559 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 05 sản phẩm đề xuất công nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia.

Lãnh đạo Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp chia sẻ tại hội nghị: Hiện, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đồng Tháp đang phối hợp với Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam xây dựng và ứng dụng “Phần mềm số hoá đánh giá nông thôn mới” dự kiến hoàn chỉnh và áp dụng trong Quý II/2023 sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu trữ và đánh giá xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới liên thông từ cấp xã đến cấp tỉnh, hạn chế được kinh phí in ấn và photo tài liệu. Đã soạn thảo và in ấn 3.800 cuốn sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 - 2025 gửi các Sở ngành Tỉnh, cấp huyện và cấp xã, ấp để thực hiện. Đang thực hiện Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ Hội quán nông dân tại Đồng Tháp.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ NN&PTNT mô hình thí điểm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tỉnh “Xã thương mại điện tử” tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, nhằm mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở  sản xuất, hợp tác xã và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch của cá nhân, tổ chức tại địa phương.

Tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền về phát triển chiều sâu văn hóa trong xây dựng Nông thôn mới

Thời gian tới, công tác tuyên truyền về xây dựng NTM tiếp tục được chú trọng. Để định hướng chỉ đạo triển khai công tác truyền thông đúng trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; thống nhất nhận thức và thay đổi tư duy của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương và người dân về xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã tham mưu Bộ NN& PTNT ban hành Chương trình Truyền thông phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo đôn đốc các địa phương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện tuyên truyền về xây dựng NTM và các chương trình chuyên đề, truyền tải các thông điệp về phát triển bền vững, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, vai trò của cộng đồng và cán bộ cơ sở. Thường xuyên cập nhật tin tức, kết quả, văn bản, quy định, hướng dẫn về xây dựng NTM trên Cổng thông tin điện tử của Chương trình, facebook “NTM Trung ương” và fanpage “OCOP Việt Nam - Kết nối và chia sẻ”. Thông tin kịp thời đến các cơ quan thông tấn, báo chí, phóng viên về định hướng hoạt động truyền thông năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025.

Các sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang.

Tại địa phương, đã có trên 45 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện và chỉ đạo triển khai xuống tận cơ sở; chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, cổng thông tin điện tử ở các cấp, các ngành tiếp tục tăng thời lượng phản ánh tin, bài, nhất là tập trung nêu gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.

Từ kết quả đã đạt được, chương trình MTQG xây dựng NTM đã đặt ra mục tiêu phấn đấu năm 2023, cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 25% số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, có 7-8 tỉnh/thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 bên cạnh những thuận lợi trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn thách thứ trong bối cảnh mới cần được trao đổi, tháo gỡ. Trong đó tập trung vào một số giải pháp là: Tập trung hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban Chỉ đạo các cấp từ trung ương tới địa phương; Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị …

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra một số nội dung mà Văn phòng điều phối NTM các cấp cần triển khai trong thời gian tới. Đầu tiên là triển khai từ sự năng động của các địa phương. Lấy sự năng động đổi mới sáng tạo ở cơ sở để làm động lực phát triển, khắc phục sự "đồng phục hóa" trên khắp 63 tỉnh thành. Trong thời gian tới, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn có những cách thức tiếp cận mới hơn bởi dư địa, tiềm năng trong phát triển NTM sẽ là rất lớn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu kết luận hội nghị.
Bộ trưởng cho rằng, cần nhìn lại cách tiếp cận nông thôn mới. Xây dựng NTM không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn mà phải đi vào chiều sâu, gắn với bản sắc, giá trị nông thôn. Đồng thời, Bộ trưởng đánh giá cao sáng kiến của các địa phương,
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Nông thôn mới chính là sức sống mới mà sức sống mới ở đây là sức sống của cộng đồng, và nhiệm vụ của chúng ta trong thời gian tới chính là phải hồi sinh sức sống của cộng đồng. Vừa qua những mô hình như làng hạnh phúc, làng thông minh cũng là một gợi ý rất hay. Xây dựng NTM là cho chính mình và cho thế hệ mai sau.
“Mỗi địa phương sẽ có những cách thức riêng biệt để kể câu chuyện riêng của mình, tránh bị rập khuôn, mặc đồng phục, thể hiện từ khẩu hiệu, thông điệp. Đây chính là không gian sáng tạo cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Chương trình OCOP phải tạo ra không gian kinh tế nông thôn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân nông thôn. Phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn nữa”, Bộ trưởng  Lê Minh Hoan nhấn mạnh..

Tin cùng chuyên mục
Tin khác