Xóa tâm lý "sợ sai" trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Đây là bước tiếp nối kết quả giám sát tối cao về chuyên đề này của Quốc hội tại kỳ họp trước, khẳng định tinh thần trách nhiệm, đi đến cùng vấn đề giám sát, qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trên thực tế, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn những hạn chế. Trong đó, nguyên nhân do các Chương trình còn dàn trải, manh mún, chia cắt, chưa có cơ chế rõ ràng về phân cấp, phân quyền; chưa có cơ chế đặc thù để xử lý các nội dung vướng mắc, khó, nhạy cảm; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Đây là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ triển khai, giảm hiệu quả thực hiện các Chương trình.
Ảnh minh họa TTXVN
Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết của Quốc hội đã thể hiện sự phân cấp rất lớn cho địa phương khi thực hiện, trong đó quy định thực hiện thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025. Nghị quyết nêu rõ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho huyện được lựa chọn thí điểm. Căn cứ danh mục dự kiến đã báo cáo Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cùng cấp giao kế hoạch đầu tư công trung hạn thực hiện các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp theo tổng vốn thực hiện các dự án…
Ngoài ra, Hội đồng nhân dân cấp huyện được quyết định điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công, kinh phí thường xuyên giữa các chương trình mục tiêu quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư vốn hàng năm, dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được cấp có thẩm quyền giao; cơ cấu nguồn vốn ngân sách nhà nước giữa chi đầu tư, chi thường xuyên của các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ để tập trung vốn thực hiện các dự án thành phần khác thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, việc có nơi muốn phân cấp, có nơi không muốn phân cấp là thực tế từ quá trình giám sát tại các địa phương trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nằm trong từng hoàn cảnh và điều kiện cụ thể, đòi hỏi phải xử lý khi thiết kế chính sách.
“Có cán bộ không muốn phân cấp vì tâm lý không làm thì không sợ sai, sợ vướng. Còn người muốn thực hiện cho tốt lại nói hãy phân cấp cho tôi”. Nêu thực tế này, ông Nguyễn Lâm Thành khẳng định, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết với 8 cơ chế, chính sách sẽ giải quyết được cơ bản những vấn đề địa phương đang gặp khó hiện nay.
Trong đó, cơ chế thực hiện thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2024 - 2025 là quy định rất mới. Theo đó, mỗi tỉnh sẽ chọn 2 huyện để thí điểm phân cấp, với nội dung phân cấp khá triệt để khi chuyển thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho Hội đồng nhân dân cấp huyện thực hiện. Đây là cơ chế "rất thoáng", các địa phương được quyền chủ động làm, giúp rút ngắn nhiều khâu, quy trình thủ tục và thời gian.
Trước băn khoăn quy định về phân cấp trong Nghị quyết có giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hay không, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, việc phân cấp này hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi tại Nghị quyết đã quy định rõ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời gian, từ đó tạo sự yên tâm cho cán bộ trong triển khai.
Ngoài ra, do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quyết định lựa chọn không quá 2 huyện thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp nên cấp tỉnh hoàn toàn có điều kiện để hỗ trợ cho các huyện thực hiện tốt thẩm quyền này. Tại Nghị quyết cũng quy định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia cho cấp huyện được lựa chọn thí điểm nên sẽ có sự hỗ trợ, kiểm soát và giám sát với quá trình triển khai thực hiện.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh, quy định phân cấp là cơ sở pháp lý quan trọng để địa phương mạnh dạn thực hiện, xóa bỏ tâm lý sợ sai mà không dám làm. Tuy nhiên, sự phân cấp, phân quyền không có nghĩa là “buông” mà cấp trên vẫn phải chịu trách nhiệm, không phải phân cấp, ủy quyền là ở dưới muốn làm gì thì làm. Muốn vậy, ngoài nâng cao trách nhiệm của các cơ quan được giao thực hiện, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó phát huy hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù này.
Bên cạnh đó, để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan để bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ triển khai thực hiện chính sách; bố trí đủ nguồn lực để sớm triển khai hoàn thành tốt các chương trình theo yêu cầu đề ra.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới